Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - Ảnh: NAM TRẦN
"Liệu một sản phẩm bán ra thị trường ghi hàng Việt Nam chất lượng cao có chấp nhận được không khi linh kiện, thiết bị nhập khẩu gần như hoàn toàn, phần sản xuất trong nước chỉ là vỏ nhựa bên ngoài và hộp carton?", tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đặt vấn đề.
Tại dự thảo thông tư quy định về xác định hàng hóa Việt Nam mà Bộ Công thương vừa đưa ra, hàng hóa Việt Nam là hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Câu hỏi đặt ra là thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa là như thế nào và cần quy định rõ ràng, cụ thể. Điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng gồm thuế, hải quan, quản lý thị trường… phối hợp để giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhà xưởng, có nhân công, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, có tiêu thụ điện nước, hay kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện ra sao?
Mục đích của việc giám sát là để biết doanh nghiệp làm thật, ăn thật chứ không phải nhập hàng ngoại về để "tráng men", lừa dối người tiêu dùng trong nước, ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính, làm ăn bài bản khác đang phải ngậm đắng nuốt cay.
Mặt khác, việc có một số sản phẩm đang đội lốt hàng Việt sẽ gây tổn hại đến thương hiệu hàng Việt mà Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp gây dựng lâu nay.
Chúng ta đã ký kết một loạt các FTA. Và việc Mỹ đánh thuế gần 500% đối với thép vừa qua là một bài học. Nếu hàng Việt bị nghi ngờ, bị gian lận thì không chỉ 1 doanh nghiệp bị thiệt hại mà cả một ngành hàng bị ảnh hưởng, tác động dây chuyền là hàng triệu người lao động bị giảm việc làm và thu nhập và lâu dài là cả nền kinh tế bị thiệt hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận