TTCT- Cuộc khủng hoảng chính trị ở Macedonia tới nay đã kéo dài được 5 tháng, và đất nước nhỏ bé chỉ có hơn 2 triệu dân tại Tây Balkan này có thể sớm trở thành điểm nóng cho một cuộc đối đầu Nga - phương Tây nữa trong tương lai không xa. Ông Zoran Zaev, lãnh đạo phe đối lập, được hộ tống rời tòa nhà quốc hội sau vụ tấn công ngày 27-4 -gulfnews.com Bế tắc chính trị giữa hai phe tả và hữu, cầm quyền và đối lập kéo dài 5 tháng qua đã bùng phát thành bạo lực vào cuối tháng 4 vừa rồi, khi tòa nhà Quốc hội nước này bị tấn công, khiến hơn 100 người bị thương. Thông tin về những gì thật sự xảy ra ngày 27-4 tại Skopje, thủ đô Macedonia, đến nay vẫn khó xác tín. Từ những nguồn khác nhau, có thể tóm gọn tình hình như sau: Những người thuộc phe hữu bất bình trước sự kiện chính khách gốc Albania (thuộc phe tả đối lập là Đảng Liên minh dân chủ xã hội Macedonia - SDSM) Talat Xhaferi, dự kiến được SDSM bầu lên làm chủ tịch quốc hội - đã tấn công trụ sở quốc hội. Họ cho rằng cuộc bầu cử này là mưu toan đảo chính nhà nước của cộng đồng người gốc Albania thiểu số ở đất nước có đa số dân là người Serbia, thậm chí là một bước trong chiến lược lớn hơn hình thành một nhà nước “Đại Albania” ở Balkan được phương Tây hậu thuẫn. Trong bối cảnh rộng hơn, cuộc đối đầu Nga - phương Tây ở Balkan đã âm ỉ lúc nóng lúc lạnh suốt từ sau Chiến tranh lạnh, với đỉnh điểm có lẽ là cuộc chiến tranh Kosovo 1998-1999 đẫm máu khiến gần 14.000 người thiệt mạng. Hiện trường vụ việc ở mỗi nước có thể thay đổi, nhưng kịch bản thì không khác nhiều: Nga sẽ ủng hộ những người Serbia đa số, trong khi các nước phương Tây hỗ trợ cho những nhóm thiểu số đòi chia tách thành lập nhà nước riêng. Trong cuộc chiến Kosovo gần 20 năm trước, cũng chính những người Albania đã tách ra để giành độc lập. Cả Kosovo và Macedonia ngày nay đều có biên giới chung với Albania, một thành viên NATO và ứng cử viên chính thức gia nhập EU. Đó chính là bối cảnh chung khiến cuộc khủng hoảng Macedonia trở nên cực kỳ quan trọng trong ván cờ chiến lược mới. Chuyện của các siêu cường Nòng cốt của lực lượng chống đối là những thành viên đảng cánh hữu “Tổ chức cách mạng nội bộ Macedonia - Đảng Dân chủ vì sự thống nhất dân tộc Macedonia” (VMRO-DPMNE) của phong trào “Vì Macedonia thống nhất”, một đảng chính trị lâu đời ở quốc gia non trẻ này (độc lập năm 1991). Trong cuộc bầu cử tháng 12-2016, VMRO-DPMNE giành được 51/120 ghế, trong khi SDSM được 49 ghế, là hai đảng lớn nhất trong quốc hội. Tuy nhiên, VMRO- DPMNE - dù giành nhiều ghế nhất - không thể hội đủ đa số để lập chính phủ, bởi SDSM thuyết phục được các đảng nhỏ của những người Albania thiểu số (tỉ lệ người Serbia-Albania ở Macedonia là 64-25%, theo thăm dò năm 2002) thành lập liên minh chiếm được đa số phiếu, với những hứa hẹn về nhiều quyền tự trị hơn, và nhờ đa số đó, họ được đề cử chủ tịch quốc hội. Ngày 27-4, VMRO-DPMNE tẩy chay các thủ tục bầu ông Xhaferi ở quốc hội. Phe đối lập SDSM, dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Zoran Zaev và có trong tay 67 ghế quốc hội, vẫn tổ chức bầu cử. Bạo lực đã bùng phát sau đó khi những người ủng hộ VMRO-DPMNE tràn vào tòa nhà quốc hội. Trước đó nữa là tình hình bế tắc với chiếc ghế thủ tướng, khi Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov (người của VMRO-DPMNE) từ chối phê chuẩn cho ứng viên đối lập, mà vẫn giữ lại thủ tướng đương nhiệm cùng đảng với ông, Nikola Gruevski. Phản ứng của các cường quốc nhanh chóng cho thấy bản chất của vấn đề Macedonia là gì. EU và Mỹ nhanh chóng lên án vụ bạo lực, và công nhận chủ tịch quốc hội Xhaferi, một cựu quan chức quốc phòng và cựu bộ trưởng quốc phòng. “Dân chủ phải được thực thi. Chúng tôi công nhận kết quả việc bầu ông Talat Xhaferi làm chủ tịch quốc hội” - Cao ủy về mở rộng EU Johannes Hahn và Phó chủ tịch EC Federica Mogherini nói trong một tuyên bố chung. Đại sứ quán Mỹ tại Skopje, thủ đô Macedonia, thì lên án vụ bạo lực “một cách mạnh mẽ nhất” và nói sẽ hợp tác với ông Xhaferi “để ủng hộ dân chủ và thúc đẩy các lợi ích của Macedonia”. Một tuyên bố khác từ Washington ngày 28-4 xác nhận lại những điều đó. Trong khi đó, Nga nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác. “Phe đối lập, đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội, thực ra đang tìm cách giành quyền lực bằng vũ lực, cố tình bầu ra chủ tịch quốc hội bằng cách xâm phạm trắng trợn quy trình đã được thiết lập” - Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố. Matxcơva cũng nhắc tới việc EU và Mỹ đã quá nhanh chóng thừa nhận sự hợp pháp của việc bầu ông Xhaferi, dù ông này có quá khứ từng là thủ lĩnh lực lượng nổi dậy có vũ trang của người Albania năm 2001 suýt nữa đẩy Macedonia vào một cuộc nội chiến. “Phản ứng đó, được phối hợp với tốc độ ánh sáng, là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự cố này đã được sắp đặt từ trước, với sự đồng mưu của “những giám tuyển nước ngoài” với vị trí của Macedonia” - tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc, và gọi việc bầu ra Xhaferi là “sự thao túng đáng ghê tởm ý chí của người dân với mục tiêu loại bỏ một chính phủ hợp pháp lên nắm quyền”. Kế hoạch Đại Albania Trước đó, ông Zaev đã đề nghị Tổng thống Ivanov thành lập chính phủ mới và thay đổi hiến pháp, biến Macedonia thành một nhà nước liên bang. Tuy nhiên, Tổng thống Ivanov cho rằng điều đó có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Macedonia, chỉ đáp ứng lợi ích của cộng đồng Albania thiểu số. Biểu tình đòi Tổng thống Ivanov từ chức và bác bỏ kết quả bầu cử sau đó nổ ra ngày 13-4. Trước đó nữa là vụ bê bối nghe lén 20.000 người của an ninh Macedonia được Thủ tướng Gruevski chuẩn thuận vào năm 2015, khiến uy tín của đảng cầm quyền tổn hại nghiêm trọng. Phe đối lập tổ chức xuống đường. EU can thiệp, làm trung gian cho một thỏa thuận tạm thời giữa các chính đảng Macedonia cuối năm 2016. Thủ tướng Gruevski chấp nhận ra đi và tuyển cử được ấn định là tháng 12-2016. Khó có thể kể hết những vấn đề nảy sinh trên miền đất từng nằm trong thành phần Đại Nam Tư này. Trước năm 1947, Vương quốc Nam Tư là một nhà nước đơn nhất. Từ sau năm 1947, Liên bang Nam Tư bao gồm 6 cộng hòa tự trị: Serbia, Montenegro, Croatia, Slovenia, Macedonia, Bosnia-Herzegovina. Sau Chiến tranh lạnh, Nam Tư tan đàn xẻ nghé. Trong cuộc khủng hoảng chính trị năm 1991, 4/6 cộng hòa của Nam Tư tách khỏi liên bang: Croatia, Slovenia, Macedonia và Bosnia-Herzegovina. Riêng trên lãnh thổ Bosnia-Herzegovina, rồi sau đó là Kosovo, xung đột vũ trang bùng phát. Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc được đưa vào để giải quyết xung đột sắc tộc giữa những người gốc Serbia với người gốc Bosnia và Albania. Như ở nhiều nước cộng hòa khác của cựu Liên bang Nam Tư, sau khi độc lập, dân số gốc Albania ở Macedonia tăng nhanh do việc tăng di dân từ Albania và tăng dân tự nhiên. Lực lượng đại diện cho nhóm thiểu số Albania ở Macedonia từ năm 2000 là đảng cánh tả thân phương Tây SDSM, chủ trương liên bang hóa Macedonia. Những thế lực cánh hữu Macedonia lo sợ đất nước tan rã trước ảnh hưởng ngày càng lớn của các láng giềng Albania và Kosovo, nơi người gốc Albania chiếm 85-90% dân số. Một cuộc chiến tranh ủy nhiệm quy mô mini tưởng như có lúc đã bùng phát. Đầu tháng 5-2015, gần 70 tay súng Albania tấn công thành phố Kumanovo 70.000 dân của Macedonia, cách Skopje chỉ 40km. Bộ Nội vụ Macedonia triển khai các chiến dịch “chống băng đảng”. Kết quả là 14 tay súng bị tiêu diệt, 30 kẻ khác bị bắt giữ. Trong những người bị bắt, 18 người là người Kosovo, 11 là người Macedonia và 1 người gốc Albania sống ở Đức. Tình hình rất lộn xộn bởi chính dân Kumanovo (nơi có 1/3 dân số là gốc Albania) che giấu các tay súng ngay trong nhà họ và chống lại nhà cầm quyền. Truyền thông quốc tế, đưa tin về vụ Kumanovo, nói dân địa phương không coi các tay súng này “khủng bố” như quan điểm của nhà cầm quyền. Ý tưởng về một “Đại Albania” vì thế không phải là không có cơ sở. Mới tuần trước, người đứng đầu nhà nước Kosovo tự xưng Hasim Thachi còn tuyên bố trên Đài phát thanh châu Âu tự do: “Nếu châu Âu đóng cửa với Kosovo, thì tất cả người Albania của khu vực này sẽ sống trong một đất nước thống nhất (tức Albania) để tiếp tục hội nhập vào gia đình châu Âu”. Phe cánh hữu Macedonia vì thế nhận định vụ Kumanovo là một “cuộc diễn tập” cho kế hoạch “Đại Albania”. Có thể thấy tình hình hiện nay ở Macedonia là phát triển tiếp theo của những gì xảy ra trên bán đảo Balkan từ thập niên 1990. Ở miền đất đầy bất an này, một mồi lửa nhỏ cũng có thể biến thành đám cháy rừng. Macedonia hiện được coi là một trong các “mắt xích yếu nhất”: đất nước này không có quân đội thiện chiến lẫn một tên gọi riêng (tên Macedonia đang bị Hi Lạp phản đối vì trùng tên với một tỉnh của Hi Lạp, khiến Athens lo ngại yêu sách về lãnh thổ của người Macedonia với tỉnh Macedonia của Hi Lạp). Với “mắt xích yếu” này - theo tiến sĩ khoa học chính trị người Nga Elena Ponomareva - tiến trình “Albania hóa Balkan” được các quan chức EU ủng hộ thực hiện, xem người Hồi giáo như nhân tố chống lại Serbia nói riêng và văn hóa Chính thống giáo Slavơ nói chung trên bán đảo Balkan”. Giám đốc Trung tâm Hợp tác khoa học kỹ thuật Balkan Oleg Dzyg cũng chia sẻ nhận định trên RT khi cho rằng “phương Tây gây mất ổn định Macedonia do lãnh đạo đất nước này không phải là người họ mong muốn. Những năm gần đây, ảnh hưởng của các cơ cấu Albania ngày càng tăng, điều cuối cùng sẽ dẫn tới sự tan rã Macedonia. Tại sao điều đó cần thiết? Chúng ta quan sát thấy sự chống Nga: nếu ai đó trong số những người lãnh đạo trung thành với Matxcơva, điều đó sẽ gây phẫn nộ. Chính sách này rất rõ ràng và chẳng chút mơ hồ”. Không phải tự nhiên mà tháng 3-2017, Tổng thống Ivanov đã gửi thư cho Chủ tịch EU Donald Tusk, cảnh báo “những thế lực phương Tây đang cố áp đặt lên Macedonia một cương lĩnh chính trị được viết từ Tirana (Albania)”. Sự quan tâm từ bên ngoài hẳn lớn hơn nếu quả thực có một kế hoạch như thế, bởi khi đó chuyện hơn thua ở Macedonia sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều. Ngày 1-5, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về châu Âu và Á - Âu Hoyt Yee đã tới Skopje để “gặp lãnh đạo các chính đảng nhằm thảo luận việc thành lập chính phủ liên minh”. Chuyến đi này không được Skopje chào đón. Văn phòng Tổng thống Ivanov nói ông đã không gặp ông Yee vì “không có thời gian”. Cần nhắc lại rằng nhiều bộ trưởng thân VMRO-DPMNE đã từ chức hồi tháng 5-2015 ngay sau chuyến thăm của chính ông Yee, người yêu cầu các quan chức phải chịu trách nhiệm cho vụ bê bối nghe lén bất hợp pháp. Trong những diễn biến mới nhất, Tổng thống Ivanov cũng đã có dấu hiệu xuống thang với tuyên bố không ngăn cản việc thành lập một “đa số mới” trong quốc hội, miễn là sự toàn vẹn lãnh thổ của Macedonia được bảo đảm. Năm 1878, thủ tướng Phổ Otto von Bismarck đã nói lời tiên tri về Balkan, rằng “một sự cố ngu xuẩn nào đó ở Balkan” sẽ kích hoạt cuộc thế chiến tại châu Âu. Điều đó đã đúng vào năm 1914, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Liệu Macedonia có trở thành ngòi nổ tiếp theo?■ Tags: MacedoniaChiến tranh ủy nhiệmCuộc chiến uỷ nhiệm
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.