Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ hàng triệu tấn gạo, thị trường nội địa còn rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp chế biến gạo khai thác nếu đầu tư bài bản, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bao bì đẹp, thương hiệu có tiếng
Chị Nguyễn Hồng Hà (Tân Bình, TP.HCM) cho hay đã gần một năm nay gia đình chị chuyển từ mua gạo cân ký ở một đại lý gần nhà vào mua gạo trong siêu thị, sau khi một người bạn thắc mắc lý do cơm nguội để trên bàn mà kiến "không thèm" đụng tới.
"Mọi người trong nhóm bạn tui nói rằng do gạo được xử lý thuốc bảo quản và diệt côn trùng, nên mấy chị em trong nhóm bàn nhau tìm gạo sạch để mua", chị Hà cho biết.
Sau một thời gian ăn thử một số loại gạo, chị Hà đã chọn được loại ưng ý là cơm dẻo thơm, gạo được đóng gói trong bao bì đẹp 2 - 5kg để không phải mua nhiều mỗi lần.
"Trên nhãn đều có ghi địa chỉ sản xuất với chứng nhận chất lượng nên yên tâm hơn gạo mua bên ngoài", chị Hà cho hay.
Trong khi đó, chị Trần Kim Anh (quận 3) ấn tượng với một loại gạo trồng tại Bến Tre được bán ở một cửa hàng thực phẩm cao cấp bởi bao bì rất lạ.
"Lần đầu tiên tôi thấy một bao gạo 2kg được đóng gói cẩn thận, bọc trong bao bố rất đẹp và thân thiện nên quyết định mua luôn. Sau đó đọc thông tin trên bao bì về quá trình trồng lúa ở vùng nuôi tôm không dùng phân bón hóa học với thuốc trừ sâu thì càng yên tâm", chị Kim Anh nói.
Dạo qua các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm ở TP.HCM có thể thấy gian hàng gạo rất bắt mắt với 20 - 30 nhãn hiệu gạo khác nhau, với đầy đủ kích cỡ đóng gói, màu sắc bao bì và nhãn hiệu bày bán.
So với trước đây, bao bì gạo ngày càng đẹp và thân thiện hơn, có cả thông tin về vùng trồng và độ an toàn của gạo. Bao bì đẹp, đóng gói nhỏ gọn và an toàn đang là những yếu tố giúp cho gạo có thương hiệu cạnh tranh tốt với các cửa hàng bán gạo thông thường dù giá cao hơn.
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát trên đường Nguyễn Hữu Trí, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có thể kể đến hàng chục tên gạo khác nhau ở mỗi điểm bán hàng như Hương Xuân, Xuân Hồng, Nàng Thơm, Nàng Đào...
Các thương hiệu theo giống gạo như ST24, Tài Nguyên, Thơm Jasmines, Fuji Sakura... Các loại gạo này bán với giá 12.000 - 35.000 đồng/kg, cá biệt các loại gạo có chứng nhận hữu cơ có giá lên đến 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Theo các công ty sản xuất và kinh doanh gạo, ngày càng có nhiều người dùng quan tâm hơn đến chất lượng gạo để mua bởi đây là mặt hàng thiết yếu và tiêu dùng hằng ngày.
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống là chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, một số công ty cũng mở rộng thêm nhiều kênh bán hàng khác để đưa gạo của mình đến tay người tiêu dùng như bán hàng qua website, điện thoại, Facebook và giao hàng tận nơi.
Cốt lõi là chất lượng và an toàn
Các doanh nghiệp thăm dò cho biết người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn 20 - 50% cho loại gạo mà họ tin tưởng.
Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho biết công ty đã đầu tư hàng trăm hecta trồng gạo hữu cơ ở ĐBSCL với kế hoạch ban đầu là xuất khẩu.
Thế nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường không đủ bán nên công ty chưa tính đến kế hoạch xuất khẩu loại gạo này.
Đồ họa: V.CƯỜNG
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng sau thời gian dài mua bán các loại gạo xá không bao bì, không nhãn mác đến lúc phải xây dựng thương hiệu, "mặc áo đẹp" cho gạo để phát triển xa hơn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Theo ông Lâm Anh Tú - giám đốc Công ty gạo Hoa Nắng, dù mới phát triển loại gạo hữu cơ trong vài năm trở lại đây nhưng phản ứng của thị trường khá tốt.
Sau khi có chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU, gạo Hoa Nắng đã vào được một số chuỗi bán lẻ lớn và hệ thống bán lẻ thực phẩm hữu cơ tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành.
Năm 2018, diện tích trồng lúa hữu cơ của công ty tăng tới 40% lên gần 100ha tại Bến Tre. Ngoài hai loại gạo truyền thống là Hoa Nắng và Nàng Keo, năm nay công ty còn có thêm sản phẩm gạo ST24 đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
"ST24 là giống lúa tạo ra hạt cơm mà Việt Nam đứng thứ ba thế giới năm ngoái nên sẽ là sản phẩm chủ lực cho kế hoạch xuất khẩu của công ty", ông Tú cho hay.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cho biết nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều thông tin hơn về xuất xứ sản phẩm, quá trình chế biến và các phụ gia hóa chất trong sản phẩm.
Việc minh bạch các thông tin như vậy tốt cho người mua và cũng tốt cho người bán để tránh những hiểu lầm.
Chẳng hạn, việc sử dụng chất bảo quản trong gạo là được phép để giữ hạt gạo được lâu, tránh mối mọt nhưng phải sử dụng đúng chất, đúng liều lượng mới đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
"Nếu không minh bạch, người tiêu dùng cứ coi có chất bảo quản là có hại và tẩy chay như đã từng xảy ra với đậu phụ có thạch cao, bún có chất phát sáng…", bà Minh nói.
Gạo Thái, Campuchia tiêu thụ không nhiều
Hơn một năm trở về trước, phong trào mua bán gạo Campuchia tại Việt Nam nở rộ do được quảng cáo là gạo xay xát từ lúa mùa (thời gian trồng lên đến 6 tháng) nên chất lượng thơm ngon hơn gạo trong nước (lúa lai Việt Nam trồng 3 tháng), an toàn hơn do ít hoặc không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Tuy nhiên, loại gạo này hiện đang bán chậm hơn trước.
Chủ cửa hàng gạo Việt Thương (quận 11, TP.HCM) cho biết dù giá bán không tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng năm nay lượng gạo Campuchia bán ra chậm hơn.
Trong khi đó, theo bà Lý Huệ - chủ vựa gạo tại trung tâm thương mại 30/4 (TP Rạch Giá, Kiên Giang), gạo Thái và Campuchia được nhập theo đường tiểu ngạch với số lượng ít, chủ yếu để bán cho khách quen.
"Có người mua thì mình bán chứ cũng không biết gạo Thái, gạo Campuchia có sạch, không có thuốc trừ sâu, phân hóa học như quảng cáo hay không" - bà Huệ nói.
T.MẠNH - K.NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận