09/08/2018 15:57 GMT+7

'Má Hai' ở trường Nguyễn Văn Trỗi

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Từng 3 lần viết đơn xin nghỉ việc để lo cho con gái đầu lòng bị bệnh hiểm nghèo ngay từ khi mới sinh ra, nhưng cứ mỗi lần làm đơn xong thì cảm xúc nhớ trường, nhớ trò lại dâng lên trong cô…

Má Hai ở trường Nguyễn Văn Trỗi - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hòa (phải) cùng học trò cũ Huỳnh Thị Kim Châu xem lại album ảnh cưới của học trò, ôn lại kỷ niệm xưa - Ảnh: NHƯ HÙNG

Điều đó khiến cô Nguyễn Thị Hòa - Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM - đã 32 năm nghị lực vượt lên nỗi đau để hết lòng với tình yêu "trồng người".

3 lần xin nghỉ

Là chị cả trong gia đình có 6 người con di cư từ miền Trung vào thành phố, cô Hòa đi theo định hướng của cha vào ngành sư phạm. 

Năm 1986, cô là giáo sinh thực tập tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi và được giữ lại trường. Năm 1994, cô Hòa sinh con đầu lòng, nhưng đau đớn nhất khi sinh con đầu lòng thì nhà là... bệnh viện. 

"Một hai hôm thì được, chứ triền miên thì tôi không thể bỏ con cho mẹ và chồng chăm. Tôi từng nghĩ phải ngừng việc, vào bệnh viện trụ với con nhưng thời gian chờ xét đơn, quay về nhà lại thấy nhớ học trò. Đồng nghiệp đến nhà động viên, thế là tôi lại tiếp tục. Điều quan trọng bám víu tôi nhất để quay lại với nghề chính là học trò" - cô Hòa chia sẻ.

Chồng cô là thợ sửa máy, mỗi ngày nhìn chồng vừa lấm lem dầu nhớt vừa chăm chút cho con, cô lại cố nuốt nước mắt đến lớp mỗi ngày. Nhưng đến năm 1998, cô Hòa lại viết đơn xin thôi dạy lần 2. 

"Làm theo trái tim của người mẹ thì chắc mình sẽ nghỉ được" - cô kể lại. Tin này đến tai các thầy cô trong trường, mọi người thay nhau đến nhà động viên thăm hỏi, mà cũng nhớ trường lớp, thế là một lần nữa những tình cảm ấm áp của đồng nghiệp đã giữ cô lại với bục giảng.

Khi con lên 7 tuổi là lần thứ 3 cô xin nghỉ. "Nhất quyết phải nghỉ để ở luôn trong bệnh viện với con, muốn được nghỉ ngay để không xa con một phút giây nào" - cô nhớ lại. Nhưng rồi dường như cô sinh ra để gắn với nghề giáo, nhà trường cùng dìu dắt tinh thần cô đến tận mãi hôm nay.

Một bên là thương con, một bên là yêu nghề nhưng cô Hòa đã cố gắng dung hòa, vun vén để tiếp sức cho con trong những tháng ngày ròng rã ở viện, và người tiếp sức cho cô không ai khác chính là những học trò bé bỏng. 

Cô tự hào gọi đó là tình yêu, tình yêu cùng những kỷ niệm đã truyền lửa cho mình.

Xem trò như con

Cô Hòa yêu học trò có tiếng xưa giờ, chúng tôi cũng rất ngưỡng mộ tinh thần yêu nghề của chị.

Cô NGUYỄN MINH KHÁNH (đồng nghiệp cô Hòa)

Trong số những lý do cô không dứt ra nổi nghiệp "trồng người" là câu chuyện của những ngày mới ra trường. Từ đó mãi về sau, câu chuyện này trở thành hành trang nhắc nhở cô trên con đường dạy học và tự mình vượt qua những khó khăn.

Cô kể có một học sinh nữ luôn đến lớp với trang phục luộm thuộm, trong lớp không ai chịu ngồi gần. 

"Nhiều lần khuyên và một hôm tôi nhăn nhó nói lớn: Nếu con không thay đổi, các bạn sẽ xa lánh con! Sau hôm ấy, em đã nghỉ học 3 ngày và viết một lá thư nhờ bạn trong lớp chuyền tay tôi. 

Tôi nhớ như in bức thư: "Con không có xà bông để tắm, nhà con rất nghèo, mẹ con đi giúp việc cho nhà người ta...". Lá thư chỉ có vỏn vẹn một câu thôi, nhưng sự ân hận và tình thương học trò trong tôi mạnh lên rất nhiều" - cô Hòa tâm sự. 

Ngỡ ngàng và càng ân hận hơn khi cô Hòa tìm đến nhà em nữ sinh thì bà nội em cho hay ba mẹ em đều bị câm điếc, mẹ đi giúp việc cho người ta để nuôi cơm cả gia đình. 

"Có thể khi ấy tôi mới ra trường, tôi quá trẻ, chưa làm mẹ nên không thể đi sâu vào những điều đơn giản nhất ở các trò. Nếu tinh tế, tôi sẽ không để em phải viết một lá thư mà lẽ ra mình phải tìm hiểu. 

Tôi cứ dằn vặt, càng dằn vặt thì càng yêu thương học trò nhiều hơn và xem công việc của mình không phải là giảng dạy nữa, mà cao hơn là bao bọc yêu thương các em" - cô Hòa nghẹn ngào nói.

Mỗi một ngày đến trường, đến lớp, phương châm dạy học của cô Hòa suốt 32 năm qua rất đơn giản: "Xem trò như con và dạy bằng cả tấm lòng". Chính vì vậy, học trò ở trường cũng như các em học ở nhà hay những em đã trưởng thành ra trường đều trìu mến gọi cô với cái tên "má Hai".

"Từ bản thân, tôi luôn nghĩ sinh một đứa con ra đã rất khó, giáo dục các em còn khó hơn. Dạy các em tiểu học thì xúc cảm các em là điều rất dễ nhận biết để uốn nắn các em nên người. Chỉ cần nói chuyện đôi ba phút, các em sẽ tranh nhau kể về mình, về gia đình. 

Vì vậy, trong thực tâm, lớp lớp trò đi qua là bầy con của tôi. Dù rằng đầu tư nâng cao chuyên môn là chuyện không thể bỏ qua, nhưng gần gũi để các em chia sẻ cũng là một cách để rút ngắn, để truyền đạt chuyên môn mình hiệu quả hơn" - cô Hòa cho biết.

Cô Nguyễn Minh Khánh, đồng nghiệp trong trường, thốt lên khi nhắc về cô Hòa: "Cô Hòa yêu học trò có tiếng xưa giờ, chúng tôi cũng rất ngưỡng mộ tinh thần yêu nghề của một đàn chị".

Xem cô như mẹ

Chị Huỳnh Thị Kim Châu (quận Gò Vấp) là người cách đây 30 năm học lớp 1 do cô Hòa chủ nhiệm. Đến tận bây giờ, buồn vui gì chị cũng đều đến tìm cô. Người chồng nên duyên cùng chị bây giờ là nhờ cái gật đầu tư vấn của "má Hai".

Chị tâm sự: "Tôi nhớ mãi hình ảnh cô giáo chủ nhiệm lớp 1 lúc nào cũng đợi học trò được đưa đón hết rồi mới ra về sau cùng. Khi tôi sắp lấy chồng, hỏi ba má thì ba má lại nói dắt đến và hỏi ý cô Hòa xem sao. Tôi xem cô như mẹ mình".

Trong khi đó, ông Bùi Hữu Phước, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết cô Hòa là một nhà giáo có chuyên môn giỏi, nhận nhiều tuyên dương, nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017.

Cô rất tận tâm với nghề, có trách nhiệm với công việc, với học trò và trách nhiệm với gia đình.

"Hoàn cảnh con cái cô Hòa rất khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một nhà giáo mà nghị lực vượt qua tất cả để lo trọn vẹn cho gia đình mà lại đảm bảo hoàn thành tốt các giờ giảng dạy" - ông Phước nói.

Rơi nước mắt cô giáo lấy bệnh viện làm nhà vẫn lo cho trò

TTO - Được khuyến cáo không tiếp xúc ánh nắng mặt trời, cô Hồ Thị Lý vẫn lặn lội vượt hơn 50km đi dạy vì 'để hiểu được từng học sinh, từng hoàn cảnh các em như thế nào không phải chuyện đơn giản, mình phải chịu khó'.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên