Án phạt trên được đưa ra bởi Tổng cục Kiểm soát và Quản lý quốc gia Pháp (DNCG) và vẫn có thể được gỡ bỏ nếu Lyon giải quyết được món nợ hơn 500 triệu euro của họ từ giờ đến cuối mùa giải.
Lyon có thể gượng dậy?
Liệu đó có phải là một lời dọa suông? Không hề. Bởi 4 tháng trước, một đội bóng lớn khác của Pháp là Bordeaux cũng đã bị giáng xuống tận Giải hạng tư sau khi chịu những lời nhắc nhở tương tự.
So với Bordeaux, cú sốc của Lyon gây bàng hoàng hơn nhiều vì sự đột ngột (Bordeaux đã rớt hạng xuống Ligue 2 từ hai mùa trước). Và cho đến thời điểm hiện tại, Lyon vẫn đang được xem là một đội bóng mạnh của châu Âu.
Trên lý thuyết, Lyon vẫn có thể thoát được án phạt. Không giống như Bordeaux, đội bóng từng bước một suy thoái, Lyon đủ nội lực để có thể "bán máu" nhằm sinh tồn. Đội bóng của HLV Pierre Sage đang sở hữu nhiều ngôi sao trẻ sáng giá như Orban, Mikautadze, Cherki... Án cấm chuyển nhượng chỉ áp dụng cho chiều mua, và Lyon hứa hẹn sẽ thu về hơn trăm triệu euro bằng việc bán cầu thủ trong mùa đông này.
Thêm vào đó, Chủ tịch John Textor sở hữu khối tài sản lớn với cổ phần ở những đội bóng tiếng tăm như Crystal Palace và Botafogo. Nếu chấp nhận bán cổ phần ở những đội bóng này, ông Textor đủ sức cứu CLB nước Pháp.
Lyon không được phép sụp đổ. Và nếu tin xấu đó thực sự xảy đến, đó là một cú dằn mặt cực mạnh với làng bóng đá đỉnh cao châu Âu rằng Luật Công bằng tài chính không phải chuyện đùa. Những vấn đề mà CLB nước Pháp đang phải đối mặt tương tự hàng chục đội bóng lớn khác ở châu Âu. Đầu tư nhiều, chi xài nhiều nhưng hiệu quả lại thấp.
Mùa hè năm nay, Lyon chi ra đến 148 triệu euro để mua cầu thủ và chỉ thu lại 39 triệu euro theo chiều bán. Không chỉ vậy, họ còn đang là đội bóng có quỹ lương cầu thủ cao thứ 2 ở Pháp, chỉ sau PSG. Nhưng rồi thành tích thi đấu lại kém xa kỳ vọng, khi đã 3 mùa giải liên tiếp Lyon không lọt vào được top 4. Kết quả là lượng khán giả đến sân ngày càng sụt giảm.
Vết xe đổ cho tất cả
Có bao nhiêu đội bóng lớn của châu Âu đang phải đối mặt với đà suy thoái tương tự? Đó là Man United và Chelsea ở Anh, là AC Milan và Juventus ở Ý, và chính PSG ở Pháp. Ngay cả Barca dù khởi sắc thời gian qua vẫn có thể sụp đổ nếu đi vào vết xe đổ.
Các CĐV đừng bị đánh lừa bởi khối tài sản và mức độ chịu chi của các ông chủ tỉ phú. Những lần giới chủ CLB móc hầu bao chi tiền cho việc mua sắm cầu thu, về mặt lý thuyết, đều là những khoản nợ. Chelsea may mắn khi gặp được Roman Abramovich - người đã xóa khoản nợ hơn 1,5 tỉ euro cho họ. Nhưng các đội bóng khác, và chính Chelsea của vài năm sau, thì chưa chắc.
Mùa giải 2021-2022, PSG ký hợp đồng với Messi để cùng lúc sở hữu 3 siêu sao đẳng cấp tranh chấp Quả bóng vàng (cùng với Mbappe và Neymar) khiến quỹ lương của họ phình to đến con số kỷ lục - gần 400 triệu euro/năm.
Chỉ trong 1 năm rưỡi qua, họ đã lần lượt để bộ ba này ra đi mà không mang về bất kỳ siêu sao nào để thay thế tương xứng. Kết quả là quỹ lương của PSG cũng giảm đi phân nửa.
Ở sân Old Trafford, người hâm mộ "quỷ đỏ" ngày một phản cảm vì tỉ phú Jim Ratcliffe cắt giảm chi tiêu hàng loạt (đến mức cắt luôn cả hợp đồng đại sứ của Sir Alex Ferguson). Nhưng họ cũng phải thông cảm cho giới chủ khi đội bóng đã sa sút đến khó tin trong suốt một thập niên qua. Liên tiếp 5 năm qua, Man United luôn nằm trong top 2 giải đấu về mức mua sắm cầu thủ cũng như quỹ lương, nhưng thành tích lại không lọt vào nổi top 4.
Cơn địa chấn của Lyon khiến cả làng bóng đá lung lay. Khi một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất nước Pháp đột ngột bị rơi đài trong vỏn vẹn vài tháng, khiến toàn bộ các đại gia của châu Âu đều phải lo lắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận