Toàn cảnh đảo Lý Sơn. Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Như một nàng tiên cá ẩn mình dưới biển quá lâu, Lý Sơn giữ cho mình vẻ đẹp hoang sơ, ẩn sâu bên trong là một "biển hồ" văn hóa với cộng đồng dân cư hiền hòa hiếu khách.
Qua rồi những hải trình cực khổ
Cảng Sa Kỳ, nơi những con tàu lao ra Hoàng Sa – Trường Sa mang theo ước vọng đánh bắt được nhiều tôm cá và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo khởi đầu cho hành trình ra Lý Sơn. Hàng chục tàu siêu tốc sẵn sàng đợi khách, cứ 30 phút lại có một chuyến tàu ra Lý Sơn, du khách tha hồ chọn. Có lẽ những chuyến tàu này chính là "chiếc cầu" quan trọng đưa Lý Sơn đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Ngược thời gian, quá khứ cứ thế ùa về trong tâm thức ông Phạm Thoại Tuyền (69 tuổi, Lý Sơn), cả đời sống với đảo, ông vẫn nhớ như in những cách trở đò gian, sóng cả như một barie chắn ngang Lý Sơn với đất liền nên chẳng mấy du khách biết đến. Chính người Lý Sơn quen với sóng gió cũng chỉ vào đất liền mỗi khi có việc, họ ngán ngẩm với việc lênh đênh mấy giờ đồng hồ mới cập vào cảng Sa Kỳ. "Chừng 15 năm trước thôi, muốn đi vào đất liền phải mất 4 tiếng đồng hồ ngồi trên thuyền gỗ. Rồi những tàu cao tốc mang về, đi Lý Sơn mất hơn một tiếng, giờ thì nhiều tàu siêu tốc vào hoạt động từ Sa Kỳ ra đây chỉ khoảng 35 phút", ông Tuyền hồ hởi.
Bến cảng bến đảo Bé. Ảnh: NGUYỄN Á
Bến cảng Lý Sơn trừ những ngày bão lớn còn lại luôn đông vui tấp nập du khách. Mùa này là cao điểm du lịch, mỗi ngày Lý Sơn đón tiếp cả nghìn du khách ghé thăm đảo. Ông Tuyền ngồi đó, lòng đầy tự hào, Lý Sơn đẹp quá nên du khách nườm nượp đến, cuộc sống của người dân từ bám đáy biển kiếm cơm chuyển thành bảo tồn biển để du khách lặn ngắm san hô. Sinh kế cứ vậy mà đổi thay. "Mình già rồi nhưng vui cho con cháu, Lý Sơn của tụi tui đẹp hể, du khách ai cũng khen", ông Tuyền nói.
Những lời góp của những người già và thanh niên rộn vang nơi bến cảng, phía ngoài kia, phía ngoài cầu cảng, những chiếc ca nô hụ còi như thúc giục du khách bước sang đảo Bé. Trời trong, từ đảo Lớn nhìn sang thấy đảo Bé rất gần. Ngó là vậy nhưng cũng cách 4 hải lý. Trước khi những chiếc ca nô đi vào hoạt động, phải mất cả giờ mới qua đến nơi. Bây giờ ư? 10 phút thôi du khách đã có mặt ở đảo Bé để thưởng lãm những gì đẹp nhất của biển trời Việt Nam.
Đánh thức giấc ngủ triệu năm
Giao thông thuận tiện, giấc ngủ triệu năm của núi lửa được đánh thức, những tuyệt tác của tạo hóa làm đắm say biết bao nhiêu du khách. Kiến trúc sư thiên nhiên quá tài tình khi tạo nên đường cong của cổng Tò Vò, rồi lại đứng lừng lững giữa trời tạo nên danh thắng Hang Câu kỳ vĩ. Đâu chỉ có bấy nhiêu, chẳng biết vì lý do gì của triệu năm trước, những khối dung nham đỏ ngầu đổ tràn ra biển vẫn chừa lại một khoảng trống mênh mông giữa lòng núi tạo nên thạch tự Chùa Hang...
Nhắc đến Lý Sơn, ngoài tuyệt tác núi lửa còn một không gian văn hóa và tinh thần vệ hải không gì ngăn cản được. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách đến Lý Sơn sẽ đắm mình trong Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa. Đó là biểu tượng cho tinh thần một tấc biển đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải không quản sống chết lao ra cắm mốc không bỏ được. Tiếng ốc u vọng lên trong lễ hội cùng lời khấn vái hào hùng vọng về biển khơi như một nét đẹp tâm linh mê hoặc của Lý Sơn. Những đình làng ở Lý Sơn là nơi tựu về khí khái của dân tộc hướng về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Và còn biết bao nét đẹp ở nơi này đủ mê đắm du khách.
Lý Sơn thu hút du khách tham quan ngày càng đông. Ảnh: TRẦN MAI
Con số 250.000 du khách ra đảo Lý Sơn năm 2018 như một lời khẳng định rằng Lý Sơn đã được đánh thức, vẻ đẹp ấy không còn náu mình nơi biển nữa mà hòa cùng sự toàn mỹ của tổ quốc. Cuối tháng 6, du khách Đặng Hoàng Anh Khoa (TP.HCM) cùng 10 người thân trong gia đình bắt đầu chuyến du lịch đảo Hùng binh. Anh Khoa bảo rằng đây là lần thứ ba anh đến với Lý Sơn. Lần đầu anh đi cùng bạn, lần thứ hai anh một mình khám phá và lần này anh đưa cả gia đình mình cùng đi. "Tôi đi Lý Sơn hai lần trước có chụp nhiều bức ảnh ở đảo về nhà ai cũng khen đẹp, dịp hè này tôi dẫn cả gia đình đi Lý Sơn. Nhưng chắc chắn tôi sẽ trở lại Lý Sơn nhiều lần nữa, vẫn còn nhiều điều tôi muốn khám phá ở đây. Quá đẹp, như một tuyệt tác", anh Khoa cười.
Trưa đến rất nhanh nơi xứ đảo, nắng tràn về rát cả da mặt không thể ngăn được những đoàn du khách rảo bước khám phá đảo. Chẳng ai muốn bỏ phí thời gian trốn nắng mà chấp nhận "đen một tý" để khám phá Lý Sơn. Buổi trưa, nơi tập trung đông du khách nhất là Hang Câu và núi Thới Lới, đứng ở đây gió thổi qua nền địa chất, tràn vào lồng ngực mát rượi, du khách thỏa sức hít thở mùi thiên nhiên hoang sơ trước khi trở về với thị thành sầm uất.
Trái tim của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh
Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đang gấp rút những thủ tục cuối cùng để trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trong hành trình chinh phục chuyên gia UNESCO, Lý Sơn chính là điểm nhấn, hơn 10 triệu năm trước những dòng dung nham cuộn trào đã tạo nên vẻ đẹp địa chất hiếm có của đảo.
Giáo sư Setsura Nakada - Chủ tịch Hội đồng Khoa học mạng lưới công viên địa chất toàn cầu - UNESCO, bốn lần đến với Lý Sơn đều phải trầm trồ trước vẻ đẹp của đảo. Ông từng ví Lý Sơn là một cô gái đẹp đi bất cứ nơi đâu cũng được chào đón. Tất cả những nơi trên đảo vị giáo sư người Nhật đều ghé qua khám phá và nghiên cứu. Trong một lần trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Nakada chia sẻ: "Lý Sơn với những vẻ đẹp choáng ngợp của mình hoàn toàn sẽ là công viên địa chất toàn cầu. Chúng tôi nhìn thấy ở đây không chỉ có giá trị địa chất mà còn là giá trị di sản, cộng đồng. Hòn đảo này sẽ là nơi thu hút khách du lịch và giới nghiên cứu địa chất địa mạo trên khắp thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận