23/11/2024 16:44 GMT+7

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đôi khi như 'khung thành bỏ trống'

Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM trong thời gian qua dù có những biến chuyển theo hướng tích cực nhưng vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đôi khi như 'khung thành bỏ trống' - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu - Ảnh: HOÀNG LÊ

Tọa đàm Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng, giải pháp diễn ra ngày 23-11 nhằm đánh giá thực trạng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong 50 năm qua và đề xuất các giải pháp nâng cao công tác lý luận, phê bình văn học, nghê thuật trong thời gian tới.

Tham gia buổi tọa đàm có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thọ Truyền, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy và đông đảo nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.

Hơn 10 trong số 47 tham luận gửi đến ban tổ chức được trình bày trong tọa đàm. Trong đó nhiều ý kiến thiết thực.

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật còn xa rời thực tế

PGS Nguyễn Xuân Tiên hoạt động ở lĩnh vực mỹ thuật thẳng thắn rằng thực trạng lý luận, phê bình văn học, mỹ thuật còn biểu hiện già cỗi, xa rời thực tế, thiếu khoa học.

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đôi khi như 'khung thành bỏ trống' - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Xuân Tiên phát biểu - Ảnh: HOÀNG LÊ

Ông đưa ra con số: "Tại Hội Mỹ thuật TP.HCM chuyên ngành lý luận có 19 hội viên thì có tới 2/3 hội viên là các nhà lý luận không chuyên, xuất thân từ điêu khắc, hội họa, thiết kế đồ họa, văn hóa có học hàm học vị.

Chỉ có khoảng 1/3 hội viên còn viết bài nghiên cứu công bố trên các tạp chí, tham gia các hội thảo trong nước, quốc tế.

Mảng phê bình mỹ thuật rất lâu không có nhà lý luận, phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp nào xuất hiện. Chỉ có một vài nhà báo, yêu thích mỹ thuật có bài đăng trên vài tờ báo hay thông tin mạng".

Ở lĩnh vực điện ảnh, PGS, tiến sĩ Phan Thị Bích Hà cho rằng mối quan hệ giữa các nghệ sĩ sáng tác và người làm công tác lý luận phê bình không "nồng đượm".

Bà bảo phê bình điện ảnh cần trung thực, khách quan, vừa phê mà phải bình không nghiên lệch quá nhiều về những cảm nhận mang tính chủ quan.

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đôi khi như 'khung thành bỏ trống' - Ảnh 3.

PGS, tiến sĩ Phan Thị Bích Hà (bìa phải) phát biểu trong tọa đàm lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Ảnh: HOÀNG LÊ

Nhưng hiện nay xu hướng thịnh hành trong phê bình điện ảnh là né những vấn đề gai góc, to lớn. Các bài viết trút vào việc giới thiệu phim là chính và khen ngợi cho an toàn.

Có một số phim không hay, nhưng được quảng cáo khoa trương quá mức. Trong khi đó, phim nhà nước do những người có tay nghề sáng tác nghiêm túc lại không được chú trọng quảng cáo. Do vậy công tác lý luận phê bình đôi khi xem như "khung thành bỏ trống".

Nhà văn Bích Ngân cũng cho rằng thời gian qua công tác lý luận phê bình chưa đi kịp với đời sống sáng tạo nghệ thuật, thậm chí còn lùi phía sau.

Những vấn đề nóng bỏng cần lý luận rất chậm chạp, e dè. Tuy nhiên vẫn có những ngòi bút xông xáo đi đầu trong việc viết phê bình.

Chị cũng nhấn mạnh viết bài phê bình không đơn giản, người viết cần kiến thức, phải đi kịp với đời sống, hiểu 10 mới có thể viết được một mà thôi.

Đội ngũ giảng viên ở các trường đại học làm tốt trong việc lý luận và phê bình nhưng thường chọn các tác phẩm nước ngoài.

Trong khi đó xu hướng văn học trong nước khá thờ ơ, nhất là những tác phẩm mới chưa chú ý.

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đôi khi như 'khung thành bỏ trống' - Ảnh 5.

Phim Đất rừng phương Nam thuộc hàng có kinh phí cao nhất của điện ảnh Việt, gây tranh cãi ngay khi phim ra mắt - Ảnh: Cắt từ trailer

Nhà phê bình là công chúng tinh hoa

Cuộc đời tác phẩm nghệ thuật do công chúng quyết định. Nhà phê bình là công chúng tinh hoa. TS Hà Thanh Vân cho rằng nhà phê bình lý luận phải là những người cầm cân nảy mực để định hướng công chúng bằng quan điểm, lý lẽ của mình.

Khán giả khi xem tác phẩm chỉ khen hoặc chê, còn người làm lý luận phê bình phải chỉ ra được tác phẩm hay dở như thế nào và tại sao tác phẩm hay hoặc dở.

Bà cũng nhấn mạnh ngoài quyền lực báo chí, hành pháp, tư pháp và lập pháp, giờ đây còn có thêm quyền lực thứ năm.

Đó là phương tiện truyền thông qua Internet như blog cá nhân, Facebook, TikTok, YouTube.

Ưu điểm của quyền lực này là không giới hạn về không gian, thời gian, tiện nghi và linh hoạt. Đây sẽ là nơi phát triển lý luận phê bình rất mạnh mẽ.

Nhiều người xem và chia sẻ các tác phẩm mà họ yêu thích, cùng tranh luận trên diễn đàn, mạng xã hội... giúp tác phẩm lan tỏa hơn.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng cần đẩy mạnh yếu tố đào tạo bồi dưỡng lực lượng làm công tác lý luận, phê bình cũng như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù với văn nghệ sĩ, đối với người làm công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.

Xem xét và đưa các tác phẩm lý luận phê bình đạt chất lượng cao vào các giải thưởng.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết sẽ chắt lọc các ý kiến để có những giải pháp cụ thể.

Theo ông, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật kế thừa những thành tựu trong 50 năm qua, nhưng vẫn có những mặt hạn chế. Lý luận phê bình có "nhảy" nhưng chưa "vọt" nên chưa tiến xa.

Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý, tăng cường bản lĩnh về mặt chính trị, tính định hướng, giáo dục, khoa học, sắc bén và hiệu quả.

Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đôi khi như 'khung thành bỏ trống' - Ảnh 5.Trao thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023

Các tác giả Ngô Phương Lan, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Sĩ Đại nhận tặng thưởng mức B.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên