07/05/2021 10:38 GMT+7

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 5: Thoát khỏi tàu ngầm được không?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong chuyến tuần tra thứ năm vào đêm 24-10-1944, tàu ngầm USS Tang (SS-306) của Hải quân Mỹ phục kích ở eo biển Đài Loan đã phát hiện một đoàn tàu chở dầu và tàu vận tải của phát xít Nhật.

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 5: Thoát khỏi tàu ngầm được không? - Ảnh 1.

Máy bay Mỹ chở thiết bị cứu nạn đến Argentina vào tháng 11-2017 - Ảnh: Hải quân Mỹ

"Trên 99,9% diện tích đại dương không có bất kỳ cơ hội nào để sống sót hoặc giải cứu.

Báo OUEST-FRANCE

Tàu ngầm phóng ngư lôi tiêu diệt hai mục tiêu và làm tê liệt một mục tiêu. 2h30 sáng, tàu ngầm bắn quả ngư lôi cuối cùng định kết liễu tàu chở dầu bị tê liệt. Đột nhiên ngư lôi đi tới rồi quay đầu vòng lại đánh trúng buồng ngư lôi sau tàu ngầm và làm nó chìm xuống độ sâu 54m. 

13 thủy thủ sử dụng túi "phổi Momsen" thoát ra. 8 người lên được mặt nước và chỉ 5 người sống sót. Đây là lần đầu tiên những người sống sót rời tàu ngầm bị chìm mà không cần trợ giúp từ trên mặt nước.

Trang bị thoát hiểm ở độ sâu đến 180m

Trong trường hợp tàu ngầm gặp nạn, các thủy thủ bị mắc kẹt có hai lựa chọn: chờ giải cứu hoặc tìm cách thoát ra ngoài. Hải quân Mỹ ủng hộ giải pháp chờ giải cứu hơn thoát hiểm. Dù vậy, thoát hiểm vẫn là lựa chọn cuối cùng. 

Các thủy thủ vẫn được huấn luyện kỹ thuật thoát hiểm nếu không ai đến giải cứu hoặc công tác giải cứu quá chậm trễ. Nhiều trang thiết bị có thể giúp người sống sót đối phó với hiểm nguy bên ngoài tàu ngầm.

"Phổi Momsen" được sử dụng từ năm 1928 - 1956 là thiết bị thoát hiểm từ tàu ngầm thành công đầu tiên trên thế giới. Túi "phổi Momsen" được đeo ở cổ, có chức năng tái chế không khí thở ra và giúp người đeo nổi trên bề mặt. 

Song nếu sử dụng "phổi Momsen" không qua đào tạo, người dùng có thể tử vong do thiếu oxy, thuyên tắc khí (bong bóng khí làm tắc nghẽn mạch), ngộ độc CO2 hoặc chết đuối.

Từ năm 1956 - 1963, Hải quân Mỹ đã áp dụng kỹ thuật thoát hiểm tự do. Các thủy thủ tàu ngầm mặc áo phao và thở ra liên tục trong khi bơi lên mặt nước. Kỹ thuật này an toàn hơn "phổi Momsen" nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro như thủy thủ vô tình hít vào làm vỡ phổi hoặc thuyên tắc khí. 

Trong giai đoạn năm 1963 - 2007, Hải quân Mỹ đã chọn mũ trùm Steinke làm thiết bị thoát hiểm tiêu chuẩn. Mũ mang tên người phát minh - trung úy Harris Steinke, giúp thoát hiểm dưới độ sâu 90m. Mũ kèm áo phao bọc quanh đầu cung cấp không khí. Người dùng có thể hít vào và thở ra bình thường đồng thời tránh được nguy cơ thuyên tắc khí.

Theo trang web Bảo tàng dưới biển của Hải quân Mỹ, từ năm 2005 đến nay Hải quân Mỹ sử dụng bộ quần áo thoát hiểm toàn thân có chức năng hỗ trợ thoát hiểm từ độ sâu lên đến 180m. 

Bộ quần áo này ban đầu do Hải quân Anh phát triển, có thể tránh nguy cơ thuyên tắc khí và giữ thân nhiệt. Trang bị lặn thoát hiểm từ tàu ngầm (SEIE) Mark 10 hiện nay có màu cam sáng bao gồm cả bè cứu sinh và lớp lót cách nhiệt chống giảm áp, hạ thân nhiệt và mệt mỏi.

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 5: Thoát khỏi tàu ngầm được không? - Ảnh 3.

Trang thiết bị lặn thoát hiểm từ tàu ngầm (SEIE) được sử dụng trong cuộc diễn tập cứu nạn SMEREX 2018 ở vịnh Taranto (Ý) năm 2018 - Ảnh: marina.difesa.it

Tự thoát hiểm qua buồng thông áp

Công tác giải cứu thủy thủ tàu ngầm còn phụ thuộc vào độ sâu vì tàu ngầm chỉ chịu được sức ép của nước ở một độ sâu nhất định. Nếu tàu ngầm chìm xuống quá ngưỡng này (được gọi là độ sâu phá hủy), thân tàu ngầm vỡ ra khi chịu áp suất nước ở độ sâu hơn 600m. 

Ví dụ trường hợp tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina chìm ngày 15-11-2017, sau này đã được tìm thấy ở độ sâu đến 920m. Thủy thủ đoàn gồm 44 người không ai sống sót. Ngoài thềm lục địa Argentina, độ sâu có nơi lên đến trên 1.000m.

Có nhiều phương án cứu nạn với độ sâu khác nhau. Nếu độ sâu quá cao, cần phải có lực lượng cứu nạn trên mặt nước tiếp ứng. Còn đến độ sâu 180m, thủy thủ sống sót có thể tự thoát hiểm qua buồng thông áp trong khoang trú ẩn. Khoang kín nước, có dự trữ thức ăn, nước và đồ bơi chống lạnh. 

Sau khi thuyền trưởng ra lệnh sơ tán, mỗi thủy thủ phải mặc bộ quần áo cứu sinh cho phép tạo lượng không khí dự trữ cần thiết để thở và tạo sức nổi đáng kể. Các thủy thủ lần lượt tiến vào khoang thông áp đầy nước với áp suất tương đương với môi trường xung quanh.

Cách thoát hiểm này có nhiều rủi ro như chết đuối do không mở được khoang trú ẩn hoặc bộ quần áo cứu sinh bị rách. Một khi áp suất cân bằng giữa bên trong khoang với áp suất bên ngoài, khoang mở ra và những người sống sót vọt lên rất nhanh lên mặt nước. Bộ quần áo cứu sinh sẽ giúp người sống sót nổi trong nhiều giờ tùy điều kiện thời tiết.

Nếu nước lạnh, bộ đồ hạn chế nguy cơ hạ thân nhiệt trong 24 tiếng. Còn khi trời nóng, người sống sót có nguy cơ tăng thân nhiệt và mất nước nghiêm trọng. 

Phương pháp tự thoát hiểm chỉ được sử dụng khi áp suất bên trong tàu ngầm rất thấp vì còn có rủi ro liên quan đến giải nén. Sự cố giảm áp có thể xảy ra do tốc độ lên mặt nước quá nhanh. Chấn thương do sức ép xảy ra có thể dẫn đến bị liệt hoặc tử vong.

Chuẩn bị quá trễ khó cứu người

Ngày 17-11-2017, tức hai ngày sau khi mất liên lạc với tàu ngầm ARA San Juan (S-42), Hải quân Argentina đã đề nghị Hải quân Mỹ giúp đỡ. Đơn vị Thoát hiểm và cứu nạn tàu ngầm ở San Diego nhanh chóng được điều động nhưng không biết rằng họ đến Argentina quá muộn. Sau này lực lượng tìm kiếm tin rằng thủy thủ đoàn đã chết ngay sau lần liên lạc cuối cùng hôm 15-11-2017.

Trang web USNI News (Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ) nhận định quy trình điều động cần có thời gian trong khi giải cứu thủy thủ tàu ngầm bị mắc kẹt là cuộc chạy đua với thời gian trước khi nguồn cung cấp oxy cạn kiệt.

Lực lượng cứu nạn Mỹ phải nhờ cậy Bộ Chỉ huy giao thông Mỹ (TRANSCOM) mới có máy bay và tàu, nhưng TRANSCOM đã bị sốc khi lực lượng cứu nạn muốn trong 43 tiếng, máy bay đầu tiên trong 8 máy bay C-5 (Galaxy) và C-17 (Globemaster) phải cất cánh. 

Rốt cuộc chuyến không vận cuối cùng cất cánh 120 tiếng sau khi Argentina yêu cầu trợ giúp với tổng cộng 365 tấn thiết bị được chuyển đến Argentina. Khi đến Argentina, lực lượng cứu nạn Mỹ cần gần 4 ngày để vận chuyển thiết bị lên một con tàu thuê tại địa phương, sau đó mất ba ngày cắt vách đuôi tàu để lắp đặt thiết bị cứu nạn.

Năm 2018, Đơn vị Thoát hiểm và cứu nạn tàu ngầm đã tổ chức một cuộc diễn tập giải cứu toàn diện ở Alaska để áp dụng bài học kinh nghiệm từ vụ giải cứu tàu ngầm San Juan. 

Đơn vị đã vận chuyển toàn bộ thiết bị từ San Diego đến Alaska và thực hiện bài tập cứu nạn với tàu ngầm hạt nhân USS Texas (SSN-775). Thời gian mất 38 tiếng để di chuyển mà không cần đến TRANSCOM.

Theo USNI News, về lâu dài cần nghiên cứu cải tiến để giúp thủy thủ đoàn sống sót lâu hơn dưới nước. Đó là những cách hoàn hảo nhất để bảo vệ tàu ngầm và thủy thủ đoàn tránh tai nạn xảy ra hoặc nhanh chóng ngăn ngừa tai nạn xảy ra. 

Thủy thủ tàu ngầm có thể làm được điều này nhờ quá trình đào tạo chuyên môn và thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập để thực hành xử lý các lỗ rò rỉ và dập tắt đám cháy. Thời gian là điều cốt yếu.

Ba lý do chờ giải cứu tốt hơn tìm cách thoát khỏi tàu ngầm

Một là công tác cứu nạn sẽ bảo đảm an toàn hơn vì người sống sót thoát ra ngoài phải đương đầu với nhiều điều kiện nguy hiểm như nước lạnh, áp suất lớn và dễ mắc sai lầm.

Hai là các phương tiện cứu nạn có thể hoạt động ở độ sâu sâu hơn (600m) trong khi các trang bị thoát hiểm cá nhân vốn chỉ giới hạn sử dụng ở vùng nước ít sâu (dưới 180m).

Ba là lực lượng cứu nạn trên mặt nước đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị hỗ trợ người sống sót như buồng giải nén.

************

Buồng cứu nạn giờ đã lạc hậu, các nước có tàu ngầm đang sử dụng nhiều thiết bị cứu nạn rất hiện đại và chú trọng hợp tác quốc tế trong công tác cứu nạn tàu ngầm.

>> Kỳ tới: Từ buồng cứu nạn đến tàu lặn biển sâu

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 4: Tìm cây kim trong đống cỏ khô Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 4: Tìm cây kim trong đống cỏ khô

TTO - Một năm 2 ngày sau ngày mất tích, tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina đã được tìm thấy vào ngày 17-11-2018 ở độ sâu 920m trên Đại Tây Dương cách Comodoro khoảng 600km.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên