Minh họa: TRẦN NGỌC SINH
Na ngồi trong góc nhà, giữa chiếc sôpha và cái nệm của con chó cảnh. Bố hoặc mẹ đã đặt vào lòng Na một gói mì tôm sống mở sẵn, sực mùi gia vị, thứ mà thường ngày Na lèo nhèo đòi, nhưng không được đụng tới. "Bố mày ở nhà là có đầy ặc những thứ ăn vào chết người!". Mẹ thường nói về thói quen ăn uống của bố, đay nghiến ở phần hậu quả để đe Na và tôi.
Na dường như không biết mình đang cầm gói mì, cũng không biết mỗi lần nó lên cơn run, ngón tay lại miết xuống làm gãy vài sợi mì mỏng giòn. Từ lúc được đưa vào trong nhà, Na không cho ai đến gần. Mẹ đã cố ôm Na, nhưng nó run đến nỗi mẹ phát sợ phải lùi ra. Tôi ngồi ở một góc khác, theo dõi từng cơn run của Na như thể tôi đang đứng một mình nhìn lên bầu trời nổi dông.
Mẹ ngồi ở một đầu sôpha, rút điện thoại trong túi quần ra lướt mạng với tốc độ điên cuồng, còn điên cuồng hơn cả lúc mẹ "săn" hàng giảm giá giờ vàng. Mẹ không nói nhưng bố lại nghiến răng quát khẽ: "Im đi! Cô và thằng Hiếu tuyệt đối không được đăng gì lên mạng. Tuyệt đối không được để ai biết chuyện".
Đến mẹ còn bị nạt, huống hồ tôi, một thằng con trai chưa bước sang tuổi mười bảy, ăn bám toàn phần.
Nhưng đến lượt tôi cũng lướt điện thoại điên cuồng, vì mục tiêu của mình.
Cuộc tìm kiếm của mẹ và tôi đều chưa dẫn đến kết quả gì thì bố đã mở cửa, bước ra ngoài. Sau này tôi mới biết bố cũng có mục tiêu riêng. Bố đi ra đường, giữa đêm khuya, tìm một khuôn mặt mà bố chỉ biết vài nét sơ sài, giữa vô vàn những khuôn mặt khác. Sau này tôi mới biết bố đi tìm kẻ đó hằng đêm, khi bố mất ngủ. Sau mỗi lần tìm kiếm thất bại, bố nốc rượu.
Mẹ cho Na nghỉ học một tuần, gọi điện cho cô giáo nói: "Na sốt virút!". Cô giáo gửi qua mạng một đống bài cho Na.
Sau tuần đó, những cuốn vở và sách giáo khoa được nhét đầy cặp của Na. Mẹ đưa Na đến trường. Bố, mẹ và tôi, mỗi người phấp phỏng theo cách của mình.
Một tháng sau, cô giáo gọi điện cho mẹ, nói Na có vấn đề về học tập. "Na ốm dậy nên học sút!" - mẹ giải thích. Tuần sau, cô giáo lại gọi điện tới, nói vấn đề không phải là Na học sút, mà là Na thực sự không học gì hết và (điều cô lo lắng nhất) Na hoàn toàn im lặng trong suốt thời gian ở trường, thậm chí không giao tiếp bằng mắt với bất kỳ ai. Ngôi trường của những đứa trẻ biết nói cười không bao dung nổi một đứa trẻ im lặng hoàn toàn. Cô giáo khuyên mẹ cho Na tạm nghỉ học để theo dõi, chữa bệnh.
Na ở nhà hai mươi tư tiếng mỗi ngày. Na dường như chỉ ngủ khi quá mệt. Hầu hết thời gian, Na ngồi trong góc tối. Miệng Na không hé một lời. Mắt Na không nhìn ai.
Vắng tiếng nói phảng phất thanh âm líu lo, vắng tiếng cười như những nốt nhạc kéo dài thành chuỗi trong trẻo của Na, tôi thấy những hố thẳm ở xung quanh nhà, và ở trong lòng mình. Anh em tôi, cách nhau mười tuổi, bình thường có thể vui đùa, trêu chọc nhau cả ngày, giờ đều câm lặng như thể đứa này không nhìn thấy đứa kia.
Na bị kẹt giữa cái gì, tôi không tả nổi, thậm chí không dám nghĩ tới. Còn tôi, tôi thấy mình bị kẹt giữa mê cung của sự bất lực. Tôi cố gắng tìm cách thoát ra.
Nếu bố và mẹ là hai lối ra, thì mẹ là cánh cửa dễ mở hơn. Một hôm, tôi chọn được cả thời gian và địa điểm thích hợp để nói chuyện riêng với mẹ. "Mẹ! Chúng ta phải cứu Na!".
Tôi huy động toàn bộ sự khôn ngoan của tuổi vị thành niên để nói không ngừng nghỉ suốt nửa tiếng. Mẹ bật khóc, nước mắt mẹ chảy qua những kẽ ngón tay bưng mặt. Mẹ ra điều kiện, mẹ chỉ đồng ý đưa Na đi gặp chuyên gia nếu chuyện được giữ kín.
Đã lường trước điều này, tôi chọn một tiến sĩ tâm lý người nước ngoài đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ trong thành phố. Cuộc gặp gỡ đúng như tôi hứa với mẹ, chỉ gồm mẹ, Na, tôi và bà tiến sĩ. Tôi đảm nhận việc phiên dịch cho ba người còn lại, mà thực chất là hai. Tôi dốc vốn tiếng Anh của một đứa học chuyên ngữ cho việc đó, hơn bất cứ kỳ thi nào.
"Bà có chắc là cháu bé không chịu một cú sốc tinh thần nào?" - chuyên gia tâm lý hỏi.
"Con bé không nói từ sau khi bị sốt virút!" - không nhìn người hỏi, mẹ trả lời.
"Bà đã cho cháu bé đi làm các xét nghiệm về não, thính giác, tóm lại, tất cả các xét nghiệm về sức khỏe thể chất?". Mẹ gật đầu.
"Bệnh viện kết luận thế nào về tình trạng của cháu?". Mẹ ngẩng lên một giây, rồi lại cúi xuống, bẻ ngón tay.
"Tôi có thể xem kết quả khám bệnh gần đây nhất của cháu không?".
"Thì bởi..." - mẹ lúng túng đáp.
"Tôi cần được biết những thông tin cụ thể mới có thể giúp cháu bé được!".
"Thì bởi...", mẹ lặp lại hai từ lửng lơ mà tôi cắn môi không biết dịch như thế nào. Tôi ngồi nhìn hai người phụ nữ bất đồng ngôn ngữ. Tôi nhìn mẹ mình bỗng nhiên nhỏ bé như một đứa trẻ. Tôi nhìn Na dõi ánh mắt vô hồn vào khoảng tường trắng trước mặt.
Tôi chợt nhận ra bố không ở đó. Tôi chợt nhận ra mình có thể chớp lấy một cơ hội. Tôi lướt ngón tay trên điện thoại, tìm tới mục ghi chú, tới "kho" từ vựng mà tôi đã tuyệt vọng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Tôi đứng lên, chỉ tay vào Na: "Em gái cháu bị xâm hại. Đó là nguyên nhân".
Tôi nói từ "xâm hại" bằng tiếng Anh mà mẹ giật bắn người. Nhưng ngay lập tức mẹ hiểu, đã quá muộn để ngăn một cơn thác đổ.
Na mất một năm rưỡi tương tác với bà tiến sĩ và làm theo những gì bà hướng dẫn.
Một buổi chiều, tôi dẫn Na đi qua quán kem quen, nhìn thấy ly kem màu ngọc lam lạ mắt, tôi chỉ tay bảo Na: "Kem nhé?".
Na bật lên một tiếng "dạ" khẽ khàng như hơi thở.
Tôi bắt đầu thở được bình thường từ đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận