12/10/2015 14:30 GMT+7

Ly hôn, đòi bồi thường " công" làm vợ, làm chồng

ÁI NHÂN (luunhan@tuoitre.com.vn)
ÁI NHÂN ([email protected])

TT - Mặc dù không có cơ sở để tòa án giải quyết nhưng nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn vẫn đòi tiền làm vợ, làm chồng trong thời gian hôn nhân.

minhhoa
Nghe đọc nội dung bài báo

Mới đây, hội đồng xét xử TAND TP.HCM đã tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Q. với chồng là ông T. (quốc tịch Mỹ). Đồng thời TAND TP cũng không giải quyết yêu cầu của phía ông T. về việc đòi bà Q. bồi thường 30.000 USD.

Phiên xử chỉ có mỗi bà Q. tham gia. Người chồng vắng mặt do đang ở Mỹ và đã được TAND TP thực hiện thủ tục tống đạt, ủy thác tư pháp liên quan theo quy định.

Chồng đòi bồi thường “đời trai”

Kể về yêu cầu bồi thường 30.000 USD của người chồng, bà Q. cho hay đó là tiền bao gồm chi phí cưới, tiền mất việc do phải bay về VN cưới vợ và tiền “đời trai”.

Cuối năm 2012, bà Q. kết hôn với ông T. sau hai năm tìm hiểu và yêu nhau. Sau khi tổ chức đám cưới và làm thủ tục đăng ký kết hôn, ông T. bay về Mỹ để tiếp tục công việc và tiến hành thủ tục bảo lãnh vợ sang đoàn tụ.

Tuy nhiên, trong thời gian này ông T. thường hay ghen tuông vô cớ, la mắng, đe dọa bà Q.. Quá mệt mỏi, bà Q. yêu cầu tòa giải quyết cho ly hôn.

Theo thông báo của tòa, ông T. về VN để giải quyết việc ly hôn. Tại buổi hòa giải, người chồng không đồng ý ly hôn vì cho rằng vẫn còn yêu vợ và hứa sẽ khắc phục việc nóng tính. Tuy nhiên phía người vợ vẫn giữa nguyên yêu cầu.

Thấy bà Q. kiên quyết, ông T. đòi bà phải bồi thường số tiền 30.000 USD cùng với yêu cầu bù đắp “đời trai”. Lý do người chồng đưa ra là vì “đời trai rất quan trọng” và rằng “tôi chưa hề yêu ai trước khi gặp vợ tôi”.

Thẩm phán tổ chức hòa giải đã giải thích cho ông: “Khi ly hôn thì phụ nữ mới là người chịu thiệt thòi hơn, nếu có đòi bồi thường đáng lẽ phải là phụ nữ...”. Tuy nhiên ông T. vẫn giữ quan điểm vì cho rằng “ở Mỹ, nam và nữ đều bình đẳng như nhau”. Thẩm phán hòa giải đã ghi nhận ý kiến người chồng và giải thích trình tự, thủ tục, quyền cũng như nghĩa vụ đóng án phí cho yêu cầu bồi thường của người chồng.

Sau hòa giải không thành, ông T. trở về Mỹ và không đóng tạm ứng án phí cho yêu cầu đòi bồi thường của mình. Ngoài ra, ông T. cũng không đến tòa để giải quyết ly hôn. Sau khi tiến hành ủy thác theo trình tự quy định, TAND TP xét xử vắng mặt ông T., chấp nhận cho bà Q. ly hôn.

Đòi bồi thường tiền “phục vụ nhu cầu” chồng

Trước đó năm 2014, TAND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã giải quyết cho yêu cầu rút đơn xin ly hôn (lần thứ 5) của bà vợ tên H..

Đây cũng là trường hợp khá lạ lùng khi đòi ly hôn thì bà vợ đòi tòa giải quyết yêu cầu chồng phải trả cho bà hơn 600 triệu đồng tiền “phục vụ nhu cầu” chồng trong hơn 26 năm chung sống.

Theo đơn xin ly hôn, bà H. và chồng kết hôn từ năm 1988, có hai con đã trưởng thành. Thế nhưng cuộc sống không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Bà H. yêu cầu tòa buộc ông chồng trả lại các khoản “phí” gồm tiền chăm sóc chồng, chăm sóc con và tiền bà bỏ ra để sửa nhà...

Do không có hóa đơn và giá cụ thể nên bà yêu cầu ông Tr. (chồng bà H.) phải trả tổng cộng 500 triệu đồng.

Ngoài ra, bà H. yêu cầu trả tiền “phục vụ nhu cầu” của chồng mỗi tháng 2 triệu đồng, nhân lên cho số năm chung sống là hơn 600 triệu đồng. Sau đó, qua tổ chức hòa giải thì người vợ đã rút đơn ly hôn để gia đình được đoàn tụ.

Luật sư Lê Trạch Giang - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng quan hệ vợ chồng là tự nguyện, có cơ sở là tình yêu thương phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội và quy định pháp luật.

Không thể chấp nhận việc đòi tiền “đời trai”, “đời gái” hay chi phí chăm sóc nhau, hi sinh, mất mát trong cuộc sống vợ chồng. Các quan hệ và nghĩa vụ phát sinh giữa vợ và chồng sau khi kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định, bảo vệ.

Theo đó, các quan hệ và nghĩa vụ chăm sóc nhau, nuôi dạy con cái, xây đắp đời sống gia đình... đương nhiên phát sinh. Những việc ấy không phải là giao dịch dân sự, đương nhiên yêu cầu đòi bồi thường, trả tiền bù đắp là hết sức phi lý.

Ngày 10-7, TAND H.Tiền Hải (Thái Bình) cũng giải quyết cho ly hôn và bác yêu cầu của ông Q. đòi vợ là bà T. phải trả 78 triệu đồng tiền “làm chồng”. Theo yêu cầu phản tố của ông Q., đó là tiền trả cho mất mát, hi sinh, thiệt hại sức khỏe, tinh thần trong hơn bảy năm chung sống.

Cũng tháng 7-2015, TAND H.Thới Lai (Cần Thơ) giải quyết cho chị T. ly hôn với anh H.. Chị T. yêu cầu ly hôn trong thời gian ngắn ngủi sau khi cưới một tuần.

Phía nhà chồng đòi lại hơn 2 lượng vàng cưới đã trao cho cô dâu. Còn cô dâu cũng đòi trả lại “đời con gái” đã mất do lấy phải chồng có vấn đề thần kinh.

Yêu cầu vô lý

Chánh án TAND Q.Bình Tân (TP.HCM) Nguyễn Văn Thuận cho rằng hai người yêu nhau rồi tiến tới quan hệ hôn nhân trên cơ sở tự nguyện, tự quyết định.

Điều này là lẽ tự nhiên phù hợp với đạo lý và cả pháp lý. Việc các bên đòi bồi thường tiền “đời trai”, “đời gái” khi ly hôn là không có cơ sở pháp lý và đạo lý.

Thêm nữa, các yêu cầu của vợ, chồng về các chi phí quan tâm, chăm sóc nhau, thiệt hại sức khỏe, mất mát, hi sinh... trong quá trình chung sống cũng là yêu cầu vô lý.

Bởi lẽ vợ chồng chung sống với nhau thì phải quan tâm, chăm sóc, hi sinh cho nhau; cùng cố gắng vượt qua khó khăn, nuôi dạy con cái, vun vén hạnh phúc gia đình.

Đó cũng là mục đích của quan hệ hôn nhân. Mục đích đó phù hợp đạo lý và cũng được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình.

ÁI NHÂN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên