Ly hôn giống như trút được gánh nặng, giống như tháo gỡ xiếng xích - Ảnh: QUÂN NAM
Luật định khi báo đăng sai điều gì, báo phải đăng cải chính kèm lời xin lỗi của ban biên tập và tác giả. Tiệc cưới cũng giống như báo đưa tin cặp đôi này đã thành vợ thành chồng.
Đến lúc vợ chồng hủy hôn cũng giống như báo đưa tin sai, dù rằng cái sai này xảy ra sau một năm hoặc có khi năm năm hoặc hơn chút nữa. Đã "đưa tin cưới sai" thì phải cải chính bằng tiệc ly hôn ngay nơi tổ chức tiệc cưới để công bố lại với khách mời năm xưa.
Có thể không mời hết toàn bộ số khách năm xưa mà chỉ mời đại diện.
Nếu không làm tiệc ly hôn, nhiều khách mời tiệc cưới sẽ không biết, sẽ gởi tin nhắn, thiệp chúc mừng hoặc mời đi nhậu mừng đám cưới đồng, chì, bạc, vàng... của cặp đôi. Sau đó, khách mời sẽ tự trách mình đểnh đoảng khi nhận hồi âm. Là người lịch sự nên các cặp đôi đứt gánh giữa chừng dứt khoát không để khách mời nghĩ hớ.
Hơn nữa, nếu không biết cặp đôi ly hôn, nhiều khi người quen còn có thể mất tiền oan.
Chẳng hạn, người vợ tên B là tổng giám đốc một công ty bề thế. Người chồng tên A buôn bán tự do.
Vì không biết hai bên ly dị nên khi A đến mượn tiền, người quen sẽ đưa ngay vì nghĩ B không xù nợ nhưng đâu ngờ hai bên đã không còn dính líu nhau về trách nhiệm tiền bạc và A thì mất khả năng trả nợ!
Các công ty mới ra đời đều đăng bố cáo thành lập, khi giải thể/phá sản thì đăng thông báo giải thể/phá sản để những người liên quan biết và tính toán công nợ. Cho nên lúc ly hôn làm tiệc để người quen rõ chuyện mà quan hệ tiền bạc đúng chỗ.
Gần đây, nhiều cặp đôi trước khi ra tòa ly hôn đã vui vẻ cùng nhau đi du lịch lần cuối cùng, gọi là tuần chia tay. Đã có tiệc cưới - tuần trăng mật thì cũng nên có tuần chia tay - tiệc ly hôn cho cân xứng.
Đó là những đôi chia tay không oán trách gì nhau.
Với những cặp trước khi chia tay, đã qua những ngày dài cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt thì ly hôn giống như trút được gánh nặng, giống như tháo gỡ xiếng xích, thành ra ly hôn là phải... ăn tiệc.
Còn một số lý do nữa phải tổ chức tiệc ly hôn, kể ra thêm dài dòng.
Nhưng khác với ngày chưa xưa lắm, hiện nay sau khi ly hôn, nam giới mới là người thiệt thòi. Các bạn hãy nghe những "chàng bị vợ thôi" nhại ca dao tâm sự với nhau:
Thương chi cho uổng công trình
Nàng giành nuôi bé, bỏ mình bơ vơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận