Dù bận rộn công việc và khá mệt sau chuyến đi cứu trợ nhưng ca sĩ Lý Hải vẫn dành cho Tuổi Trẻ Cười Online cuộc trò chuyện ngắn và thẳng thắn về những lùm xùm vừa qua xung quanh việc đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ.
* Những ngày qua, vợ chồng anh đi cứu trợ các tỉnh miền Trung. Công việc thuận lợi chứ?
- Hiện tại, hai vợ chồng tôi đi cũng được 3 nơi ở Quảng Nam, Huế và Quảng Trị. Đang đi lại gặp bão lũ nên hai vợ chồng tôi phải quay về. Chúng tôi cũng nghe ngóng tình hình ở ngoài đó từ bạn bè và những người địa phương để chọn thời điểm thích hợp và quay trở lại cứu trợ đợt 2. Tôi cũng định đi liền cho kịp thời, nhưng khi hỏi chính quyền địa phương thì họ khuyên nên đợi một thời gian.
* Số tiền mọi người quyên góp vào quỹ của anh, anh phân bổ thế nào để có thể cứu trợ đúng người, đúng việc?
- Thông thường, tôi sẽ liên hệ với chính quyền địa phương để họ hỗ trợ, đồng hành cùng tôi. Tôi tin rằng địa phương hiểu rõ nhất về hoàn cảnh của từng hộ gia đình nơi họ quản lý. Như trong đợt vừa qua, chính quyền ở Quảng Nam, Huế và Quảng Trị đã giúp tôi lập sẵn một danh sách những cá nhân, gia đình cần giúp đỡ tức thì. Tôi vừa kết hợp danh sách đó với những trình bày từ người dân và đọc những bình luận trên mạng xem những chỗ nào còn khó khăn, chưa ai đến cứu trợ thì tôi đến.
Khi đến từng nơi, chính quyền sẽ cử người ở huyện đi xuống xã, xã sẽ có người tiếp đón và dẫn chúng tôi vào các vùng xa. Tôi là người trực tiếp trao. Với những người khỏe mạnh, có sức khỏe hoặc không bị thiệt hại nặng, tôi sẽ nhờ chính quyền thông báo cho bà con tập trung vào một khu khô ráo, an toàn rồi phát quà. Chúng tôi phát bằng tiền, ví dụ 500.000 đồng/bao thư. Tùy theo mức thiệt hại ở từng nơi.
Với những người bị thiệt hại nặng hoặc hoàn cảnh neo đơn, không thể ra ngoài nhận được, chúng tôi sẽ đi đến tận nhà, khảo sát tình hình và trao quà tận tay. Song song đó, chúng tôi cũng khảo sát tới những trường học, những nơi trú bão của các em học sinh. Khi thiệt hại hư hỏng, nhà trường đó chính là nơi trú bão của các em học sinh và người dân. Họ trú vào những nơi cao ráo, an toàn. Sau bão, trường học bị thiệt hại, bay nóc hoặc bể tường, hư bàn ghế, tôi cũng hỗ trợ sửa chữa lại.
* Anh có gặp trường hợp nào quá khó khăn đến nỗi vợ chồng anh phải trích nhiều tiền hơn hoặc bỏ tiền túi của bản thân để cứu trợ không?
- Có rất nhiều trường hợp như vậy, và vợ chồng tôi phải liên tục cân nhắc. Ví dụ tôi qui ra một tỉnh sẽ cứu trợ 1 tỉ đồng. 1 tỉnh có nhiều huyện, 1 huyện có nhiều xã, 1 xã có nhiều thôn, chúng tôi chỉ được phép mỗi nơi chừng đó tiền. Có thể nhà này 20 triệu, nhà kia phải ít xuống để làm sao cho cân đối, số tiền không bị nhiều quá trong 1 tỉnh.
Có những trường hợp rất đặc biệt như bà cụ đã 90 tuổi, lụm cụm sống một mình ở cuối xóm. Chính quyền địa phương dẫn tôi xuống gặp cụ. Nhà cụ đã mục nát, tôi đắn đo hoài, cuối cùng chỉ đưa được 10 triệu đồng vì khu vực đó có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác cần giúp. Nhưng khi về rồi tôi lại áy náy, vì nghĩ số tiền đó quá ít để có thể giúp cụ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nên tôi quyết định lần tới tôi ra đó để giúp cụ sửa lại căn nhà. Nếu không đủ tiền quỹ, tôi sẽ bỏ tiền túi ra giúp.
Có những trường hợp thương tâm lắm, nhưng tôi không thể muốn cho ai thì cho vì đây là tiền của những nhà hảo tâm. Mọi người tin tưởng giao cho tôi nên tôi phải tính toán và chi tiêu cho hợp lý. Tâm lý con người là ai cũng muốn nhận quà. Ví dụ tôi cầm tiền đứng ngay trung tâm Quận 1 phát vẫn có người nhận dù họ không thuộc đối tượng cần cứu trợ. Điều tôi muốn nói ở đây là phải giúp đúng người, phải suy xét kỹ, phải đọc thông tin về hoàn cảnh của họ để hỗ trợ chính xác, tránh trường hợp một người nhận nhiều, người khác lại không có gì dù đang rất khó khăn.
* Anh có đọc được những bài viết nói về nghệ sĩ rất giàu nhưng lại đóng góp ít ỏi, cân đo đong đếm việc nghệ sĩ làm từ thiện, anh có nản chí không?
- Không. Tôi muốn giải thích trước về việc nhiều người nói nghệ sĩ giàu. Đúng, nghệ sĩ giàu nhưng là giàu về tình cảm, giàu về tiếng tăm hơn người khác. Đi đến đâu cũng được mọi người biết và yêu quý, chỉ có vậy thôi.
Còn nói giàu về tài sản, vật chất là không có. Ví dụ một người bình thường mua một chiếc xe hơi 5 - 7 tỉ cũng không ai nói gì nhưng nghệ sĩ chỉ cần mua chiếc xe 1 - 2 tỉ đã bị soi mói và nói là giàu. Thật ra, nghệ sĩ chỉ có tiếng chứ không có miếng, chỉ là hạt cát so với những doanh nghiệp, doanh nhân. Thật ra nghệ sĩ không giàu, chỉ giàu tình cảm thôi. Đó là lý do khi có thiên tai, bão lũ, họ nhạy cảm hơn nên tiên phong và đi làm trước những điều đó.
Chính vì lẽ đó nên một số người nghĩ rằng khi có thiên tai, trách nhiệm của nghệ sĩ là phải làm. Thật sự đây không phải trách nhiệm của nghệ sĩ. Khắc phục thiên tai cần có sự chung sức, đồng lòng của Nhà nước và người dân chứ không riêng của cá nhân nào cả.
Có rất nhiều nghệ sĩ ủng hộ 50 triệu đồng cũng bị chửi, tôi cảm thấy rất vô lý. Đâu ai ép tôi, tôi muốn giúp bao nhiêu cũng được, thậm chí 500.000 đồng cũng được. Bây giờ trong hoàn cảnh dịch bệnh lại thiên tai, mấy ai kinh tế dư dả? Quan trọng là tấm lòng trân quý của họ dành cho người dân miền Trung lúc hoạn nạn.
Tôi biết, những bình luận như thế khiến nghệ sĩ rất buồn. Và nếu cứ như thế hoài, mọi người sau này cũng sẽ e dè hơn khi làm từ thiện. Bởi đã làm từ thiện mà còn bị mắng chửi, không làm cũng bị chửi, vậy thà không làm sướng hơn!
* Tấm hình anh và vợ ngủ ngoài sân bay cũng trở thành đề tài với những bình luận không hay trên mạng, anh thấy thế nào?
- Tôi không biết nói sao. Nghề của tôi là làm dâu trăm họ, ai muốn nói gì cũng được. Tôi là con người, không phải cái máy, cũng cần được nghỉ ngơi. Nên thôi, ai muốn nói gì cứ nói, tôi chỉ cần làm tốt công việc của tôi, không làm gì xấu để phải hổ thẹn với lương tâm là được.
Cảm ơn Lý Hải về cuộc trò chuyện này!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận