Ít nhất tính đến lúc này, những quốc gia hùng mạnh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đều đã phản đối chuyện gửi quân đến Ukraine.
Nhìn chung các đồng minh của Ukraine đều chưa sẵn sàng cho ý tưởng đó, một ý tưởng mà Phó chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev ví như lời tuyên chiến với Matxcơva.
Mơ hồ về "mơ hồ chiến lược"
Ông Macron cho rằng Paris không loại trừ khả năng NATO đưa quân đến trực tiếp hỗ trợ Ukraine trên chiến trường. Ông đã không nêu thêm chi tiết nào cho ý tưởng này.
Tuy nhiên dù tổng thống Pháp muốn tạo ra sự "mơ hồ chiến lược" bằng cách công khai thảo luận về kịch bản trên, Reuters nhận xét ông cũng quá... mơ hồ, để rồi gây khó hiểu, thậm chí khó chịu cho một số đồng minh.
Trên thực tế hội nghị ở Paris vừa qua là nơi các lãnh đạo bàn về giải pháp mới để thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine. Sau hai năm viện trợ tiền bạc, vũ khí và ủng hộ về mặt chính trị, phương Tây đang không nhìn thấy thành quả đột phá.
Trái lại hôm 28-2 (theo giờ Việt Nam), Nga được cho là đã chiếm thêm hai ngôi làng gần Avdiivka, một khu vực trọng yếu mà Matxcơva vừa kiểm soát.
Để lý giải cho phát biểu gây sốc của ông Macron, một trong những khả năng lớn nhất là ông muốn gửi thông điệp rằng phương Tây sẽ "không loại trừ bất kỳ phương án nào" với Nga. Nhưng cách giải thích này không thỏa đáng.
Thứ nhất, lâu nay phương Tây dốc sức ủng hộ Ukraine bất kể sức ép chính trị trong nước cũng vì muốn tạo một lằn ranh đỏ, thể hiện rằng Nga không nên tái diễn việc này và không được phép nghĩ rằng Matxcơva có thể hành động dễ dàng.
Nhưng với phát biểu của ông Macron, hàng loạt đồng minh lập tức phủ nhận chuyện đưa quân tới Ukraine. Về mặt tâm lý chiến, đây không thể là một bài kiểm tra thành công.
Thứ hai, bản thân Chính phủ Pháp sau đó có động thái "làm rõ" phát biểu của ông Macron. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói: "Chúng tôi phải cân nhắc hành động mới nhằm ủng hộ Ukraine.
Những hành động này phải đáp ứng các nhu cầu rất cụ thể, theo tôi, đặc biệt về rà phá bom mìn, an ninh mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ trên đất Ukraine".
"Một số trong đó có thể yêu cầu sự hiện diện trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt ngưỡng chiến đấu. Không nên loại bỏ lựa chọn nào. Đây đã và vẫn đang là lập trường hiện tại của tổng thống Pháp", ông nói thêm.
Tranh cãi nội bộ ở châu Âu
Trong số các đồng minh của Pháp, hiện nay Đức được xem là quốc gia nhạy cảm nhất với phát biểu của ông Macron.
Theo Reuters, bình luận của tổng thống Pháp có nguy cơ đẩy căng thẳng giữa Pháp và Đức lên cao hơn khi hai bên từng cáo buộc đối phương không gửi đủ vũ khí cho Ukraine.
Áp lực chính trị trong nước là một phần khiến Pháp, Đức cũng như nhiều nước châu Âu và NATO hiện nay khó đưa ra quyết định mạo hiểm.
Bên cạnh đó họ cũng chưa đồng thuận về một số vấn đề cấp bách khi hỗ trợ Ukraine ở dạng "truyền thống" như hiện nay, cụ thể là sản xuất vũ khí và đạn dược.
Theo Guardian, vấn đề cốt lõi là lãnh đạo các nước châu Âu không thể đơn phương tăng tốc sản xuất vũ khí tại châu Âu. Đây là chuyện liên quan tới một số hạn chế được ban hành trong thời bình, bao gồm việc phải được cấp phép mở rộng sản xuất.
Hiện nay trong khi Kiev nói họ cần ít nhất gần 200.000 quả đạn pháo mỗi tháng thì mức sản lượng của châu Âu cộng lại vẫn chỉ khoảng 50.000 quả/tháng.
Để giải quyết việc này, CNN lưu ý ông Macron cũng bắn tín hiệu sẵn sàng từ bỏ lập trường phản đối việc mua vũ khí cho Ukraine từ các đối tác bên ngoài EU.
Nhiều nước ủng hộ cách làm này như một trong những nỗ lực kép vừa giúp Ukraine vừa giúp EU, giảm bớt lệ thuộc vào đồng minh để giành "tự chủ chiến lược".
Lãnh đạo Ukraine tới Balkan
Ngày 28-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp lãnh đạo các nước vùng Balkan tại Albania. AFP dẫn lời ban tổ chức thông báo ít nhất Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic và Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani sẽ tham dự sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu ở Tirana.
Chuyến đi này của ông Zelensky nhằm kêu gọi nhóm quốc gia nằm giữa Ukraine và châu Âu tiếp tục việc ủng hộ cũng như đảm bảo vũ khí được đưa tới cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev tiếp tục chứng kiến Nga kiểm soát thêm nhiều khu vực quan trọng.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Zelensky tới vùng Balkan kể từ khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" năm 2022.
Đây có thể xem là nỗ lực mới nhằm đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh Tây Âu và Mỹ có dấu hiệu mệt mỏi sau hai năm chiến sự. Albania, một thành viên NATO, bày tỏ sự ủng hộ Ukraine nhưng hiếm khi công khai về chuyện gửi vũ khí cho Kiev. Trong khi đó, Serbia bị chú ý vì từ chối trừng phạt Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận