Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Hưởng - trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước ở khu vực Đông Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông mang nhiều hơi ẩm hơn vào đất liền.
Các lớp nghịch nhiệt xuất hiện ở độ cao từ 500 - 1.500m kết hợp với điều kiện lặng gió ở bề mặt chính là điều kiện tổ hợp để xuất hiện tình trạng sương mù như sáng 11-8.
Mặt khác, đêm 10 và sáng sớm 11-8, Bắc Bộ có mưa, mưa rào, những cơn mưa đêm 10-8 để lại lượng ẩm trong không khí lớn nên sáng sớm 11-8 đã tạo sương mù.
Ngoài ra, thời điểm này miền Bắc đang bước vào thu, hiện tượng sương mù và sương mù nhẹ như đêm 10 và ngày 11-8 là nét đặc trưng của mùa thu miền Bắc.
Ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo vì đang trong thời tiết thu nên hiện tượng sương mù có khả năng còn xuất hiện nhiều ngày, tập trung vào thời điểm tối, đêm và sáng sớm ở khu vực Bắc Bộ.
Đây là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật đối với khu vực này. Hiện tượng này làm giảm tầm nhìn, có khả năng gây nguy hiểm đến giao thông, đặc biệt trên các đường quốc lộ và các khu vực sân bay và lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.
Để hạn chế tác hại của sương mù, khi người dân ra đường cần sử dụng khẩu trang y tế để ngăn ngừa khí độc trong sương, giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt, không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm.
Sương mù hình thành thế nào?
Sương mù là hiện tượng hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước rất nhỏ lơ lửng trong không khí. Tuy nhiên, sương mù không phải lúc nào cũng có thường xuyên. Sương mù thường có 4 loại là sương mù bình lưu, sương mù bức xạ, sương mù bốc hơi, sương mù front.
Về cơ bản, sương mù muốn hình thành được phải thỏa mãn một số điều kiện như độ ẩm tương đối của không khí phải cao, nhiệt độ không khí tương đối thấp, tốc độ gió yếu hoặc lặng gió.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận