30/11/2022 07:59 GMT+7

Lý do Nhật quyết tăng nhanh ngân sách quốc phòng

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Cuối ngày 28-11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada và Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki phải tính toán để tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027.

Lý do Nhật quyết tăng nhanh ngân sách quốc phòng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đứng trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ ở vịnh Sagami, ngoài khơi Yokosuka, phía nam Tokyo, Nhật Bản ngày 6-11 - Ảnh: REUTERS

Nhật Bản từ lâu đã duy trì giới hạn không chính thức đối với chi tiêu quốc phòng ở mức khoảng 1% GDP, với ngân sách quốc phòng cho năm 2022 là khoảng 5,4 nghìn tỉ yen (khoảng 47 tỉ USD). Với sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ với 1% GDP thì chi tiêu quân sự của Nhật hiện nay cũng đã cao thứ chín toàn cầu.

Bằng chuẩn NATO

Yếu tố thời điểm phía sau động thái mới nhất này rất quan trọng. Nó diễn ra sau một loạt các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh eo biển Đài Loan từ hồi tháng 8 liên quan chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. 

Cùng với đó là sự hiện diện của tàu thuyền Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp với Nhật Bản, các vụ thử tên lửa dồn dập gần đây của Triều Tiên, và bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi rất nhiều sau xung đột Nga - Ukraine. Vào đầu tháng 8, Tokyo đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi năm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trong cuộc tập trận phóng ra đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Bằng việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của đất nước lên 2% GDP trong năm năm, Nhật Bản đã nâng mức chi tiêu quốc phòng lên phù hợp với tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên khối quân sự hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mặc dù còn quá sớm để nói về việc Nhật Bản xin gia nhập khối hợp tác an ninh tập thể NATO trong thời gian tới, nhưng với việc tự tăng cường năng lực quân sự, nước này sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực Đông Bắc Á.

Diễn ngôn của Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh vai trò tự chủ của Nhật Bản khi ông nhiều lần nhắc lại cam kết "củng cố cơ bản" khả năng phòng thủ của đất nước trong bối cảnh "môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng".

Ngoài ra, điều này cũng có ý nghĩa về mặt vị thế Nhật Bản. Việc tăng chi tiêu quân sự mở đường cho Nhật Bản đầu tư hàng tỉ USD cho ngành công nghiệp quốc phòng, nâng cao năng lực sản xuất vũ khí, giúp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của các ngành công nghệ cao và chính xác.

Nội dung dự kiến của những khoản đầu tư từ việc tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật cũng đáng chú ý đối với các nước trong khu vực. Một số lĩnh vực sẽ nhận được khoản tiền bổ sung bao gồm đầu tư vào tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và các công nghệ không người lái khác, tàu chiến được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis, cũng như tăng cường năng lực chiến đấu.

Điều này được coi sẽ giúp Nhật Bản tăng cường năng lực "phản công", phát triển vũ khí có thể nhắm mục tiêu vào các địa điểm phóng tên lửa hay căn cứ của đối phương. Cụ thể, Nhật Bản hiện đang xem xét phát triển tên lửa hành trình có tầm bắn hơn 1.000km. Điều này sẽ cho phép Nhật Bản tấn công từ mặt đất, tàu và máy bay chiến đấu tới các mục tiêu bên trong các quốc gia đối thủ trong tầm bắn.

Còn nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu quốc phòng không phải không gây tranh cãi ở Nhật khi hiến pháp hòa bình của nước này vốn giới hạn năng lực quân sự của họ vẫn không thay đổi kể từ sau Thế chiến 2.

Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản quy định người dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh và từ bỏ việc đe dọa cũng như sử dụng vũ lực như một biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế. Thay vì có quân đội chính quy, Nhật Bản duy trì Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và nghiêm cấm các loại vũ khí tấn công như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân.

Do đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng Nhật Bản với việc tập trung vào phát triển năng lực "tấn công" sẽ tạo ra thế lưỡng nan an ninh trong khu vực, vì khả năng cao là nó cũng sẽ thúc đẩy các nước khác nâng chi tiêu quốc phòng, theo đó không làm cho an ninh khu vực trở nên an toàn hơn.

Một vấn đề gây tranh cãi khác đối với chính trị Nhật Bản là làm thế nào để bù đắp cho việc tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, trong khi hiện nay Nhật Bản đã phải đối phó với những chi phí khổng lồ liên quan đến dân số già, phục hồi kinh tế sau đại dịch và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.

Để đạt được mục tiêu 2%, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết khoảng 48 nghìn tỉ yen sẽ cần được phân bổ trong năm năm tới. Do đó, việc tăng thuế hay cắt giảm chi tiêu các lĩnh vực khác sẽ không tránh khỏi. Điều này cũng đặt đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của Nhật Bản trước những thách thức mới khi nền kinh tế toàn cầu không có triển vọng sáng sủa trong những năm tiếp theo.

Tăng vị thế quốc phòng của Nhật

Khoản chi bổ sung quốc phòng trong năm năm tới cũng giúp cải thiện vai trò của Nhật Bản trong mối quan hệ với Mỹ. Tokyo đang trở thành đồng minh an ninh ngày càng thực chất hơn của Washington, họ cũng bớt lệ thuộc Mỹ hơn về việc đảm bảo an ninh trong khu vực. Từ đó, JSDF có thể tăng cường năng lực hợp tác và phối hợp sâu rộng hơn với quân đội Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản: Tăng chi tiêu quốc phòng Thủ tướng Nhật Bản: Tăng chi tiêu quốc phòng 'nhanh và quyết liệt'

TTO - Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được cho đã chỉ đạo tăng ngân sách quốc phòng và các biện pháp bổ sung lên mức tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên