Lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật tập trận ở Gotemba, phía tây Tokyo - Ảnh: Reuters |
Đây là thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng của Nhật kể từ Thế chiến 2. Lần đầu tiên sau 70 năm, Chính phủ Nhật sẽ có quyền triển khai Lực lượng phòng vệ (SDF) tham chiến ở nước ngoài hỗ trợ các quốc gia đồng minh.
Trước đó, Nhật chỉ được phép sử dụng vũ lực tự vệ khi bị tấn công trực tiếp bởi hiến pháp hòa bình Nhật cấm “sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế”. Theo quy định, phải mất sáu tháng các luật an ninh mới bắt đầu có hiệu lực.
Để Quốc hội thông qua các luật an ninh mới, Thủ tướng Abe và liên minh cầm quyền đã phải đối mặt với sự phản đối dữ dội của các đảng đối lập và những cuộc biểu tình liên tục ở Tokyo thời gian qua.
Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông và liên minh cầm quyền sụt giảm từ mức 58% hồi tháng 5 chỉ còn 45% những ngày qua, theo khảo sát của báo Yomiuri. Tuy nhiên, ông Abe vẫn tỏ ra rất kiên định.
Khu vực cần Nhật
Thủ tướng Abe và những người ủng hộ luật an ninh mới khẳng định nước Nhật rất cần quyền “phòng thủ tập thể”, bởi tình hình khu vực đang có nhiều thay đổi lớn. Hai mối đe dọa được chỉ ra rõ là Trung Quốc đang ngày càng hiếu chiến và CHDCND Triều Tiên rất khó dự đoán.
Trong vài năm qua, CHDCND Triều Tiên liên tục khiến cả thế giới giật mình khi bắn phá đảo của Hàn Quốc, liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa, nhiều lần đe dọa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật.
Các quan chức chính quyền Tokyo cho biết nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, SDF có thể thực hiện các chiến dịch như bảo vệ tàu chiến Mỹ, dọn dẹp mìn trên biển để bảo vệ các tuyến hàng hải, hỗ trợ hậu cần như nhiên liệu và vận tải cho lực lượng Liên Hiệp Quốc ở Hàn Quốc...
Nếu Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo qua bầu trời Nhật tới Mỹ, SDF được quyền đánh chặn. Bởi một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh Nhật.
Trong khi đó, thời gian qua Trung Quốc liên tiếp có nhiều hành vi gây hấn trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ở Hoa Đông, Bắc Kinh liên tục đưa tàu tuần tra tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tàu chiến Trung Quốc ngắm bắn tàu Nhật...
Luật an ninh mới cho phép SDF và lực lượng Mỹ hợp tác để thực hiện các chiến dịch giám sát, cảnh báo sớm trước những hành vi của Trung Quốc.
Kể từ Thế chiến 2, Nhật dựa chủ yếu vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ. Nhưng đã có nhiều lo ngại rằng quân đội Mỹ với ngân sách đang ngày càng bị thu hẹp sẽ không còn đủ lực và ý chí chính trị để bảo vệ Nhật trong tương lai. Do đó, đã đến lúc Nhật cần phải tự lực. Cán cân an ninh Mỹ - Nhật sẽ trở nên cân bằng hơn.
Trên Biển Đông, Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp với ý đồ kiểm soát Biển Đông, tuyến hàng hải trọng yếu của thế giới. Chính sách an ninh mới sẽ tạo điều kiện cho Nhật hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực như Philippines hay Úc để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không Thái Bình Dương.
Điều kiện nghiêm ngặt
Không phải ngẫu nhiên Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ca ngợi: “Các cải tổ này sẽ cho phép Nhật đóng góp lớn hơn vào hòa bình và ổn định quốc tế”. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cũng ca ngợi luật an ninh mới của Nhật.
“Chúng tôi hoan nghênh Nhật đóng vai trò lớn hơn trong các hoạt động khu vực và toàn cầu” - ông Del Rosario nhấn mạnh.
Kể cả với luật an ninh mới, lực lượng vũ trang Nhật vẫn sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn nhiều so với quân đội các nước khác. Mọi chiến dịch triển khai quân sự đều phải được Quốc hội thông qua. Điều kiện để tham chiến rất ngặt nghèo. Đó là khi Nhật hay quốc gia đồng minh thân cận bị tấn công, có thể đe dọa tới an ninh Nhật.
Ví dụ việc một quốc gia Trung Đông rải mìn trên biển sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với Nhật, bởi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phụ thuộc đáng kể vào dầu mỏ từ Trung Đông. Khi đó, Chính phủ Nhật có thể triển khai SDF thực hiện một chiến dịch dọn mìn trên biển ở Trung Đông.
Vấn đề là chính phủ phải trình các bằng chứng và lập luận chặt chẽ chứng minh việc triển khai lực lượng là cần thiết. Và SDF chỉ có thể sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu.
Những người phản đối cảnh báo nguy cơ Nhật mắc kẹt trong các cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước ngoài, nhưng Thủ tướng Abe khẳng định những quy định chặt chẽ sẽ ngăn chặn nguy cơ này.
Với luật an ninh mới, vai trò quốc tế của SDF còn được mở rộng thông qua việc tham gia sâu hơn các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, ví dụ như hỗ trợ hậu cần cho quân đội các nước khác. Trước đây, sứ mệnh Liên Hiệp Quốc của SDF chỉ hạn chế trong các hoạt động phi vũ trang như xây dựng hạ tầng.
Luật an ninh đối mặt thách thức pháp lý Theo AFP, một nhóm luật sư Nhật tuyên bố sẽ đâm đơn kiện chống luật an ninh mới ra tòa án ở Tokyo. Luật an ninh cũng có thể bị hủy bỏ nếu Tòa án tối cao Nhật ra phán quyết khẳng định các thay đổi này vi phạm hiến pháp. Tuy nhiên, tiến trình pháp lý có thể sẽ kéo dài nhiều năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận