Tiêm chủng cho trẻ 4-6 tuổi là vấn đề cần được phụ huynh quan tâm nhiều hơn để bảo vệ trẻ
So với giai đoạn sơ sinh và dưới 2 tuổi, vấn đề tiêm chủng cho trẻ lên 4-6 tuổi thường ít được bố mẹ lưu tâm và thực hiện sát sao. Phần lớn phụ huynh nghĩ rằng kháng thể trẻ có được từ những mũi tiêm đầu đời đã đủ để bảo vệ con lâu dài.
Nhưng trên thực tế, kháng thể phòng các bệnh truyền nhiễm như cúm, bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt không tồn tại suốt đời mà sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu không được tiêm nhắc, trẻ có nguy cơ dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khi tiếp xúc với nguồn lây.
Nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao trong môi trường học đường
Thời điểm giao mùa khiến thời tiết và khí hậu thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút lây lan nhanh. Bên cạnh COVID-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng... vẫn đang diễn ra với nhiều chuyển biến phức tạp. Đây cũng là thời điểm trẻ bắt đầu đi học trở lại, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Mới đây, bại liệt - căn bệnh được cho là được "xóa sổ" trên toàn cầu sau nhiềm năm - đã quay trở lại tại Anh và Mỹ. Các nhà chức trách bang New York (Mỹ) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về mức độ nguy hiểm của bại liệt trước những lo ngại bùng phát dịch.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 1 trong 200 ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến liệt không hồi phục. Trong số những người bị liệt, 5-10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa thống kê số trẻ em bỏ lỡ những liều vắc xin quan trọng tăng gấp 4 lần ở Việt Nam vào năm 2021.
Mặt khác, khi quay trở lại trường sau khoảng thời gian giãn cách, trẻ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè, thầy cô và cộng đồng. Điều này góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cho trẻ, khi vi rút cúm, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt vẫn luôn tồn tại và có thể tấn công trẻ bất cứ lúc nào. Do vậy, bố mẹ không nên chủ quan trong việc tiêm vắc xin, đồng thời cần tiêm nhắc để giúp "gia cố" lá chắn bảo vệ sức khỏe con em.
Hiểu đúng về tiêm nhắc giúp tăng cường kháng thể cho trẻ
Những hiểu lầm về tiêm chủng, đặc biệt là tiêm nhắc, là một trong những rào cản khiến bố mẹ vô tình bỏ qua cơ hội củng cố kháng thể phòng bệnh cho con. Dựa trên số liệu thực tế, 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt đem đến những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nếu không may mắc phải, đặc biệt đối với trẻ dưới 5 tuổi.
Tiêm nhắc giúp tăng cường kháng thể, bảo vệ trẻ trước những yếu tố nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm
Bên cạnh đó, từ tháng 6 đến nay, các cơ sở y tế, bệnh viện miền Bắc ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm, trong đó, nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển. Trước thực tế này, nhiều gia đình mới cảm thấy lo ngại và đổ xô đi tiêm ngừa cúm.
Thế nên, để con luôn an toàn và khỏe học trong năm học thời "bình thường mới", bố mẹ cần xóa bỏ những hiểu lầm về việc tiêm phòng cho trẻ từ 4-6 tuổi. Tiêm đủ liều, đúng lịch các mũi ngừa cúm hằng năm và tiêm nhắc phòng 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt sẽ giúp bảo vệ con trước các mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường học đường.
Bố mẹ có thể tìm kiếm các hashtag #baoveconyeubaonhieuladu, #tiemnhacvacxin hoặc #chichngua trên nền tảng Tiktok để hiểu thêm những thông tin cũng như "bí kíp" giúp tăng cường sức khỏe cho trẻ trong mùa tựu trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận