30/12/2022 15:00 GMT+7

Lý do không nên bỏ lỡ mũi tiêm phòng quan trọng cho trẻ dưới 2 tuổi

P.Q
P.Q

Việc tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và bệnh do vi khuẩn Hib cho trẻ dưới 2 tuổi cần được thực hiện đúng và đủ để tránh những nguy cơ về sức khỏe.

Lý do không nên bỏ lỡ mũi tiêm phòng quan trọng cho trẻ dưới 2 tuổi - Ảnh 1.

Bố mẹ ghi nhớ lịch và đưa trẻ đi tiêm phòng để đảm bảo sức khỏe cho con

Tầm quan trọng của tiêm chủng trong 2 năm đầu đời

Mầm bệnh truyền nhiễm luôn tồn tại trong môi trường sống, dễ xâm nhập và tấn công hệ miễn dịch của trẻ. Một số bệnh nguy hiểm có thể kể đến như sởi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi và viêm não do vi khuẩn Hib,…

Trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu và phụ thuộc nhiều vào kháng thể chứa trong sữa mẹ, tuy nhiên lượng kháng thể này không đủ để bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của các mầm bệnh. Tiêm chủng giúp bổ sung kháng thể, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đồng thời hạn chế các biến chứng, di chứng nếu trẻ không may mắc bệnh.

Kháng thể phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib được bổ sung qua các vắc xin phối hợp 5 trong 1 hay vắc xin 6 trong 1 (phòng thêm bệnh bại liệt). Theo khuyến cáo, các vắc xin trên nên được hoàn thành theo lộ trình 4 mũi, vào các mốc thời gian 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm liều nhắc lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Tiêm chủng đủ liều, đúng lịch bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Nguy cơ tiềm ẩn nếu trẻ bị gián đoạn tiêm phòng

Trên thực tế, bố mẹ thường lỡ lịch tiêm phòng của con vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như: quên lịch tiêm, đến ngày tiêm con không đủ điều kiện sức khỏe, lo lắng về chi phí,… 

Việc thiếu hụt vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng là một trong những nguyên nhân khiến bố mẹ dễ rơi vào tình huống bị động, hoang mang trước những nguy cơ về sức khỏe khi trẻ bị lỡ lịch tiêm phòng.

"Gián đoạn tiêm chủng có thể tạo lỗ trống miễn dịch, khiến nguy cơ mắc bệnh của trẻ tăng thêm. Nguy hiểm hơn, nếu mắc, bệnh có thể để lại một số biến chứng nặng lên hệ hô hấp, thần kinh, làm suy giảm chức năng gan và thậm chí khiến trẻ tử vong", thạc sĩ nhi khoa - bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh cho biết.

Không chỉ số trẻ mắc bệnh gia tăng, khi tỉ lệ bao phủ vắc xin cho trẻ em không đảm bảo, cộng đồng có thể đối mặt với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế vốn đang gặp nhiều căng thẳng.

Tiêm chủng đủ liều, đúng lịch là ưu tiên hàng đầu

Chương trình tiêm chủng mở rộng xếp mũi ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib vào danh sách những mũi tiêm quan trọng cho trẻ dưới 2 tuổi, được cung cấp miễn phí tại các trung tâm y tế địa phương. 

Bên cạnh vắc xin 5 trong 1 và DPT trong tiêm chủng mở rộng, vắc xin 6 trong 1 trong tiêm chủng dịch vụ cũng giúp phòng ngừa các bệnh kể trên, đồng thời phòng thêm bệnh bại liệt.

Thạc sĩ nhi khoa, bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh: "Dựa vào các độ tuổi mắc bệnh, nguy cơ biến chứng và tử vong, khả năng tạo kháng thể của hệ miễn dịch…, lịch tiêm chủng được thiết kế cho trẻ ở các độ tuổi để tạo ra sự bảo vệ sớm nhất, hiệu quả nhất, đồng thời giảm tối đa gánh nặng bệnh tật. 

Chỉ khi trẻ được tiêm đúng lịch khuyến cáo thì khả năng phòng vệ của vắc xin trước bệnh truyền nhiễm mới đạt hiệu quả cao nhất".

Đảm bảo con được tiêm chủng đủ liều, đúng lịch, trước mỗi cột mốc tiêm chủng phụ huynh cần tìm hiểu tình hình vắc xin, đặt lịch tiêm; đồng thời thường xuyên rà soát lịch tiêm của trẻ nếu thiếu mũi.

"Trường hợp trẻ đã đến thời gian tiêm phòng nhưng trạm y tế địa phương đang hết vắc xin, bố mẹ có thể cân nhắc một số loại tương đồng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ để không làm lỡ lịch tiêm của con. 

Cụ thể, vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1 dịch vụ có thể thay thế vắc xin 5 trong 1 và vắc xin DPT của chương trình tiêm chủng mở rộng, đều có thể phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib. Vắc xin 6 trong 1 còn có thể phòng thêm bệnh bại liệt, giúp bảo vệ con toàn diện hơn", thạc sĩ nhi khoa, bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh chia sẻ.

P.Q
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên