05/09/2024 14:26 GMT+7

Lý do Giáo hoàng Francis thăm 4 nước châu Á - Thái Bình Dương cùng lúc

Chuyến đi 12 ngày, qua bốn quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương của Giáo hoàng Francis được tóm gọn trong hai điểm chính, đó là mối quan hệ liên tôn giáo và ảnh hưởng địa chính trị của Vatican.

Lý do Giáo hoàng Francis thăm 4 nước châu Á - Thái Bình Dương cùng lúc - Ảnh 1.

Giáo hoàng Francis ban phép lành cho một giáo dân Công giáo tại Trung tâm Thanh thiếu niên Grha Pemuda, thủ đô Jakarta, vào chiều 4-9 - Ảnh: AFP

Sau chuyến thăm Mông Cổ (2023), Kazakhstan (2022) và Thái Lan (2019), nhiều người tự hỏi tại sao Giáo hoàng Francis lại quyết định quay trở lại khu vực châu Á mà không phải là khu vực nào khác, kể cả Argentina - quê hương của ngài.

Theo tạp chí Diplomat, Giáo hoàng Francis chọn thăm một lượt bốn quốc gia nằm trong cùng một khu vực và chính khu vực này lại mang trên mình hai động lực khác nhau.

Một khu vực, hai động lực toàn cầu

Đầu tiên, nhìn vào toàn cảnh chuyến đi kéo dài 12 ngày của Giáo hoàng, các chuyên gia nhận thấy ngài sẽ đi một vòng quanh quần đảo Maluku - một trong những khu vực đa dạng sinh học bậc nhất hành tinh. Trong nhiều thế kỷ, Maluku là một trung tâm quan trọng cho thương mại xuyên quốc gia.

Ngày nay, khu vực quần đảo Maluku lớn bao gồm miền đông Indonesia, miền nam Philippines, Timor Leste và Papua New Guinea. Mặc dù không nằm trong tuyến đường thương mại lớn nhưng đây vẫn là chiến trường khai thác tài nguyên thiên nhiên của nhiều nước.

Đài truyền hình Deutsche Welle (DW) dẫn lời ông Frank Kraus, người đứng đầu bộ phận quốc tế của tổ chức từ thiện Công giáo Missio (có trụ sở tại thành phố Aachen, miền tây nước Đức), cho biết khu vực châu Á, gồm Ấn Độ và Trung Quốc, đang ngày càng trở nên quan trọng không chỉ về mặt kinh tế và chính trị, mà còn đối với Giáo hội Công giáo.

“Điều rất quan trọng là Giáo hoàng Francis phải đặt chân đến những khu vực này và trực tiếp gặp gỡ mọi người trên lục địa châu Á đang phát triển này”, ông Kraus nói với DW.

Với tư cách là người đại diện chung của toàn thể Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis gọi mời liên tôn giáo để giải quyết các vấn đề nổi cộm của xã hội như biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột, khủng bố.

Thực tế, tại Papua New Guinea, người dân rất quan tâm đến việc các tập đoàn khai thác thiên nhiên và hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, người dân ở Timor Leste vẫn đang đấu tranh để thiết lập các bản sắc riêng của mình sau 20 năm giành độc lập.

Cuộc chiến ngầm về địa chính trị

Lý do Giáo hoàng Francis thăm 4 nước châu Á - Thái Bình Dương cùng lúc - Ảnh 3.

Giáo hoàng Francis xuất hiện tại Thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời (hay còn gọi là nhà thờ Đức Mẹ Thăng Thiên), thủ đô Jakarta vào chiều 4-9 - Ảnh: AFP

Ở vùng Maluku lớn, phần lớn dân số là người theo đạo Thiên Chúa. Theo thông tin thống kê trên trang GCatholic, Papua New Guinea có tổng cộng gần 2,5 triệu tín đồ Công giáo, chiếm 30,5% tổng dân số quốc gia này. Trong khi đó, tín hữu Công giáo tại Timor Leste là hơn 1,3 triệu người, chiếm 96% dân số nước này.

Lịch sử gần đây đã chỉ ra Giáo hội Công giáo không phải là một tác nhân bên lề không có đòn bẩy chính trị. Điển hình, Giáo hội Công giáo đã đóng vai trò then chốt trong việc giúp Timor Leste giành độc lập vào năm 2022.

Những cạnh tranh địa chính trị giữa thành quốc Vatican và Trung Quốc cũng được thể hiện thông qua việc Giáo hoàng Francis chọn đến thăm Indonesia, Papua New Guinea, Timor Leste và Singapore, những vùng nằm sát quần đảo Solomon - đảo quốc ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc hồi năm 2022.

Giới quan sát Úc lo lắng rằng bản thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực cách Úc chỉ chưa đầy 2.000km.

Xây dựng mối quan hệ liên tôn

Lý do Giáo hoàng Francis thăm 4 nước châu Á - Thái Bình Dương cùng lúc - Ảnh 4.

"Nụ hôn của tình huynh đệ" của Đại Imam Nasaruddin Umar, người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo Istiqlal, với Giáo hoàng Francis, người đứng đầu 1,3 tỉ tín hữu Công giáo - Ảnh: AFP

Trong nhiều năm qua, Vatican vẫn luôn xây dựng đối thoại tích cực với các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Đứng trước những căng thẳng và xung đột giữa hai tôn giáo này ở Trung Đông, châu Phi và châu Á, nỗ lực xây dựng mối quan hệ liên tôn giáo vẫn là ưu tiên hàng đầu của "vị chủ chăn" Giáo hội Công giáo tại Indonesia, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du dài 12 ngày.

Theo Hãng tin AFP, sáng 5-9, Giáo hoàng Francis đã đến thăm giáo đường Hồi giáo Istiqlal và ký kết một bản tuyên bố liên tôn giáo tại ngôi giáo đường Hồi giáo lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. 

Mở đầu bài phát biểu tại thánh đường Hồi giáo Istiqlal, người đứng đầu Giáo hội Công giáo nhấn mạnh những tín đồ Hồi giáo và giáo dân Công giáo đều là anh em, đều đi cùng một con đường để đến với Chúa.

Sáng 5-9, "quốc trưởng Vatican" bước vào giáo đường Istiqlal trong tiếng nhạc đặc trưng thường được sử dụng trong các nghi lễ Hồi giáo. Sau khi bước vào ghế, Giáo hoàng Francis và Đại Imam Nasaruddin Umar đã nghe một đoạn trong kinh Koran do một cô gái trẻ mù đọc và một đoạn trong Kinh Thánh Công giáo.

Giáo đường Hồi giáo Istiqlal nằm đối diện với nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời. Bên dưới hai nhà thờ còn có "đường hầm huynh đệ" để kết nối nơi cầu nguyện của người Hồi giáo với nơi các tín hữu Công giáo cử hành Thánh lễ.

"Dưới con mắt quan sát đầy sâu sắc, chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh em, đều là những người hành hương, đều đang đi trên con đường đến với Thiên Chúa, và vượt qua những gì tạo nên sự khác biệt giữa chúng ta", Giáo hoàng 87 tuổi nói.

Tại sao Giáo hoàng Francis thăm bốn nước châu Á - Thái Bình Dương cùng lúc - Ảnh 5.Giáo hoàng Francis kêu gọi đoàn kết liên tôn giáo ở Indonesia

Giáo hoàng Francis, người đứng đầu Giáo hội Công giáo, bắt đầu ngày đầu tiên trong chuyến thăm bốn quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên