Các ngân hàng sẽ không được cho vay vốn để đảo nợ, mua vàng, gửi tiết kiệm... theo quy định tại thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 39 về hoạt động cho vay của ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1-9 tới.
Các chuyên gia cho rằng quy định này là cần thiết, tuy nhiên trong thực tế, dù bị cấm vẫn có việc lách luật dưới nhiều hình thức khác nhau.
Vay vốn rồi lại đi gửi tiết kiệm
Việc cho vay đảo nợ đã bị cấm từ lâu và người vay không xa lạ gì với quy định này. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước cấm cho vay để gửi tiết kiệm khiến nhiều người khó hiểu. Vì sao đã cần vốn, đi vay rồi lại đi gửi tiết kiệm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một tổng giám đốc ngân hàng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước cấm cho vay để gửi tiết kiệm là đúng vì nó có thể tạo ra thanh khoản ảo cho hệ thống.
Bản chất là tiền vay rồi lại chuyển thành tiền gửi.
"Từ trước đến nay ngân hàng luôn phải cân đối giữa tiền gửi và tiền vay. Tiền gửi bao giờ cũng phải đi trước để đảm bảo thanh khoản cho tiền vay", ông Tùng nói.
Nhưng vì sao lại có chuyện vay vốn rồi lại đi gửi tiết kiệm. Có phải do chi nhánh chạy chỉ tiêu? Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM thừa nhận trên thực tế đúng là có việc chạy chỉ tiêu nhưng không nhiều.
"Trên thị trường có sự vênh nhau lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau. Có thể đôi khi lãi suất cho vay với các đối tượng ưu tiên tại các ngân hàng gốc quốc doanh còn thấp hơn lãi suất huy động tại một số ngân hàng cổ phần.
Cũng có thể có tình huống tận dụng chênh lệch lãi vay giữa VND và USD, vay USD lãi suất chỉ vài % sau đó bán đi lấy VND gửi ngân hàngH để hưởng lãi suất cao hơn. Có tình huống là tận dụng chênh lệch kỳ hạn", vị phó tổng giám đốc này lý giải.
Biến hóa để gửi USD vẫn có lãi
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, từ ngày 4-12-2015, Ngân hàng Nhà nước áp chính sách lãi suất 0% đối với tiền gửi USD nhằm chống USD hóa và hạn chế đầu cơ ngoại tệ.
Từ đây nảy ra một chiêu nhằm gửi USD vẫn có lãi: gửi tiết kiệm USD lãi suất 0%, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm USD để vay VND rồi đem gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn.
Việc này hay xảy ra nhất ở những ngân hàng nước ngoài do các ngân hàng này áp dụng lãi suất cho vay rất thấp, chỉ 2 - 3%/năm với vay USD.
Sau đó họ đem VND sang gửi ở những ngân hàng cổ phần trong nước để hưởng lãi suất 7 - 8%/năm, thậm chí cao hơn. Có trường hợp khách hàng vay xong rồi gửi lại chính ngân hàng đó.
Theo các ngân hàng, từ những chiêu biến hóa trên, thời gian qua đã xảy ra tình trạng làm đẹp số liệu, thổi phồng số dư tiền gửi nhưng thực tế lại không phải như thế.
Do vậy quy định tại thông tư 06 sẽ yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ một cách chặt chẽ hơn, phù hợp với hoạt động thực tiễn và làm cho thị trường tín dụng hoạt động một cách ổn định và lành mạnh hơn.
Lướt sóng vàng bằng vốn ngân hàng
Từ thông tư 39 ban hành năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã cấm ngân hàng cho vay để mua vàng miếng. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, bằng cách này hay cách khác, hoạt động cho vay mua vàng miếng vẫn diễn ra ở một số ngân hàng.
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, ở những thời điểm giá vàng nóng sốt, cá nhân có sổ tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng vẫn thường cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền, sau đó dùng tiền đó mua vàng tại chính ngân hàng.
Mức lãi suất cho vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ cao hơn lãi suất tiền gửi trên sổ 2 - 3%/năm, lại tính theo ngày nên không đáng là bao, người vay thường tận dụng cách này để lướt sóng kiếm lời từ biến động giá vàng trongthời gian ngắn.
Dĩ nhiên mục đích vay sẽ không ghi rõ là mua vàng miếng mà thường ẩn dưới dạng vay tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh nhưng nhân viên ngân hàng hoàn toàn biết rõ mục đích vay vốn của khách hàng là gì và những hồ sơ này được chính nhân viên ngân hàng xử lý để hợp thức hóa và lách quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Việc giải ngân có thể thông qua một tài khoản của bên thứ ba cũng là người thân quen và khách hàng có khi dùng chính tài khoản đó để trả tiền mua vàng.
Vì sao ngân hàng dù bị cấm nhưng vẫn lách luật cho vay mua vàng, theo một chuyên gia, ngân hàng cũng sẽ được lợi vì tăng dư nợ và tăng doanh số mua bán vàng.
Việc này có dễ phát hiện không? Theo các ngân hàng, không khó phát hiện vì tần suất xuất hiện giao dịch của những khách hàng này sẽ tăng vào các thời điểm giá vàng có nhiều biến động tăng hoặc giảm.
Có những trường hợp khách hàng vừa giải ngân lại vừa đồng thời nộp tiền mua vàng ngay tại chính ngân hàng đó nên chỉ cần rà soát là có thể phát hiện.
Ngân hàng phải quản chặt mục đích sử dụng vốn
Theo các chuyên gia, bản thân các ngân hàng phải quản lý được mục đích sử dụng vốn của khách hàng thông qua việc xây dựng các hệ thống kiểm soát, đánh giá, thẩm định để ngăn ngừa những rủi ro phát sinh nhưng khó tuyệt đối hóa 100% vì "đạo cao một tấc, ma cao một trượng".
Do đó các ngân hàng phải kiểm tra giám sát thường xuyên, trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng vốn sai mục đích thì phải thu hồi vốn vay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận