Gần đây, những thông tin về bộ phim Tây du ký sản đầu tiên xuất năm 1927 bất ngờ được khơi lại. Tính đến nay, phiên bản Tây du ký đầu tiên này đã hơn 90 năm tuổi và được các nhà làm phim đặt tên là Động bàn tơ.
Nội dung bộ phim chủ yếu xoay quanh tình tiết Tôn Ngộ Không giải cứu Đường Tăng khi gặp nạn trong động bàn tơ, trích từ cuốn tiểu thuyết Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân thay vì tái hiện lại toàn bộ hành trình đi thỉnh kinh cũng như sự giác ngộ của chú khỉ thông minh, lém lỉnh.
Dù là bản phim đầu tiên về bộ truyệnTây du ký nổi danh đình đám nhưng Động bàn tơ lại không được biết đến thậm chí biến mất không dấu vết. Mãi cho đến năm 2011, các nhân viên thư viện quốc gia Na Uy trong khi rà soát lại 9000 cuộn phim cổ đang lưu trữ đã phát hiện ra cuốn băng tác phẩm này.
Bộ phim có cả phụ đề tiếng Trung và tiếng Na Uy và cũng là phim Trung Quốc đầu tiên chiếu tại đất nước này. Sau khi phát hiện và thẩm định, giới chuyên môn nhận định đây là bản sao duy nhất còn tồn tại của phiên bản phim Tây du ký đầu tiên vì bản gốc đã bị thất lạc quá lâu.
Cục điện ảnh Na Uy quyết định phục chế lại cuốn phim và gửi trả cho Cục điện ảnh Trung Quốc lưu giữ.
Phiên bản phim Tây du ký đầu tiên sản xuất năm 1927 vào thời kỳ dòng phim câm thịnh hành và kỹ thuật làm phim của phương Tây du nhập khá sâu vào thị trường Á đông.
Dù phim không có lời thoại nhưng dễ dàng nhận thấy kỹ thuật diễn xuất của diễn viên thời đó thuộc hàng đỉnh cao như thế nào. Ngoài ra, về nội dung, tạo hình và kỹ xảo rất khó để đánh giá.
Tuy nhiên, vì là tác phẩm đầu tiên của Trung Quốc sản xuất theo lối làm phim Tây phương nên rất dễ nhận thấy ở cách tạo hình nhân vật, ăn mặc đến lối diễn xuất.
Tạo hình của bốn thầy trò Đường Tăng mang hơi hướng kinh dị, nhìn đáng sợ hơn so với phiên bản sau này. Diễn viên đảm nhận vai Trư Bát Giới phải đeo một chiếc đầu heo nặng nề, đen xì, xấu xí.
Tôn Ngộ Không và Sa Tăng phải đeo nhiều phụ kiện rườm rà, nét mặt rất hung dữ. Còn Đường Tăng dù vẫn hiền lành nhưng vì trang điểm quá đậm từ đuôi mắt đến đôi môi đỏ đậm mang đến cảm giác các nhân vật không có thật.
Thế nhưng, đó chưa phải là chi tiết bất ngờ nhất của Tây du ký 1927. Khi bộ phim được trả về Cục điện ảnh Trung Quốc và nhiều hình ảnh trong phim được công bố, nhiều khán giả phải "khựng" lại khi chứng kiến sự cởi mở trong lối ăn mặc của diễn viên thời ấy.
Cả diễn viên nam và nữ đều không ngại mặc trang phục kiệm vải, khoe cơ thể trên màn ảnh một cách tự nhiên chưa từng thấy trong các bộ phim thuần Á đông trước đó.
Đặc biệt, các em "yêu nhền nhện" trong Động bàn tơ ăn mặc hết sức hở hang, độc chiếc áo yếm mỏng manh, hở rốn cùng quần siêu ngắn để lộ toàn bộ phần chân và cánh tay và diễn các tư thế uốn éo nhức mắt không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Châu Á.
Vì thế, ngay sau tập phát sóng đầu tiên, Động bàn tơ vấp phải nhiều ý kiến phản đối của khán giả và nhà đài đã quyết định dừng chiếu bộ phim này vĩnh viễn.
Đối với điện ảnh Trung Quốc, Động bàn tơ - phiên bản phim Tây du ký đầu tiên - là tài sản quý giá đánh dấu sự phát triển về kỹ thuật làm phim đến đâu thì đối với khán giả đây lại là bộ phim không đáp ứng được thị hiếu cũng như sự phù hợp với họ.
Vì thế, bộ phim này vừa trở về quê hương sản sinh ra nó sau gần một thế kỷ lưu lạc một lần nữa bị đưa vào quên lãng và hiếm khi được nhắc tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận