Những nguyên nhân gây nên chấn thương trong thể thao
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là không thực hiện hoặc không dành đủ thời gian để thực hiện việc khởi động “làm nóng” người. Các bắp cơ của chúng ta giống như một chiếc xe vậy, nó cần được nổ máy và cho chạy không tải một thời gian ngắn trước khi cho chạy đường dài để động cơ được nóng đều và sau đó thì sẽ vận hành trơn tru.
Các bắp cơ, khi chuyển từ trạng thái hoạt động bình thường sang trạng thái hoạt động thể thao, cần phải được làm nóng bằng các bài tập nhẹ nhàng. Mục đích là để làm giãn nở các mạch máu, giúp gia tăng cung cấp máu đến cho các cơ, qua đó tăng cường cung cấp oxy cho các tế bào cơ hoạt động. Nếu chúng ta bắt đầu chơi thể thao khi các cơ chưa có đủ lượng oxy cần thiết để hoạt động, chúng sẽ mau chóng bị quá tải và dễ bị chấn thương.
Chúng ta cần phải hiểu biết về môn thể thao mình đang tập luyện. Đối với một số môn thể thao, có những động tác có nhiều nguy cơ gây ra chấn thương. Nếu chúng ta không biết cách phòng tránh để đảm bảo an toàn trong tập luyện, chúng ta sẽ dễ bị chấn thương.
Thiếu tinh thần bảo vệ cho nhau trong khi chơi thể thao cũng là một nguyên nhân gây ra chấn thương, không chỉ cho đối thủ mà còn cho bản thân mình nữa. Sự máu lửa khi chơi thể thao, nhất là trong những môn đối kháng cao như đá banh, võ thuật, nếu không tự kiềm chế và giữ tinh thần thượng võ, chấn thương sẽ xảy ra.
Những loại chấn thương thường gặp trong thể thao
* Chấn thương cơ: các cơ là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong thể thao. Có nhiều mức độ tổn thương:
- Giãn cơ: Đó là hiện tượng các sợi cơ bị kéo giãn quá mức cho phép. Khi bị chấn thương, vận động viên cảm thấy đau điếng ở vùng cơ bị chấn thương, nhưng không có bầm máu, vận động chi không bị giới hạn.
Xử trí: chườm lạnh, ngưng chơi thể thao cường độ cao từ một đến hai tuần, có thể tập nhẹ.
- Căng cơ: Trong trường hợp này, có một vài sợi cơ bị đứt. Vận động viên sẽ thấy đau nhiều, khiến không thể tiếp tục vận động chi được. Sau một thời gian từ vài giờ đến một ngày, xuất hiện vết bầm tím.
Xử trí: cần chườm lạnh liên tục trong vài ngày. Không xoa bóp. Cần nghỉ vận động trong 2 tuần. Sau đó có thể tập nhẹ trở lại.
- Rách cơ: Trường hợp này, số sợi cơ bị đứt nhiều hơn. Bầm máu xuất hiện nhanh hơn, đau cũng nhiều hơn, vận động viên hoàn toàn không thể vận động chi.
Xứ trí: cần chườm lạnh, tránh xoa bóp. Cần có bác sĩ chăm sóc, vì nếu rách cơ không được chăm sóc thích hợp, sẽ có khả năng vôi hóa khối máu tụ. Sau từ 8 đến 10 tuần, có thể tập nhẹ trở lại.
- Đứt cơ hoàn toàn: Trường hợp này toàn bộ khối cơ bị đứt hoàn toàn. Lúc này có thể quan sát thấy hoặc sờ thấy một lỗ trũng trên bề mặt chi do hai đầu cơ co rút lại. Vận động viên hoàn toàn không thể vận động chi.
Xử trí: Không cử động chi bị chấn thương. Cần đưa đến bệnh viện để phẫu thuật khâu lại cơ.
* Chấn thương các khớp:
Bất kỳ khớp xương nào cũng có thể bị chấn thương, từ các khớp ở chi trên, chi dưới cho đến các khớp ở cột sống.
Có nhiều mức độ tổn thương:
- Bong gân: là hình thức chấn thương khớp nhẹ nhất. Một số sợi của dây chằng bao khớp bao quanh khớp bị đứt. Vận động viên thấy sưng và đau vùng khớp bị chấn thương, tuy nhiên vẫn cử động khớp được nhưng bị giới hạn do đau. Cần chườm lạnh vùng khớp bị chấn thương và ngưng tập luyện trong vài tuần.
- Trật khớp: hai đầu xương của khớp bị trật hoàn toàn ra khỏi nhau. Lúc này vùng khớp bị chấn thương bị biến dạng và hoàn toàn không thể cử động được. Cần cố định vùng chi bị chấn thương và khẩn trương đưa ngay đến bệnh viện để xử trí cấp cứu.
* Chấn thương xương:
- Chạm thương xương: xương bị chấn động nhưng chưa đến mức gãy xương. Chỉ cần chườm lạnh vài ngày là có thể quay lại tập luyện.
- Gãy xương: vùng chi bị chấn thương bị biến dạng, đau dữ dội, hoàn toàn không thể cử động chi được. Cần cố định chi bị gãy và đưa ngay đến bệnh viện để xử trí cấp cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận