Theo đó, nội dung thi sẽ bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - về định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý: "Ngoài ba môn tương ứng với ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, học sinh tùy theo lựa chọn đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có kế hoạch tham gia ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô giáo ở trường và chủ động hệ thống hóa kiến thức cơ bản".
* Ông có thể chia sẻ với các bạn học sinh về cách hệ thống kiến thức ở giai đoạn ôn tập?
- Với sự hướng dẫn của thầy cô giáo, các em có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để hệ thống hóa kiến thức. Ví dụ lập bảng, vẽ sơ đồ, bản đồ tư duy hay làm đề cương tóm tắt những nội dung kiến thức quan trọng, cốt lõi theo cách mà các em thấy có thể dễ nhớ, dễ hiểu nhất.
Tuy nhiên, dù là cách nào thì các em cũng cần lưu ý khi hệ thống hóa kiến thức cần tập trung làm rõ mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức cơ bản ở trong mỗi bài học, mỗi chủ đề, mỗi chương và giữa các chủ đề, các chương trong chương trình môn học.
Tiếp theo là hệ thống hóa những ứng dụng của kiến thức trong thực tế thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành trong chương trình môn học (có trong sách giáo khoa, sách bài tập và do giáo viên cung cấp, hướng dẫn).
Các em cần lưu ý phải tự lực thực hiện việc hệ thống hóa kiến thức chứ không sao chép của người khác hay nhờ người khác làm giúp. Vì quá trình hệ thống hóa kiến thức chính là quá trình tự học để nắm vững kiến thức trong mối quan hệ với những kiến thức khác trong chương trình cũng như những ứng dụng của kiến thức trong thực tiễn, giúp học sinh ghi nhớ sâu và cũng hiểu được phần nào mình hiểu chắc chắn, phần nào còn yếu, còn chưa rõ để tự ôn tập thêm hoặc nhờ thầy cô giáo hỗ trợ, giảng giải thêm.
Các thầy cô giáo không nên yêu cầu học sinh làm quá nhiều bài tập, đề thi có cùng dạng mà có thể chỉ cần làm với số lượng vừa đủ nhưng bao quát hết các dạng bài tập tương ứng với yêu cầu của nội dung cốt lõi.
Làm sao để học sinh nắm vững kiến thức, có khả năng ứng dụng, có khả năng so sánh, thấy rõ mối quan hệ giữa các đơn vị kiến thức. Việc làm bài tập, thực hành là cách soi rọi lại phần kiến thức đã được hệ thống hóa trước đó.
* Ngoài sách giáo khoa, theo ông, học sinh cần tham khảo những tài liệu nào cho việc ôn tập?
- Hiện nay nguồn tài liệu ôn tập có rất nhiều và cũng dễ tìm kiếm trên mạng. Nhưng tài liệu chính để học sinh ôn tập vẫn là sách giáo khoa và vở ghi các bài học đã học, các dạng câu hỏi, bài tập, bài thực hành... đã làm trong quá trình học tập.
Các em cần dựa vào đó để ôn tập thật chắc từng đơn vị kiến thức cơ bản. Với mỗi đơn vị kiến thức cơ bản đó, khi quay lại ôn tập, các em có thể tìm kiếm thêm tài liệu là những câu hỏi, hệ thống bài tập để luyện tập.
Các em cần chú ý tới các câu hỏi mở liên hệ với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Những tình huống cuộc sống trong câu hỏi thi có thể không có trong sách, trong nội dung bài giảng nhưng khi đã nắm vững kiến thức cơ bản các em đều có thể đáp ứng được yêu cầu.
Trong quá trình ôn tập cho học sinh tại các nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có lưu ý các trường tổ chức phân loại trình độ học sinh để có kế hoạch ôn tập sát với các nhóm đối tượng. Tùy theo các nhóm đối tượng học sinh, thầy cô giáo có thể cung cấp thêm cho học sinh tài liệu tham khảo để luyện tập nhưng không nên quá nhiều gây nên sự quá tải không cần thiết.
Có một căn cứ khác để học sinh tham khảo khi ôn tập là đề thi tham khảo của các môn thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Các em học sinh có thể xem đề thi tham khảo để biết cấu trúc, cách hỏi trong đề thi.
* Nhiều trường THPT tập trung ôn tập cho học sinh lớp 12 theo hình thức trắc nghiệm khách quan vì 4/5 bài thi tốt nghiệp THPT là thi theo hình thức này, theo ông có hợp lý không?
- Trước hết, học sinh phải nắm được chắc kiến thức, kỹ năng của chương trình và hiểu bản chất của kiến thức. Vì thế, việc ôn tập cũng phải bắt đầu từ "gốc" theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, có khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề, tình huống.
Cùng với việc hướng dẫn học sinh tự hệ thống hóa kiến thức, các thầy cô giáo có thể hướng dẫn học sinh ôn tập qua việc luyện tập các dạng bài tập, trả lời các câu hỏi tùy theo mức độ khác nhau.
Việc luyện tập theo dạng đề thi trắc nghiệm là khâu sau cùng để học sinh làm quen với cách thức thi. Còn nếu việc ôn tập ngay từ đầu đã được áp dụng theo cách "làm đề thi trắc nghiệm" thì học sinh sẽ khó nắm chắc kiến thức.
Nhiều kỳ thi, ôn tập ra sao?
* Nhiều học sinh lo lắng vì các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, các kỳ thi riêng của các cơ sở đào tạo khác biệt với kỳ thi tốt nghiệp THPT, vậy theo ông học sinh cần ôn tập thế nào để có thể đáp ứng được các kỳ thi khác nhau hiện nay?
- Các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực hay thi tốt nghiệp THPT đều bám sát nội dung chương trình phổ thông mà học sinh đã được học. Vì thế, để đáp ứng tốt các kỳ thi, các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản của các môn học ở bậc phổ thông và đảm bảo không học lệch mà dành thời gian đều cho việc học và ôn tập tất cả các môn học.
Để không quá tải, các em nên nắm chắc kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận