Sơ chế phi lê cá xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ảnh: TTXVN
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan vừa đưa ra cảnh báo đối với doanh nghiệp đang có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pakistan lưu ý trong thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Pakistan có những thay đổi về chính sách.
Cụ thể, ngày 24/1/2023, Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) thông báo bãi bỏ quy định doanh nghiệp nhập khẩu phải xin phép cấp ngoại tệ trước khi nhập khẩu.
Thế nhưng, SBP lại ban hành quy định mới có hiệu lực đến hết ngày 31/3/2023 vì vậy các ngân hàng thương mại Pakistan được phép làm thủ tục và giải phóng chứng từ cho doanh nghiệp nhập khẩu đối với các lô hàng đã đến cảng Pakistan hoặc được giao từ 18/1/2023 trở về trước, với điều kiện doanh nghiệp nhập khẩu thỏa thuận với đối tác thanh toán chậm 180 ngày hoặc thanh toán từ nước thứ ba. Đây là giải pháp cấp bách của SBP để đối phó với tình trạng thiếu ngoại tệ ngày càng gay gắt của Pakistan.
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần yêu cầu đối tác Pakistan thanh toán từ nước thứ ba; báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị ngân hàng hỗ trợ phương thức thanh toán chậm 180 ngày; tìm hướng tiêu thụ khác chuẩn bị cho tình huống Pakistan vỡ nợ quốc gia, không còn ngoại tệ để thanh toán.
Tại báo cáo tháng 1/2023 của Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, tháng 12/2022 xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 41.903.016 USD, giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu 12 tháng năm 2022 đạt 600.634.181USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 12/2022 nhập khẩu của Việt Nam từ Pakistan đạt 13.499.721 USD, giảm 8,7 % so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu 12 tháng năm 2022 đạt 303.590.611 USD, tăng 54 % so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá từ các chuyên gia thương mại, Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ các mặt hàng nông sản truyền thống như chè, hạt tiêu, hạt điều, phi-lê cá tra … đến quần áo, giày dép, các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao (điện thoại di động, máy giặt, máy in …).
Hơn nữa, Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động,...
Tuy nhiên, điều kiện đi lại giữa Việt Nam và Pakistan chưa thuận tiện, môi trường ăn ở tại Pakistan còn lạc hậu, sự khác biệt về văn hóa là những nhân tố cản trở doanh nghiệp Việt Nam đi Pakistan khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng.
Ngoài ra, đây là thị trường đang phát triển, khách hàng rất nhạy cảm với yếu tố giá. Hàng xuất khẩu sang thị trường Pakistan phải có giá rẻ mới có nhu cầu cao. Không những thế, hạ tầng thương mại của Pakistan còn lạc hậu, các hội chợ, triển lãm, hiệu quả thấp. Thương mại điện tử mới đang bắt đầu phát triển. Doanh nghiệp nhập khẩu còn nặng tính gia đình, bộ tộc.
Do đó, để xúc tiến thương mại hiệu quả sang thị trường này, các chuyên gia cho rằng cần vận động và hỗ trợ doanh nghiệp Pakistan sang Việt Nam tham gia và tham quan các hội chợ, triển lãm tổ chức tại Việt Nam.
Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp Pakistan tháo gỡ khó khăn trong việc xin visa đi Việt Nam nhất là các khách hàng truyền thống được các tổ chức, hiệp hội và đại sứ quán bảo lãnh; xác minh đối tác và giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, địa phương phát triển sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của khách hàng; hỗ trợ doanh nghiệp xin visa và xác minh đối tác và giải quyết tranh chấp. Về phía hiệp hội cần đoàn kết doanh nghiệp thành viên để tạo nên sức mạnh và thị trường ngành hàng có tổ chức.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp phải thận trọng xác minh thông tin khách hàng qua các phòng thương mại, hiệp hội, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam và Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pakistan. Đàm phán, ký hợp đồng với các điều kiện đảm bảo an toàn nhất./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận