Trả lời trong bài phỏng vấn trên tờ Financial Times ngày 8-5, Thủ tướng Ingrida Simonyte của Lithuania nói Quốc hội nước này đã cho phép việc gửi quân đến Ukraine.
Lithuania, một thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trước đây từng đề xuất gửi quân tới Ukraine.
Bình luận của bà Simonyte được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả "các mối đe dọa và khiêu khích" của phương Tây.
"Nếu chúng tôi chỉ nghĩ đến phản ứng của Nga thì không thể gửi bất cứ thứ gì. Cứ hai tuần một lần, ta lại nghe tin ai đó sẽ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân", bà Simonyte nói trong bài phỏng vấn về khả năng triển khai quân đến Ukraine cho mục đích huấn luyện.
Tuy nhiên, bà Simonytė thừa nhận rằng Nga có thể coi đây là một "sự khiêu khích".
Nhà lãnh đạo Lithuania cho rằng việc Nga tăng cường tấn công các cơ sở hạ tầng của Ukraine, bao gồm các nhà máy điện, là nhằm mục đích gây ra làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine.
Nói về việc Nga diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật, bà Simonyte bày tỏ sự hoài nghi việc Nga sẽ sử dụng vũ khí này, vì bụi phóng xạ cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến Nga.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong phát biểu trên tờ The Economist cũng cho rằng các đồng minh NATO của Ukraine sẽ phải xem xét việc triển khai quân ở Đông Âu nếu Nga đột phá chiến tuyến ở Ukraine.
Đầu tuần này, Nga đã triệu tập đại sứ Pháp để phản đối các chính sách "khiêu khích" của Paris.
"Họ đang nói về sự sẵn sàng và thậm chí cả ý định gửi lực lượng vũ trang tới Ukraine, mà trên thực tế là để đặt binh sĩ NATO đối đầu quân đội Nga", tờ Moscow Times dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
"Đây là một đợt leo thang căng thẳng hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ và cần có các biện pháp đặc biệt", ông Peskov nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận