13/10/2022 10:30 GMT+7

Lướt sóng ở Việt Nam: Thèm một sân chơi chuyên nghiệp

ĐỨC KHUÊ
ĐỨC KHUÊ

TTO - Tháng 9 vừa qua, hai VĐV lướt sóng phong trào Trần Thanh Việt và Nguyễn Thành Phú đã có dịp thi đấu tại giải Sawakami Asia Challenge Ichinomiya do Liên đoàn Lướt sóng Nhật Bản (JPSA) tổ chức.

Lướt sóng ở Việt Nam: Thèm một sân chơi chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Thanh Việt thi đấu tại giải Sawakami Asia Challenge Ichinomiya - Ảnh: JPSA

Đây là cơ hội hiếm hoi để cả Việt và Phú có những trải nghiệm về môi trường lướt sóng chuyên nghiệp, dù chỉ là giải giao hữu.

Theo chia sẻ của Thanh Việt, phong trào lướt sóng tại Việt Nam thời gian qua đã phổ biến hơn rất nhiều. Việt bắt đầu lướt sóng từ năm 15 tuổi, đến nay đã 6 năm. Đó cũng là quãng thời gian mà Thành Phú làm quen với môn này. Con đường đến với lướt sóng của cả hai tuy không giống nhau nhưng cùng có điểm chung là xuất phát từ những vùng biển nổi tiếng ở miền Trung.

Sân chơi đông nhưng chưa chuyên

Quê Việt ở Mũi Né (Bình Thuận), còn Phú đến từ Nha Trang (Khánh Hòa). Việt đến với lướt sóng khi thấy người khác chơi nên cũng tập tành chơi thử. Còn Phú nhờ một người họ hàng có trường dạy các môn thể thao dưới nước, trong đó có lướt sóng. Cho tới nay, Việt và Phú đã lướt sóng tại hầu hết những bãi biển nổi tiếng ở Đà Nẵng, Phan Rang, Vĩnh Hy (Ninh Thuận), Quy Nhơn (Bình Định)... Cả hai còn tích cực tham dự các giải đấu địa phương để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ. 

Dù vậy những hoạt động này vẫn chỉ mới mang tính phong trào, được tổ chức để anh em lướt sóng giao lưu với nhau. "Dù đã chơi lâu năm nhưng tôi vẫn thiếu thốn đủ thứ. Chẳng hạn tôi chỉ có thể mua ván đã qua sử dụng của người nước ngoài do ván mới rất đắt tiền", Trần Thanh Việt chia sẻ.

Phải đến khi sang Nhật hồi tháng 9 vừa rồi, cả hai mới có cơ hội trải nghiệm môi trường chuyên nghiệp thật sự. Thành Phú kể: "Dù chỉ là giải giao hữu nhưng họ làm rất bài bản. Các VĐV Nhật Bản, Đài Loan... đạt trình độ cao và có HLV để hướng dẫn, còn chúng tôi thì không".

Lướt sóng ở Việt Nam: Thèm một sân chơi chuyên nghiệp - Ảnh 2.

Thành Phú (trái) và Thanh Việt trong những ngày tại Nhật Bản - Ảnh: JPSA

Giấc mơ SEA Games, Asiad

Giải Sawakami Asia Challenge Ichinomiya ngoài việc thi đấu giao hữu, Liên đoàn Lướt sóng Nhật Bản còn hướng đến việc phát triển phong trào tại châu Á. Tại Olympic Tokyo (tổ chức năm 2021) vừa rồi, lướt sóng lần đầu tiên được đưa vào thi đấu tại đại hội. Do đó, Nhật Bản muốn tận dụng cơ hội này để quảng bá lướt sóng một cách rộng rãi. Thậm chí giải đấu giao hữu này còn được tổ chức ngay tại nơi đã diễn ra môn lướt sóng ở Olympic Tokyo.

Ông Akihito Futa - thành viên của JPSA, người đã giới thiệu Việt và Phú tham dự giải đấu nói trên - cho biết JPSA đã lo gần như toàn bộ chi phí dự giải cho cả hai. 

Sinh sống ở Việt Nam nhiều năm và có một cửa hàng bán đồ lướt sóng tại Đà Nẵng, ông Futa cho biết: "Ngày càng nhiều người Việt đến với lướt sóng. Do đó chúng tôi muốn lan tỏa môn thể thao này nhiều hơn. Ngoài việc mời Việt và Phú tham dự giải, chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức các giải đấu mang tính chuyên nghiệp, thành lập liên đoàn, thậm chí có thể là hỗ trợ về cơ sở vật chất...".

Ông Futa cho biết vào tháng 3-2020, ông đã cùng các cộng sự có kế hoạch tổ chức một giải lướt sóng chuyên nghiệp tại Đà Nẵng sau khi được chính quyền địa phương cho phép. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giải đã phải hủy bỏ. Dù tiếc khi chưa thể dự một giải đấu tầm cỡ tại Việt Nam trong tương lai gần nhưng cả Việt và Phú đều háo hức bước chân vào con đường chuyên nghiệp. 

Với việc lướt sóng đã trở thành một môn Olympic, có thể Asiad và SEA Games sẽ xem xét đưa môn này vào thi đấu, Việt chia sẻ: "Nếu Asiad hay SEA Games mà có thi đấu môn này thì tôi sẽ thử sức để hy vọng giành quyền tham dự. Nhưng trước mắt, tôi mong mình có thể tìm được HLV và có những trang thiết bị tốt hơn để có thể chơi như một VĐV chuyên nghiệp".

Tiềm năng phát triển du lịch

Sau thời gian dài trải nghiệm, ông Futa nhận xét: "Nhiều bãi biển Việt Nam từ Vũng Tàu đến Đà Nẵng có sóng để lướt quanh năm. Không như ở Nhật, sóng để lướt chỉ có ở một vài mùa nhất định. Dù có sóng quanh năm nhưng thời điểm sóng "đẹp" nhất ở Việt Nam là từ tháng 11 cho đến tháng 3 năm sau. Khi làm giải ở Đà Nẵng, nhiều người nói với tôi đó là thời điểm ít khách du lịch. Do đó nếu tổ chức một giải đấu hằng năm vào thời điểm này thì sẽ thu hút được nhiều người đến xem và giúp du lịch phát triển".

'Vua lướt sóng' tí hon! "Vua lướt sóng" tí hon!

TTO - Mới 2 tuổi nhưng Jaylan Amor đang tạo ra một cơn “sóng thần” trong thế giới những người lướt sóng, hiện được cho là “vận động viên” lướt sóng nhỏ tuổi nhất ở Úc và có lẽ là cả thế giới.

ĐỨC KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên