Lần đầu tiên, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất được mức lương tối thiểu vùng chỉ sau 2 phiên họp, "chốt" được mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ tăng 5,5% tại phiên họp chiều 11-7 - Ảnh: Đ.BÌNH
Ông Doãn Mậu Diệp - thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - đã thông báo như vậy ngay sau khi phiên họp thứ hai của hội đồng này kết thúc.
Với mức tăng 5,5%, kể từ ngày 1-1-2020, lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 4,18 triệu lên 4,42 triệu (tăng 240.000 đồng); vùng 2 từ 3,71 triệu lên 3,92 triệu (tăng 210.000 đồng); vùng 3 từ 3,25 triệu lên 3,43 triệu (tăng 180.000 đồng); và vùng 4 từ 2,92 triệu lên 3,07 triệu (tăng 150.000 đồng).
Theo ông Diệp, mức lương tối thiểu hiện nay đã đáp ứng hơn 95% mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, với mức tăng 5,5% thì tiền lương chắc chắn sẽ đáp ứng được cơ bản mức sống tối thiểu.
"Sau năm 2020, tùy vào các chỉ số và mức sống của người lao động thì Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn sẽ họp tiếp để điều chỉnh".
Trước khi bước vào phiên họp thứ hai, Tổng LĐLĐ VN tính mức lương tối thiểu dựa trên nhiều thông số kỹ thuật khác nhau, và tại phiên họp này đã đề xuất 3 phương án: tăng 8,18% (180.000-380.000 đồng); 7,06% (160.000 đồng đến 330.000 đồng) và 6,52% (tăng 120.000-320.000 đồng).
Ngược với quan điểm của Tổng LĐLĐ VN (đại diện người lao động), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI (đại diện giới doanh nghiệp) cho rằng "mức lương tối thiểu đã đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động", nên cộng đồng doanh nghiệp đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.
Hoặc nếu có tăng thì cũng chỉ nên tăng ở mức 1-2%, vì "việc tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, nhưng do tình hình kinh tế xã hội đã có những khởi sắc nên nhu cầu, mong muốn của cơ quan quản lý, người lao động đều đề nghị tăng lương tối thiểu".
Đại diện Chính phủ, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020.
Cụ thể, phương án 1 tăng bình quân 4,9% so với lương tối thiểu vùng hiện hành, tức tăng 120.000-200.000 đồng; phương án 2 tăng bình quân 4%, tức tăng 70.000-170.000 đồng tùy từng vùng; phương án 3 tăng bình quân 6%, tức 140.000-240.000 đồng tùy từng vùng.
Sau phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch VCCI - cho biết "kết quả này cũng không làm vui cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên vì người lao động cũng còn khó khăn nên cũng phải chia sẻ".
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết dù không đạt được kỳ vọng là mức tăng trên 6% nhưng mức tăng 5,5% cũng là "tiếng nói chung" của các thành viên hội đồng. Mức tăng 5,5% cũng sẽ đáp ứng được 100% mức sống tối thiểu của người lao động.
Trong 3 năm gần đây, lương tối thiểu đều tăng. Cụ thể, năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận