16/11/2011 10:05 GMT+7

Lương tối thiểu phải thực chất

TS BÙI SỸ LỢI(phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội)
TS BÙI SỸ LỢI(phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội)

TT - Nhiều năm qua, chiến lược cải cách tiền lương của chúng ta luôn đặt ra mục tiêu là lương phải đủ sống. Có nghĩa là tiền lương mà người lao động nhận được phải đảm bảo quá trình tái sản xuất sức lao động của chính họ, tối thiểu là nuôi được bản thân mình và một phần nuôi sống gia đình.

Nhưng mục tiêu này đến nay chưa đạt được, doanh nghiệp vẫn đang lợi dụng vào các quy định chưa chặt chẽ của pháp luật để trả cho người lao động mức lương chỉ cao hơn lương tối thiểu một tỉ lệ rất ít và thường phần lương cứng chỉ chiếm 50-60% thu nhập, còn lại là các khoản có tính chất phụ cấp, trợ cấp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp giảm phần đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về mặt lý thuyết, các yếu tố xác định tiền lương bao gồm: tốc độ tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng tiền lương trên thị trường (do cung - cầu lao động quyết định). Phương pháp xác định lương tối thiểu theo nhu cầu mức sống tối thiểu và bằng chi phí tối thiểu cho người lao động và chi phí nuôi con. Chi phí cho người lao động chiếm 55% (tính trên cơ sở 45 mặt hàng thiết yếu) để bảo đảm 23.000 Kcalo/ngày và 45% chi phí phi lương thực, thực phẩm. Còn chi phí nuôi con bằng 70% chi phí cho người lao động.

Thế nhưng thực tế mức lương tối thiểu không đáp ứng được mức sống tối thiểu do việc xây dựng mức lương tối thiểu không đáp ứng được ba yếu tố như trên. Có những thời điểm khi chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức hai con số, vượt quá mức chịu đựng của người lao động, nhưng mức lương tối thiểu thì không được thay đổi. Hơn nữa, hiện nay quan hệ cung - cầu về lao động ở nước ta vẫn mất cân đối, cung nhiều hơn cầu, cho nên nói là thỏa thuận mức lương nhưng người lao động luôn ở thế yếu, phần lớn phải chấp nhận mức lương do chủ sử dụng lao động đưa ra.

Lần này, chương VI dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) có 18 điều quy định về tiền lương, mức lương tối thiểu, thang lương, bảng lương, định mức lao động, hình thức trả lương, chế độ tiền thưởng... Về cơ bản đã thể hiện được theo hướng tiền lương đảm bảo giá trị thực, bù đắp được chi phí cho người lao động, đảm bảo yêu cầu tái sản xuất sức lao động. Dự luật cũng quy định theo hướng tạo cơ chế linh hoạt cho người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận mức lương, đảm bảo được quan hệ cung cầu lao động trên thị trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động và hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôi cho rằng dự án luật cần quy định nguyên tắc thỏa thuận và các cơ chế hỗ trợ cụ thể trong quá trình thương lượng về tiền lương giữa người sử dụng lao động với người lao động (hoặc đại diện của người lao động) về cơ cấu tiền lương.

Các tiêu chí để xác định cơ cấu tiền lương cần phải cụ thể, đảm bảo mức lương tối thiểu doanh nghiệp trả cho người lao động ít nhất bằng 70% thu nhập, tránh bị doanh nghiệp lợi dụng. Luật cũng cần thể hiện rõ vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức đại diện người lao động trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương trong doanh nghiệp. Nhà nước và tổ chức đại diện cho người lao động phải công khai, minh bạch về tiền lương, cung cấp thông tin cho người lao động có cơ sở thỏa thuận, thương lượng để đảm bảo yêu cầu tiền lương chính là giá cả sức lao động.

Hiện tại chúng ta đang công bố mức lương tối thiểu theo vùng và khuyến khích xây dựng mức lương tối thiểu ngành và thỏa ước lao động tập thể theo ngành là phù hợp với xu hướng chung của các nước phát triển. Tuy nhiên dự thảo luật cũng cần quy định rõ mức lương giờ, lương ngày do các loại hình lao động rất đa dạng, người lao động có thể làm bán thời gian với các công việc khác nhau nên việc xác định mức lương theo giờ là thực chất nhất.

TS BÙI SỸ LỢI(phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên