TTCT - “15 đôla một giờ” - đó là toàn bộ thông điệp của những lao động Mỹ đã xuống đường đầu năm nay. Họ tin rằng đó là mức lương tối thiểu để có thể tồn tại trong những thành phố đắt đỏ của Mỹ. Nhưng vấn đề là hầu hết mức lương tối thiểu ở các bang của Mỹ hiện nay chỉ bằng một nửa con số đó. Một người biểu tình bên ngoài cửa hàng McDonald's ở Chicago ngày 23-7 với khẩu hiệu đòi mức lương 15 USD/giờ cho mọi nhân công ngành thức ăn nhanh. Ảnh Reuters Amanda Monroe, 35 tuổi, ngồi trước bục phát biểu, tay bế đứa con trai Ocean 3 tuổi đang ngủ, tại một buổi họp của hội đồng lương thuộc Sở Lao động bang New York: “Tôi làm việc trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh từ ba năm nay với mức lương 8,75 đôla/giờ… Hiện tôi kiếm được 1.175 đôla/tháng, thiếu khoảng 400 đôla để chăm sóc con mình. Tôi không mong chờ mình sẽ giàu hơn với mức lương 15 đôla/giờ. Tôi chỉ muốn tồn tại, chăm sóc cho gia đình mình và Ocean thỉnh thoảng được mua đồ chơi”. Những cuộc tuần hành McDonald's Hội trường vỗ tay. Nhưng có điều bà mẹ đơn thân đang mang thai lần thứ hai này không thể kể hết trong bài phát biểu ngắn của mình, đó là không có đủ tiền để đưa con đi nhà trẻ với chi phí khoảng 37 USD/tuần (tương đương với hầu hết nhà trẻ tư nhân ở đô thị Việt Nam). Cô phải vay mượn để trả học phí cho con và sống nhờ vào phiếu trợ cấp thực phẩm. Amanda từng có bằng trợ lý chuyên viên trong ngành y tế và làm việc trong một trung tâm chuyên về bệnh thấp khớp. Nhưng năm 2010 cô mất việc, kể từ đó gắn với ngành công nghiệp thức ăn nhanh, đầu tiên là Dunkin' Donuts và hiện giờ là McDonald's. Đó chỉ là một số phận tiêu biểu trong chiến dịch “Fight for 15” (Chiến đấu vì 15) - một chiến dịch của những lao động phổ thông trên toàn nước Mỹ đòi mức lương tối thiểu 15 USD/giờ. Ban đầu nó xuất hiện trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh khi công nhân đưa ra con số 15 USD/giờ với những lý lẽ rất vững chắc: thu nhập trung bình của lãnh đạo ngành này lên tới hơn 23 triệu USD/năm, trong khi của họ chỉ hơn 11.600 USD/năm. Sau đó, họ so sánh mức giá của thức ăn nhanh tại một quốc gia phát triển khác: một chiếc bánh Big Mac ở Úc rẻ hơn ở Mỹ 47 cent, nhưng lương của công nhân Úc là 16 USD/giờ, tức gần gấp đôi lương của Amanda Monroe. Trên khắp nước Mỹ, người ta xuống đường tuần hành với những chiếc áo và biểu ngữ màu đỏ cam gợi nhớ tới thương hiệu McDonald's, biểu tượng văn hóa của Mỹ. Tham gia hưởng ứng còn có nhân viên giữ trẻ, nhân viên siêu thị, nhân viên trạm xăng và công nhân tại sân bay. Nhiều chính trị gia cánh tả ủng hộ phong trào. Thị trưởng New York Bill de Blasio tuyên bố rằng mức lương 15 USD/giờ là “tối thiểu cơ bản”. Thống đốc bang New York thì yêu cầu hội đồng lương điều tra xem những công nhân ngành thức ăn nhanh có phải đang bị chi trả quá thấp hay không. Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton, dù không trực tiếp nhắc tới con số 15 USD, cũng tuyên bố rằng bà cảm thấy người lao động cần được đãi ngộ xứng đáng. “Nhân viên giữ trẻ và thức ăn nhanh không nên bị buộc phải tuần hành trên đường để có một mức lương đủ sống” - bà viết trên trang Twitter. Amanda Monroe và nhiều thành viên khác của phong trào “Fight for 15” đã thành công. Ngày 22-7, hình ảnh người mẹ đơn thân này lại xuất hiện trên khắp các mặt báo Mỹ. Đó là khoảnh khắc cô bày tỏ niềm vui trong bộ đồng phục McDonald's khi nghe tin chính quyền bang New York đã quyết định tăng lương tối thiểu cho các nhân công trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh lên 15 USD/giờ. Các nhà hàng trong thành phố New York sẽ có thời hạn tới tháng 12-2018 để hiện thực hóa điều này, phần còn lại của bang New York sẽ phải đạt mức lương đó vào năm 2021. Nhiều người tin rằng đây sẽ là tiền đề cho tất cả lĩnh vực lao động khác đòi được mức lương lý tưởng này. Nhưng đó chưa phải là câu chuyện cổ tích với cái kết đẹp. Ở nhiều nơi dấy lên những lập luận chống lại con số 15 đầy ám ảnh này. Cuộc luận chiến 15 đôla “31.000 USD/năm và họ thậm chí không cần tốt nghiệp phổ thông” - một ý kiến thuộc dạng cay nghiệt trên mạng và không phải là hiếm. Thật ra có thể dễ dàng nhìn thấy rằng đây là một cuộc luận chiến mang màu sắc chính trị. Sau thời kỳ hoàng kim trong thập niên 1970, nước Mỹ đang dần chia đôi thành hai phần. Những ai thường xuyên theo dõi các tác phẩm của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Michael Moore sẽ hiểu: từ lâu những người lao động dưới đáy của xã hội Mỹ luôn cảm thấy bị các ông chủ tư bản đối xử bất công, không chỉ trong lương tối thiểu mà ở hầu hết vấn đề phúc lợi xã hội khác như bảo hiểm y tế, giáo dục. Họ muốn chính phủ can thiệp nhiều hơn để đảm bảo công bằng. Trong khi đó, một bộ phận khác lại tin rằng mọi thứ nên được vận hành theo quy luật thị trường, và việc để các chủ tư bản tự phát huy chính là giá trị cốt lõi làm nên sức mạnh của nước Mỹ. Trên Quora, một trong những diễn đàn học thuật lớn nhất thế giới, tỉ phú Joe Longsdale, một nhà đầu tư lớn của Thung lũng Silicon (người từng sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp), công khai phàn nàn rằng nước Mỹ đang trao quá nhiều quyền lực cho chính phủ và đây là nguyên nhân chính khiến nước Mỹ phát triển chậm lại. Ngoài vấn đề quan điểm, khá nhiều chuyên gia cũng hoài nghi tác động kinh tế của việc tăng lương tối thiểu. Theo nhiều tính toán, tăng lương tối thiểu có thể dẫn tới tăng giá cả, thậm chí gây hại nhiều hơn cho người nghèo. “Tăng lương tối thiểu lên 15 USD có thể làm hại hàng triệu người yếu đuối” - tác giả Reihan Salam giật tiêu đề một bài viết kinh tế trên tạp chí Slate. Theo lập luận của ông, ở nhiều bang có chi phí sống đắt đỏ như Massachusetts, việc tăng lương lên 15 USD sẽ không ảnh hưởng đến vật giá. Nhưng ở một bang khác, nơi có chi phí sống thấp hơn và lương tối thiểu hiện chỉ là 7,25 USD/giờ, tăng lương sẽ khiến vật giá leo thang, số việc làm phổ thông giảm xuống (do các chủ tư bản cần tiết kiệm) và ảnh hưởng tới hàng triệu người nghèo. Quan điểm này được một số nghiệp đoàn lao động ủng hộ. Nghiệp đoàn quốc tế thợ điện gia đình có trụ sở tại thành phố Phoenix bày tỏ lo ngại sẽ có rất nhiều lao động phổ thông mất việc nếu như họ đòi bằng được mức lương 15 USD/giờ. “Cây đinh” của cuộc bầu cử? Cuộc đấu tranh vì mức lương 15 USD/giờ có thể trở thành một trong những thành tố quan trọng trong các chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016. Ngoài hai ứng viên Hillary Clinton và Martin O'Malley đã công khai lên tiếng về chiến dịch này, khá nhiều chính trị gia khác của Đảng Dân chủ cũng bày tỏ ủng hộ công nhân tuần hành, cho dù nhiều người trong số họ (như chính bà Clinton) sử dụng uyển ngữ, không trực tiếp nhắc đến con số 15 USD. “Lương tối thiểu không đồng nghĩa với mức lương có thể sống được. Tất cả những ai đang kiếm sống đều có quyền đòi hỏi mức thu nhập đủ để sinh sống” - hạ nghị sĩ Xavier Becerra viết. “Tôi muốn cổ vũ những công nhân đang xuống đường để đòi một mức lương 15 USD/giờ” - thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một ứng viên của cuộc chạy đua tổng thống, nói. Trong khi đó, ở thời điểm cao trào nhất của chuỗi biểu tình (tháng 4-2015), không một thành viên nào của Đảng Cộng hòa hoặc ứng viên tổng thống của đảng này lên tiếng. Bản thân sự im lặng này cũng đã thể hiện sự khác biệt rất lớn trong quan điểm đã đề cập ở trên của hai lực lượng chính trị chủ yếu trong lòng nước Mỹ. Có lý do để tin rằng cách giải quyết cuộc tuần hành “Fight for 15” sẽ là một trong những yếu tố quan trọng trong những chiến dịch vận động tranh cử của những ứng viên từ hai đảng này trong năm tới. Triệu đô la cho 15 đô la Trong cao trào của chiến dịch “Fight for 15”, Hiệp hội chuỗi cửa hàng nhượng quyền thế giới (International Franchise Association) đại diện cho giới chủ tuyên bố rằng đây là “một chiến dịch PR trị giá nhiều triệu đôla được thiết kế nhằm gây hiểu nhầm ở công luận và những nhà ban hành chính sách”. Lời cáo buộc đó nhắm vào SEIU - Liên đoàn Nhân công dịch vụ quốc tế (Service Employees International Union). Đây là một trong những tổ chức công đoàn lớn nhất nước Mỹ và là nhà tài trợ chính cho chiến dịch “Fight for 15”. Theo số liệu họ cung cấp, SEIU đã rót 25 triệu USD cho những người lao động thực hiện chiến dịch tuần hành và truyền thông có quy mô khắp nước Mỹ này. Ví dụ trả lương cho Kendall Fells - người giữ chức “giám đốc tổ chức” của chiến dịch. “Không có cái giá nào bạn có thể áp cho một phong trào làm thay đổi phương thức đối thoại trên đất nước này. Nó có thể tăng lương cho 8 triệu lao động. Tôi tin rằng nó sẽ buộc tạo ra một cuộc đối thoại thật sự để giải quyết sự bất công khó ngửi nhất trong thế hệ chúng ta” - Mary Kay Henry, chủ tịch toàn cầu của SEIU, tuyên bố. Theo bà, “người dân đang phát ốm vì giới thượng lưu” và “các tập đoàn không có chút trách nhiệm nào”. Kendall Fells, người đứng đầu chiến dịch, cũng tin rằng phong trào này hoàn toàn không giống những cuộc đình công đã diễn ra trong quá khứ: “Đây là một phong trào đòi hỏi sự công bằng về kinh tế và chủng tộc, chứ không phải là những cuộc đình công của nhân công ngành thức ăn nhanh đã thực hiện trong hai năm qua”. Giáo sư Janice Fine chuyên ngành quan hệ lao động tại Đại học Rutgers, New Jersey, cho rằng đây là sự thức tỉnh của những công đoàn lao động như SEIU. Bà phân tích: “Các phong trào lao động từ lâu đã không còn hướng tới những người lao động ở tầng lớp nghèo khó cỡ này. Nó không còn được vinh danh vì đại diện cho những người lao động lương thấp. Và SEIU nhận ra rằng nếu họ không thay đổi bầu không khí, phong trào lao động sẽ tan biến”. SEIU cũng chính là nhà tài trợ lớn nhất cho phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” trước đây. Công đoàn này là một trong những tổ chức ủng hộ Đảng Dân chủ mạnh nhất cả nước. Năm 2008, SEIU dành 28 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Barack Obama. Với 94 năm tuổi đời, tổ chức này có nguồn tài chính mạnh, cơ sở ở khắp các địa phương tại nước Mỹ (150 văn phòng) và mỗi năm tiêu tốn từ 300-400 triệu USD cho các hoạt động của mình. ■ Cho tới năm 2014, mức lương tối thiểu 10 USD/giờ thậm chí vẫn là con số của tương lai ở tất cả các bang của nước Mỹ và chỉ được một số bang đưa ra lộ trình vào cuối năm ngoái. Massachusetts quyết liệt nhất với thời hạn cho các chủ hãng là tới năm 2018 sẽ phải tăng lên 11 USD/giờ, trong khi bốn bang khác đặt lộ trình tới năm 2017-2018 sẽ có mức lương hơn 10 USD/giờ. Nhưng người lao động vẫn cương quyết bám chặt lấy con số 15. Tags: Lương tối thiểuCuộc chiến 15 đô la15 đô la
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.