Hoạt động công nghiệp giảm từ đầu năm đến nay khiến lượng CO2 toàn cầu giảm - Ảnh: GETTY IMAGES
Trung Quốc là trung tâm của đại dịch lần này, đồng thời cũng là nước thải ra lượng carbon lớn nhất thế giới.
Theo nghiên cứu của tổ chức khí hậu phi lợi nhuận Carbon Brief, trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, lượng CO2 thải ra môi trường của Trung Quốc giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương giảm 200 triệu tấn).
Hoạt động công nghiệp gián đoạn không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác là nguyên nhân chủ yếu gây suy giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Carbon Brief thống kê, so với cùng kỳ, lượng tiêu thụ than đá cho hoạt động nhiệt than giảm 36%. Lượng than cốc sử dụng giảm 23%, lượng NO2 cho hoạt động vệ tinh giảm 37%, trữ lượng tinh chế dầu giảm 34%.
Ngoài ra nhiều quốc gia cũng đã yêu cầu tránh tụ tập đông người, bên cạnh tâm lý hạn chế ra ngoài trong những ngày này cũng góp phần giảm lượng khí CO2.
Người dân hạn chế ra đường cũng khiến giảm lượng khí nhà kính - Ảnh: GETTY IMAGES
Các buổi họp, hội nghị bị dời lại, hàng loạt những buổi văn nghệ, thời trang, thể thao, hoạt động du lịch buộc tạm dừng cũng hạn chế các chuyến bay, nhất là những chặng xuyên lục địa vốn thải ra nhiều lượng khí nhà kính.
Theo thống kê, hàng chục ngàn chuyến bay trên toàn cầu cũng đã bị hủy từ đầu năm 2020. Carbon Brief ghi nhận trong những ngày dịch COVID-19 vào đỉnh, những chuyến bay cắt giảm làm bớt đến 10% lượng khí nhà kính, và tính trung bình 2 tháng qua giảm 5%.
Theo The Guardian, nếu xu hướng này vẫn duy trì, lần đầu tiên thế giới sẽ giảm carbon kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 diễn ra. Hằng năm khí thải CO2 toàn cầu thường gia tăng khoảng 1%, tương đương 317 triệu tấn.
Ông Rob Jackson - chủ tịch dự án Global Carbon Project - cho rằng giảm khoảng 200 triệu tấn carbon như hiện nay chỉ mang ý nghĩa nhất thời, bởi đằng sau đó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về kinh tế.
Tương tự, bà Corinne Le Quéré - giáo sư khoa học biến đổi khí hậu của ĐH East Anglia (Anh) - nói chính phủ các nước có thể tăng cường hoạt động công nghiệp khi dịch đi qua để bù đắp sự suy giảm đầu năm, nên khó đoán được con số khí thải CO2 tổng trong cả năm 2020 sẽ như thế nào.
Cảnh xe cộ đông đúc đã giảm nhiều, nhất là ở những nước có dịch COVID-19 - Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều nhà khoa học bày tỏ giá như các chính phủ cũng nhanh và mạnh tay với các vấn đề môi trường như công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua thì sẽ rất có lợi cho vấn đề biến đổi khí hậu cũng phức tạp không kém hiện nay.
"Khi những mối đe dọa đến ngay trước mắt, họ mới gấp gáp hành động" - bà Le Quéré nói.
Cơ hội thay đổi thói quen cũng là điều nhiều chuyên gia đề cập, chẳng hạn tăng cường hội họp, giao lưu trực tuyến thay vì hình thức mặt đối mặt nhiều năm qua.
Ông Bill McKibben - nhà hoạt động môi trường người Mỹ - cho biết thói quen của con người chủ yếu là do tâm lý ngại thay đổi.
Cái "cớ" của dịch COVID-19 có thể giúp các cá nhân, tổ chức đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến, qua đó tiết kiệm một khối lượng nhiên liệu đáng kể cho thế giới vì mục tiêu phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận