Phóng to |
Ông Lê Xuân Thành: “Mắc mớ nhất trong quan hệ lao động hiện nay là tiền lương” - Ảnh: Lê Kiên |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu hiện trạng đặc biệt ở VN là “100% các cuộc đình công diễn ra không theo đúng các quy định của pháp luật, nhưng 99% các cuộc đình công đó đem lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động”. Đó là những nội dung thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và quan chức tại hội thảo tham vấn về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) được tổ chức ở Hải Phòng ngày 9-9.
"Lâu nay chúng ta dựa vào mức chi của ngân sách để quy định lương tối thiểu chứ không dựa vào mức sống tối thiểu, vì vậy mức lương tối thiểu rất thấp" Ông Lê Xuân Thành (phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, tiền công) |
Ông Lê Xuân Thành khẳng định vấn đề đáng chú ý nhất khi sửa Bộ luật lao động chính là quan hệ lao động, mà mắc mớ nhất trong quan hệ lao động là tiền lương. “Trong bao năm chúng ta loay hoay mãi mà chưa cải thiện được căn bản chính sách này. Lương tối thiểu quá thấp. Quy định là người lao động được thỏa thuận lương, nhưng hôm nay tôi đang lội ruộng, ngày mai vào nhà máy, biết gì mà thỏa thuận. Ông chủ bảo bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, đến lúc nào ông ấy tăng cho thì cũng biết vậy thôi” - ông Thành giải thích.
Ông Thành chỉ ra hàng loạt vấn đề pháp luật hiện hành chưa làm rõ được: chưa quy định tiêu chuẩn cụ thể về tiền lương (lương tháng, lương ngày, lương giờ); chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn để xác định mức lương tối thiểu và mức lương tối thiểu của người lao động đối với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội; chưa quy định cụ thể cơ chế tư vấn, tham vấn về tiền lương; ý nghĩa của từng loại mức lương tối thiểu chưa được xác định rõ ràng; chưa quy định tiêu chí để phân vùng tiền lương tối thiểu.
Vẫn theo ông Thành, luật cần phải cụ thể, chẳng hạn buộc doanh nghiệp phải công bố rõ ngoài lương chính còn những khoản nào, phụ cấp thế nào, người lao động phấn đấu thế nào thì được tăng lương ra sao...? Chính sách tiền lương của doanh nghiệp hiện nay là mù mờ, không minh bạch và đánh lừa người lao động. Chẳng hạn ký hợp đồng thì lương 2 triệu đồng/tháng, ngoài ra có thêm một loạt phụ cấp khác, nhưng khi vào làm thì các khoản kia rất thấp, hoặc phải dựa trên thời gian lao động ngoài giờ rất căng mới nhận được. Do cơ chế thương lượng, thỏa thuận tiền lương hiện nay không rõ, không có tổ chức đứng ra thỏa thuận nên người lao động chỉ biết chịu thiệt.
Bà Natsu Nogami, chuyên gia tư vấn về pháp luật lao động của Tổ chức Lao động quốc tế, bình luận tiền lương có thể trở thành nguồn cơn của sự tước đoạt nếu không có mức sàn bền vững được đảm bảo cho người lao động dưới hình thức lương tối thiểu. Tiền lương thấp hơn mức người lao động cần để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống tức là đã tước đoạt của người lao động chất lượng cuộc sống. “Những tổ chức mạnh và độc lập của người lao động bên cạnh vai trò của Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách lương trong nền kinh tế thị trường” - bà Nogami gợi ý.
Công đoàn đứng ngoài các cuộc đình công
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết tám tháng đầu năm nay đã xảy ra khoảng 700 cuộc đình công lớn nhỏ trong cả nước, dường như 100% các cuộc đình công này không tuân thủ quy định pháp luật và không có cuộc nào do công đoàn khởi xướng. “Muốn lãnh đạo đình công phải gắn với quyền lợi của người lao động, chứ cán bộ công đoàn ăn lương ông chủ thì lãnh đạo đình công sao được?” - chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Tiến nói.
Theo ông Đặng Đức San, nói là ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì người lao động bầu ra ban đại diện, nhưng không có anh đại diện nào dám xuất hiện vì không có cơ chế bảo vệ họ. Mặc dù vậy thực tế cuộc đình công vẫn có những người đứng lên tổ chức dù họ giấu mặt. “Tất cả cuộc đình công không có người dẫn dắt chính thức nên không thể đi trên đại lộ thênh thang mà phải đi đường ngang, đường tắt” - ông San bình luận.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động - cho biết quan sát các cuộc đình công thấy có những thủ lĩnh thật, dám đứng ra tổ chức cuộc đình công và sau đó họ “biến mất” khi cuộc đình công đã hoàn thành. “Như vậy, hiện nay người có tư cách chính thức đại diện cho người lao động (công đoàn) nhưng lại không thực chất, trong khi những hoạt động thực chất lại thuộc về người không có tư cách chính thức. Công đoàn chỉ thật sự là đại diện khi họ là của người lao động, vì người lao động và do người lao động bầu ra” - ông Cường khẳng định.
Lý giải thêm nguyên nhân của đình công, ông San nói rằng chỉ khi đi vào khu công nghiệp, vào từng nhà ở của người lao động mới thấy được cuộc sống khó khăn của họ. Cho nên chính sách tiền lương đang là nguyên nhân số 1 của đình công, tiếp đến mới là các nguyên nhân khác như ý thức của người sử dụng lao động (chỉ quan tâm đến lợi nhuận), ý thức của người lao động (kém hiểu biết pháp luật, ý thức kỷ luật, manh động)...
Ông San cho rằng vấn đề đình công là vấn đề kinh tế - xã hội có tính tổng hợp, vì vậy kể cả khi sửa luật mà không giải quyết đồng bộ các yếu tố khác thì đình công vẫn cứ diễn ra phức tạp. “80% đình công có nguyên nhân từ lương, vậy phải sửa chính sách lương. Gần như tất cả cuộc đình công không phải do công đoàn lãnh đạo, vì vậy phải sửa quy định về tổ chức đại diện cho người lao động chứ” - ông San đề nghị.
Ông Cường kiến nghị cần có cơ chế để tìm và xây dựng những người lãnh đạo đình công thực chất trong thực tế thành cán bộ công đoàn và có cơ chế bảo vệ họ. Cạnh đó, cần xây dựng thiết chế hỗ trợ và trung gian hòa giải ở cấp tỉnh, huyện thành cơ chế thường trực cho hai bên trong quá trình đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước, giải quyết tranh chấp đình công. Phương án này sẽ làm quá trình giải quyết đình công tự phát trở thành đúng luật hơn thay cho các phương án “sáng tạo” không theo quy định nào của pháp luật về đình công như hiện nay.
Khi nào công bố lương tối thiểu? “Kinh nghiệm các nước lương tối thiểu được xây dựng và công bố trên cơ sở nào? Vừa rồi tôi đi khảo sát thì doanh nghiệp kêu rằng Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu trước lộ trình đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh của họ. Họ nói đã tính toán chi phí giá thành, quỹ lương từ đầu năm nên bây giờ phải tính lại thì rất khó” - ông Bùi Sỹ Lợi hỏi. Ông Lê Xuân Thành đáp: “Các nước hình thành cơ chế đàm phán thương lượng về tiền lương giữa ba bên: chính phủ, đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động, sau đó chính phủ công bố tiền lương tối thiểu. Còn thời điểm công bố tiền lương tối thiểu là vấn đề khó. Nếu kinh tế vĩ mô không ổn định thì phải điều chỉnh tiền lương tối thiểu liên tục. Các nước công bố dựa trên cơ sở chỉ số tăng giá. Chẳng hạn như khi CPI tăng thêm 5% thì doanh nghiệp phải công bố tăng lương tối thiểu, CPI tăng 10% thì chính phủ công bố tăng lương tối thiểu. Chứ chúng ta cứ đặt ra lộ trình một năm, ba năm công bố một lần là thiếu cơ sở”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận