Mới đây vào ngày 12-8, Bộ Chính trị có kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Một lần nữa niềm hy vọng mới lại được nhen lên.
Nghị quyết vướng... nghị quyết
Vấn đề cải tiến lương nhà giáo từng được nhiều lần đề xuất đưa vào luật - Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 và dự thảo Luật Nhà giáo - nhưng đều gặp những vướng mắc trong việc hướng đến mục tiêu lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương.
Lương đội ngũ nhà giáo hiện nay đã được Nhà nước ưu đãi nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn thấp, đặc biệt là chưa tạo động lực để giữ chân nhà giáo gắn bó với nghề nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ôngVũ Minh Đức, cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết trong những năm qua Bộ GD-ĐT đã kết hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nhằm hiện thực hóa chủ trương "lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp".
Việc đề xuất về lương nhà giáo căn cứ vào nghị quyết 27 của trung ương quy định lương trong hệ thống hành chính sự nghiệp và nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đề xuất lương nhà giáo xếp theo vị trí việc làm phù hợp với đặc điểm lao động của nhà giáo.
Bên cạnh lương, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Trong dự thảo Luật Nhà giáo, bộ đã đề xuất mức phụ cấp theo nghề chiếm 35% tổng quỹ lương cơ bản của toàn ngành và phân bổ theo các nhóm khác nhau tùy theo đặc thù công việc cụ thể và nơi công tác.
Bộ cũng đề xuất các chế độ phụ cấp phù hợp với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên với mong muốn giáo viên làm việc ở các xã biên giới, hải đảo được hưởng mức lương tương đương với lực lượng vũ trang công tác tại địa bàn này.
Trong định hướng cải tiến tiền lương nhà giáo, chỉ có một vấn đề Bộ GD-ĐT trăn trở là nếu thực hiện nghị định 27 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên (một trong hai loại phụ cấp hiện áp dụng). Việc này sẽ khiến một bộ phận nhà giáo có thâm niên công tác tâm tư.
Nhưng nhìn về tổng thể thì thu nhập nhà giáo nói chung khả quan và khích lệ nhà giáo gắn bó với nghề hơn.
Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật Nhà giáo chưa trình Quốc hội để thông qua. Trong khi đó, theo một số chuyên gia giáo dục, nghị quyết 27 quy định lương trong hệ thống hành chính sự nghiệp như nhau nên khó có thể thực hiện lương nhà giáo xếp cao nhất trong thang bảng lương như dự thảo Luật Nhà giáo.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng muốn thực hiện được việc lương nhà giáo xếp cao nhất trong thang bảng lương và rút ngắn quá trình hiện thực hóa thì cần xây dựng một nghị quyết riêng về lương nhà giáo.
Nhiều giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024, cả nước có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Trong đó, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non là 1.600 người. Tính từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc và chuyển việc, riêng năm học 2022 - 2023 có 12.090 giáo viên.
Thu nhập thấp, bấp bênh là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề và tình trạng này tăng cao rõ rệt vào những năm xảy ra đại dịch Covid-19.
Sau năm 2026 sẽ trình bảng lương, phụ cấp mới
Theo điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng kể từ ngày 1-7-2024, lương giáo viên trong khoảng 4,9 - 15,87 triệu đồng.
Lương mới cao hơn mức cũ khoảng từ 1,13 - 3,7 triệu đồng. Dù chưa chạm đến mục tiêu "lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương" nhưng điều chỉnh tăng lương cơ bản cũng là yếu tố khích lệ nhà giáo.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nhận định chính sách tiền lương đối với nhà giáo được nêu trong nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên sau 11 năm, đến nay chủ trương vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai. Suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ có thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.
Theo bà Ánh, thực tế hiện nay chế độ tiền lương và mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.
Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.
Bên cạnh đó, nhân viên trường học là một bộ phận thường chiếm tỉ lệ ít hơn 10% tổng biên chế của trường học nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường.
Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo dù làm cùng một ngành. Hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.
"Bộ Chính trị đã có kết luận 91 nêu rõ việc thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Đồng thời trong dự thảo Luật Nhà giáo cũng nêu rõ nội dung này. Do đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới đây khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và kết luận của Bộ Chính trị về lương và phụ cấp nhà giáo và có các chính sách ưu tiên cho các nhân viên trường học" - bà Ánh nói.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời ý kiến của cử tri Lâm Đồng liên quan đảm bảo chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên... để giáo viên yên tâm công tác, hạn chế bỏ nghề.
Theo Bộ Nội vụ, từ ngày 1-7-2024 đã điều chỉnh tiền lương khu vực công theo nghị định 73 của Chính phủ, nâng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) và thực hiện chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Khi nâng mức lương cơ sở vẫn tiếp tục thực hiện các chế độ phụ cấp hiện hành, trong đó có phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Trong quá trình thực hiện các chế độ phụ cấp, nhất là chế độ phụ cấp thâm niên nghề, nếu phát sinh bất hợp lý, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bộ cũng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện các bảng lương và các chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo nghị quyết 27 cho phù hợp để trình trung ương xem xét sau năm 2026 theo yêu cầu tại kết luận 83 của Bộ Chính trị.
Hồi đó lương giáo viên cao thứ hai
Tôi tốt nghiệp ngành toán Trường đại học Sài Gòn (nay là Trường đại học Sư phạm TP.HCM) năm 1967 và được điều về giảng dạy tại Trường trung học công lập Vĩnh Bình (tỉnh Trà Vinh) từ đó đến năm 1979.
Mức lương của thầy giáo mới ra trường của tôi là hơn 7.000 đồng với chỉ số 470 - bằng hơn 2 lượng vàng (thời ấy vàng chỉ có 3.000 đồng/lượng). Mức lương này cao thứ nhì trong thang bảng lương của Nhà nước, chỉ đứng sau bác sĩ.
Sau đó cứ 2 năm chúng tôi được tăng lương một lần, mỗi lần tăng 20 chỉ số. Đến lần tăng lương thứ ba trở đi thì tăng 40 chỉ số.
Với mức lương như trên, chúng tôi nuôi được cả gia đình. Hồi ấy nhà tôi ở Mỹ Tho nên tôi ở nhờ nhà bà con tại Trà Vinh để đi dạy. Mỗi tháng lãnh lương xong, tôi gửi về một phần cho má để nuôi các em, tôi giữ lại một phần và tiêu xài khá thoải mái vì thu nhập cao mà.
Đó là về lương bổng, còn công việc của người thầy giáo chúng tôi hồi ấy cũng nhàn nhã chứ không áp lực tứ phía như giáo viên bây giờ.
Mỗi giáo viên dạy 18 tiết nghĩa vụ/tuần, nếu dạy thêm tiết thì sẽ có thêm thù lao. Hồi ấy cũng có nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên được tự chọn sách để dạy cho học sinh của mình.
Tôi thì không chọn bộ sách nào cả mà tự biên soạn bài dạy dựa trên chương trình mà Bộ Giáo dục đã công bố đầu năm học.
Nói chung hồi đó nghề giáo được trân trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Đi ra ngoài mà nghe mình làm thầy giáo là người dân ngưỡng mộ và kính trọng lắm.
Thầy Trịnh Văn Dĩ (82 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM)
* Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):
Nghiên cứu nâng phụ cấp đặc thù với giáo viên
Để nâng cao tiền lương, thu thập của giáo viên khi chưa cải cách tiền lương thì các cơ quan chức năng nên rà soát, xem xét khi xây dựng Luật Nhà giáo cũng như các quy định khác nhằm đánh giá tác động kỹ lưỡng để có thể nghiên cứu nâng phần phụ cấp đặc thù với giáo viên. Thực tế hiện nay các ngành, lĩnh vực có thu nhập cao là do có phần phụ cấp đặc thù cao, còn lương khi chưa cải cách sẽ rất khó có thể xếp ngoài ngạch bậc theo quy định chung.
Một vấn đề cũng cần nhắc đến đó là dù giáo viên có những đặc thù nhưng khi xem xét tăng lương cho bất cứ một ngành nghề nào cũng cần phải đánh giá tác động rất kỹ trong bối cảnh tổng thể, tương quan chung với các ngành nghề khác cũng như điều kiện thực tế của ngân sách, đất nước.
Cũng cần nói thêm hiện nay do việc thiếu giáo viên nên ở các địa phương vẫn còn rất nhiều giáo viên hợp đồng không chính thức (không phải viên chức). Trong đó có giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng được hưởng chế độ rất thấp, không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được tăng lương theo chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước và không được hưởng tiền đứng lớp... Với những trường hợp này việc chi trả lương và thu nhập sẽ phụ thuộc vào ngân sách các trường, địa phương.
Thời gian tới trong việc cải cách chính sách tiền lương cho giáo viên cũng cần có cơ chế để tính toán cho họ để có mức lương, thu nhập đảm bảo cuộc sống hơn.
Các nước Đông Nam Á tìm giải pháp tăng lương giáo viên
Ở khu vực Đông Nam Á, lương của giáo viên có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Nhiều nước đang thực hiện các biện pháp để cải thiện thu nhập cho giáo viên của mình.
Tại Thái Lan, mức lương giáo viên mỗi tháng hiện dao động 22.000 - 40.000 baht (635 - 1.155 USD/tháng), tùy vào bậc học và địa phương.
Tuy nhiên nhìn chung theo trang AsiaOne, mức lương trung bình của giáo viên Thái Lan cao hơn gấp 1,75 lần so với GDP bình quân đầu người của Thái Lan (6.900 USD/năm). Dù được đánh giá là có chế độ đãi ngộ tốt, Thái Lan vẫn đang có nhu cầu lớn đối với giáo viên tiếng Anh bản ngữ, bao gồm cả trong các trường công lập và tư thục.
Tại Philippines, theo Gulf News, chính phủ nước này đã đặt ra kế hoạch tăng lương cho giáo viên thông qua một sắc lệnh hành pháp. Kế hoạch tăng lương được thực hiện qua bốn giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027.
Mức lương khởi điểm cho giáo viên cấp I là 28.521 PHP mỗi tháng (498 USD/tháng). Mục tiêu của chính phủ là làm cho lương của giáo viên ở khu vực công có thể cạnh tranh hơn so với khu vực tư nhân, đồng thời giảm bớt tác động của chi phí sinh hoạt tăng cao đối với giáo viên trường công lập.
Tại Singapore, chất lượng giáo dục và y tế luôn được đánh giá rất cao. Mức lương cho giáo viên tại Singapore nhận được khá cao so với những quốc gia khác trong khu vực, dao động từ 2.500 - 4.500 USD/tháng. Dù cao so với giáo viên các nước nhưng mức lương vẫn chỉ mới bằng 70 - 80% GDP đầu người tại Singapore vốn nằm trong tốp đầu thế giới (82.000 USD/năm).
Tại Malaysia, mức lương của giáo viên tiểu học trung bình khoảng 3.000 đến 4.000 RM (676 - 902 USD/tháng). Mức lương này không quá cao cũng không quá thấp, xấp xỉ bằng GDP bình quân đầu người tại Malaysia (11.993 USD/năm).
Theo báo cáo về xu hướng tăng lương ở Đông Nam Á năm 2024, Malaysia dự kiến sẽ tăng lương khoảng 5% trong năm nhằm giúp giáo viên cải thiện đời sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận