Ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) - phát biểu tại tọa đàm chiều 10-7 - Ảnh: Đ.BÌNH
Ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) - chua chát nói ra điều này tại tọa đàm về tiền lương tối thiểu, mức sống tối thiểu của người lao động do Tổng LĐLĐ VN tổ chức chiều 10-7.
Theo ông Thọ, số liệu công bố gần đây cho thấy lương tối thiểu hiện đã đảm bảo được gần 95% mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, Viện Công nhân và công đoàn cũng như bản thân ông vẫn thường xuyên xuống các khu công nghiệp có đông người lao động để nắm tình hình, và thấy rằng mức lương tối thiểu, thu nhập của người lao động vẫn còn quá thấp so với nhu cầu và mức sống tối thiểu.
"Thực tế ngay tại khu công nghiệp ở phía Bắc đã xuất hiện những trường hợp nữ công nhân chấp nhận 'bán mình', nhận đẻ thuê với mức thù lao 10.000-12.000USD. Nhiều nữ công nhân hỏi nếu lương 4-5 triệu đồng/tháng, chưa trừ hàng loạt các chi phí sinh hoạt, thì cháu làm đến bao giờ mới tích lũy được cả chục ngàn đôla", nguyên viện trưởng chia sẻ.
Ông Thọ cho rằng các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong đó có Tổng LĐLĐ VN, cần bàn bạc để thống nhất tăng mức lương tối thiểu. "Không chỉ tăng 5-6%, mà lương tối thiểu cần tăng 9-10%. Lương có tăng lên thì người lao động mới không bị tha hóa", ông Thọ nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Thọ, ông Nguyễn Thành Đô - trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP.HCM - cho rằng cách tính lương hiện không minh bạch nên người lao động không biết được cách tính.
"Lương quá thấp nên người lao động ở TP.HCM nếu không làm thêm thì không thể đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân người lao động, chưa nói đến người thân, gia đình họ. Nếu không tăng lương tối thiểu, người lao động không có điều kiện để tái tạo sức lao động, nhiều người ngoài giờ làm sẽ phải đi chạy xe ôm", ông Đô nói.
"Lương thấp, đóng bảo hiểm thấp nên khi nghỉ hưu người lao động cũng chỉ nhận mức lương hưu cực thấp, thấp hơn chuẩn nghèo nên họ lại rơi vào đối tượng bảo trợ xã hội. Cần phải tăng lương 8,1%".
Lương tối thiểu phải đảm bảo mức ăn đủ lượng calo, được sống trong căn phòng đủ các thiết bị tối thiểu chứ không phải ở trong "khu ổ chuột", lương tối thiểu còn phải tính đến cả phần tiết kiệm được mỗi tháng. Lương tối thiểu của Việt Nam phải "bằng chị bằng em" trong khu vực, và trong khu vực thì lương tối thiểu cũng không phải là cao. Lương không đủ sống nên người lao động luôn trong tình trạng tằn tiện chi tiêu, thậm chí vay nợ.
Oxfam Việt Nam
Ông Lê Đình Quảng - phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) - tham luận tại tọa đàm chiều 10-7 - Ảnh: Đ.BÌNH
Ông Lê Đình Quảng - phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - cho biết căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội có những khởi sắc, dự kiến GDP tăng khoảng 7%, CPI tăng khoảng 4% và năng suất lao động tăng khoảng 5%, nên tại phiên họp của Hội đồng tiền lương mới đây, cơ quan này đã đề xuất tăng lương tối thiểu.
Dự kiến mức tăng áp dụng từ 1-1-2020 là 180.000-380.000 đồng (tùy từng vùng) so với lương tối thiểu năm 2019, tức tăng bình quân 8,1%. Hoặc phương án tăng thấp hơn là 160.000-330.000 đồng (tăng 7,06%).
Đại diện Oxfam cho biết tổ chức này cùng Viện Công nhân và công đoàn vừa có khảo sát tại một số doanh nghiệp dệt may tại 5 tỉnh, thành phố thì thấy có đến 70% trong số 160 người được hỏi (công nhân, quản đốc, cán bộ Sở Lao động, thương binh và xã hội) cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt.
23% người cho biết họ "đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ".
Lương không đủ sống nên 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ. Gần 1/3 số công nhân được điều tra cho biết luôn lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe.
Cụ thể, 69% hay bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp, đau đốt sống cổ. 53% không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men, không dám đi khám bệnh mà có bệnh chỉ tự đi mua thuốc ngoài hiệu thuốc.
Đặc biệt, do lương thấp nên gần 10% công nhân bày tỏ khó khăn về quyết định sinh con. 20% không đủ tiền để mua đồ dùng học tập cho con cái (sách, vở, bút chì, bút mực…)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận