Các nhà quản lý đã phân tích thiệt hơn, đưa ra nhiều cảnh báo về thiệt thòi khi rút BHXH một lần, nhưng con số quay lưng với sổ hưu, lương hưu chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mong muốn của những người làm chính sách khi thiết kế một tấm lưới BHXH là đảm bảo đời sống của người lao động sau khi về hưu.
Theo đó, trong 20 năm làm việc, người lao động trích ra một phần thu nhập để đóng BHXH như là "của để dành" để khi không còn làm việc vẫn có khoản lương hưu đảm bảo nhu cầu sống cơ bản cho bản thân và được chăm sóc y tế.
Mong muốn là vậy, nhưng do đời sống trước mắt quá nhiều khó khăn, đa số người lao động vẫn phải chạy ăn từng bữa nên họ không thể nghĩ xa xôi về hàng chục, thậm chí 20 năm sau, với viễn cảnh tuổi già bớt lo toan tiền bạc nhờ một phần lương hưu.
COVID-19, dù Nhà nước có những gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, qua đó gián tiếp hỗ trợ người lao động, nhưng không thể vơi đi những khó khăn tứ bề. Vì thế, họ phải tự xoay trở và "của để dành" từ đóng BHXH được nhắm tới như là "cứu cánh" trước mắt.
Ai cũng biết sẽ là "trái đắng" khi số người không có lương hưu tăng lên. Vậy phải giải quyết câu chuyện này như thế nào? Hệ thống BHXH đã được thiết kế bài bản để tạo ra một lưới an sinh hỗ trợ người dân trong những lúc cấp bách, rủi ro với các chế độ thai sản, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau, chế độ hưu trí, tử tuất...
Năm 2014, Luật BHXH tiếp tục được sửa đổi theo đó siết lại quy định nhận trợ cấp BHXH một lần nhưng rồi đã phải lùi lại theo nguyện vọng của người lao động. Kể từ đó, số lượt người rút BHXH một lần không ngừng tăng lên và ngày càng trẻ hóa.
Hằng năm vẫn có 600.000 - 800.000 lượt người rút ra khỏi hệ thống BHXH. Thống kê từ 2016 - 2022, gần 5,5 triệu lượt người đã rút BHXH một lần. Trung bình cứ 2 người tham gia mới thì có một người rút ra khỏi hệ thống BHXH. Không ít người đã phải cám cảnh thay cho ngành BHXH: đúng là công dã tràng!
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng lương hưu của một bộ phận lớn người lao động còn bèo bọt, vì thế chẳng đủ thuyết phục họ đừng đụng tay đến "của để dành".
Luật hiện nay quy định chủ sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động theo mức tiền lương tiệm cận với thu nhập thực tế, cho phép người lao động có thể có lương hưu đủ sống.
Nhưng đến nay còn bao nhiêu doanh nghiệp, đơn vị vì nhiều lý do vẫn đang đóng BHXH cho người lao động quanh "mức lương cơ bản"?
Nhiều người phải tính toán: lương hưu sau này không đủ để trang trải cuộc sống, chờ đợi 20 năm là quá dài, thôi thì nhận BHXH một lần. Trước mắt có được số tiền để làm ăn, biết đâu lại có cơ hội tích lũy cho bản thân khi về già!
Lương hưu đủ sống là mục tiêu không dễ thực hiện, thậm chí phải mất nhiều năm với rất nhiều nỗ lực. Tựu chung là chúng ta phải phát triển kinh tế tốt hơn, hiệu suất lao động cao hơn, đất nước tích lũy cao hơn...
Nhưng trước mắt cũng phải làm gì đó để ngăn dòng nhận BHXH một lần. Người làm chính sách cần lắng nghe nguyện vọng của người dân, hoàn thiện những quy định còn dang dở trong đó có rút BHXH một lần.
Đồng thời thiết kế chính sách BHXH hấp dẫn hơn, cho người dân có nhiều lựa chọn hơn về thời gian tham gia BHXH để có sổ hưu và sổ hưu đó dần được nâng chất, dần tiến tới đủ sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận