Lương Huệ Trinh: “Tôi không có điều kiện để thay thiết bị mới liên tục. Nhưng tôi cũng nhận ra công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, điều quan trọng vẫn là tư duy của người nghệ sĩ” - Ảnh: NVCC
Nghệ thuật là gương phản chiếu của nghệ sĩ. Đời sống của tôi không phải lúc nào cũng sôi động, nên âm nhạc của tôi trầm và nữ tính. Tôi muốn tạo ra một không gian âm nhạc, chứ không muốn tạo ra những âm thanh đặt cạnh nhau.
Lương Huệ Trinh
Trinh gần như không có những biểu hiện "tôi là nghệ sĩ" thông qua hình thức bên ngoài. Cô thích lặng lẽ quan sát hơn là nói. Trinh dồn sức lực cho thế giới nội tâm, nơi cô tạo không gian âm nhạc mênh mang, bí ẩn của riêng mình.
12 năm theo đuổi bộ môn đàn phím trong Học viện Âm nhạc Việt Nam là quãng thời gian Trinh chỉ biết học, chưa biết nhiều về thế giới âm nhạc bên ngoài.
Năm cuối đại học, thông qua nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, Lương Huệ Trinh biết tới nhạc sĩ âm nhạc đương đại Nguyễn Xuân Sơn (nghệ danh SonX) và cũng là nghệ sĩ chơi bộ gõ truyền thống. Cuộc gặp gỡ này đã giúp Trinh nhận ra con đường tương lai của mình.
Lương Huệ Trinh đang theo đuổi loại hình âm nhạc kể chuyện (Narative), một nhánh của âm nhạc đa phương tiện, rất mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng cốt lõi của cô lại là âm nhạc truyền thống. SonX chính là người thầy đã đưa Lương Huệ Trinh trở về với âm nhạc cổ truyền.
Thuở bé Trinh được nghe cải lương rất nhiều nhưng lớn lên, cũng như bạn bè, cô nghe pop. Cú lội ngược dòng cùng thầy SonX khiến Huệ Trinh nhận ra cô bỏ quên một kho báu.
Lần đầu tiên Lương Huệ Trinh được mời ra nước ngoài biểu diễn là tới Bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải.
"Khi ra nước ngoài biểu diễn, người ta sẽ đòi hỏi ở mình một điều gì đó thật sự đặc biệt. Âm nhạc dân tộc chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho nghệ sĩ Việt Nam. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ quay về với âm nhạc truyền thống. Khi ở trong nước, người ta thường không ý thức được mình có gì, nhưng càng đi ra ngoài sẽ càng thấm thía giá trị văn hóa mình đang có" - Trinh cho biết.
Năm 2015, Lương Huệ Trinh nhận học bổng toàn phần của quỹ trao đổi hàn lâm của Chính phủ Đức để sang Đại học Âm nhạc và kịch nghệ Hamburg (Đức) cho chương trình kỹ thuật sáng tác mới, sau đó làm thạc sĩ chuyên ngành sáng tác đa phương tiện.
"Âm nhạc sáng tác đa phương tiện liên quan chặt chẽ đến công nghệ, khoa học, toán học. Tôi phải học rất nhiều về tần số, âm thanh, cấu trúc của tai, não, âm thanh đi vào tai như thế nào và não sẽ xử lý ra sao. Vài năm gần đây, Đức có nghiên cứu dùng công nghệ phân tích sóng não để làm nhạc. Hồi mới học tôi bị choáng ngợp, ồ người ta đã đi quá xa, quá kinh khủng..." - Lương Huệ Trinh nói.
Trinh đã tốt nghiệp bằng những tác phẩm lấy chất liệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Đó là thứ khiến Trinh trở nên khác biệt trong môi trường đại học nước ngoài có quá nhiều tài năng và giúp cô đạt số điểm tối đa cho tấm bằng thạc sĩ của mình.
"Âm nhạc truyền thống của Việt Nam giúp âm nhạc của tôi có màu sắc riêng" - Trinh cười tự tin.
Các tác phẩm của Lương Huệ Trinh đã được phát trên đài phát thanh, được trình diễn trong các lễ hội âm nhạc ở nhiều nước châu Á và châu Âu. Tháng 3 vừa qua, Huệ Trinh thực hiện đêm diễn Vệt để tri ân thầy SonX. Các tác phẩm là những suy tư về người phụ nữ Việt từ thời phong kiến đến nay, dấu vết của Nho giáo trong tiềm thức của người phụ nữ Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận