"Thế còn Lường Duỳn?".
"Hắn bị bắt hay không là tùy theo cuộc điều tra thứ hai của các nhà chuyên trách. Mà theo ý tôi thì cũng chỉ chiều nay hoặc sáng mai là xong. Tôi đã cho họ biết cả sự thực. Còn mình thì chỉ có việc mau về nhà báo cắm đầu mà viết bài tường thuật... và... đợi đến một vụ án ly kỳ hơn". Ấy là câu nói của chàng Lê Phong - phóng viên cực kỳ nổi tiếng.
Sau vụ án long trời lở đất ấy, độc giả đếm từng ngày một, họ náo nức chờ xem các tài liệu gì sẽ được Lê Phong tiếp tục công bố. Hễ vụ nào do chàng điều tra, nhựt báo Thời Thế bán chạy như tôm tươi. Phen này, cũng thế chăng?
Vâng, họ đã mòn mỏi chờ đợi, nhưng rồi chẳng hề thấy chàng viết thêm bài nào. Lê Phong tịt ngòi vì bị mua chuộc? Lê Phong bị bọn xấu ám hại vì đã dám chơi với lửa? Nào ai có thể trả lời được. Vì lẽ đó, chiều nay, nữ phóng viên Mai Hương đã đến tận tư gia Lê Phong dò hỏi xem sao.
Lúc gặp nhau, Mai Hương nói ngay: "Này, chàng ôi, Lường Duỳn đã bị bắt rồi. Thiên hạ quan tâm dữ lắm, sao không thấy chàng công bố thêm thông tin gì nữa? Chả nhẽ, tài liệu thu thập đã bị đánh cắp?".
Nghe câu nói thảng thốt, thống thiết, tha thiết của Mai Hương, Lê Phong cảm động đến độ không thốt lên lời.
Nàng bèn giục: "Chàng bị áp lực gì? Cứ nói thật ra đi".
Mãi giây lát sau, Lê Phong mới khật khừ: "Sự đời như chiếc lá đa/ Đen như mõm chó, chém cha sự đời".
Mai Hương sững sờ: "Chàng có ấm đầu không đấy?".
Chẳng thèm trả lời, Lê Phong bèn bật laptop và bảo: "Đọc đi". Mai Hương căng mắt theo bài báo Lai rai ngẫm nghĩ chuyện đời:
"Sau Lường Duỳn bị bắt, nhiều đơn vị kinh doanh đã từng trải chiếu hoa mời ông ta đến bèn nghĩ ra một cái trò rất láu cá. Trò gì? Khoan vội bàn đến.
Chỉ nhắc lại rằng, ối dào, ngày chưa xa ấy, lúc gặp nhau, đôi bên luôn tuôn ra dào dạt bao nhiêu lời vàng, ý ngọc. Lường Duỳn nói một lời, chỉ đạo một câu, ngay lập tức cả hội trường cung cúc cúi rạp người mà rền vang lời thưa tiếng dạ. Thưa rồi dạ, dạ rồi thưa cứ nhịp nhàng tân cổ giao duyên.
Đã thế, họ còn nhanh chóng rỉ tai cho cánh báo chí, cơ quan truyền thông vì thông tin, hình ảnh ấy được truyền tải cũng là một cách P.R đánh bóng sang trọng cho thương hiệu kinh doanh của mình.
Đùng một cái, gió đã xoay chiều. Khi truy cập vào trang web của đơn vị kinh tế đó đã thấy bị xóa sạch, hầu như không lưu lại một vết tích nào về việc Lường Duỳn đã từng ghé thăm. Đã thế, có người còn trở mặt mắng rủa sa sả cứ như thể mình chưa hề hưởng ơn mưa móc của Lường Duỳn…".
Đọc đến đây, Mai Hương gật gù: "Chuyện nhỏ như thỏ. Sự thể này phổ biến lắm chàng ôi".
Lê Phong thở dài: "Khi người ta "lên voi" thì xun xoe nịnh bợ, đội lên đầu như thờ ông bà ông vãi nhưng khi họ "xuống chó" thì ngoắt một cái, khinh bỉ còn thua xa con cún. Sự đời lật lọng, tráo trở mạt hạng đến thế là cùng".
Mai Hương mỉm cười: "Lâu nay vẫn thế. Đời phù thịnh chứ ai phù suy bao giờ?".
Ngay cả đồng nghiệp còn phát biểu như thế, Lê Phong cảm thấy cô đơn quá. Bất giác, chàng há miệng thốt ra câu thơ buồn não ruột: "Đắc thời thân thích chen chân đến/ Thất thế hương lân ngoảnh mặt đi/ Thớt có tanh tao ruồi đậu đến/ Ang không mật mỡ kiến bò chi?" (Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm - NXB Văn Học - 1983).
Không đợi chàng ngâm dứt, bỗng đâu, nữ phóng viên xinh đẹp nhất của báo Thời Thế cười phá lên: "Chàng ngốc lắm. Lường Duỳn đã ra trước vành móng ngựa rồi là cơ hội tốt cho khối kẻ cơ hội đấy".
Lê Phong ngạc nhiên: "Cơ hội gì?".
Mai Hương cười giòn tan: "Là chứng tỏ mình trong sạch, không hề có quan hệ, dây mơ rễ má gì với Lường Duỳn cả. Đó là mới là cơ hội tốt để lấy số má về đầu quân cho bên đang thắng thế chứ?".
Bất giác, Lê Phong há mồm gào lên: "Chẳng lẽ tâm tính người Việt ngày càng xấu xa đến thế?" Mai Hương lại cười như nắc nẻ: "Đừng nói thế. Phải gọi là đúng quy trình, chàng ôi’.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận