Kiềm chế bản thân trước "bẫy mua sắm"
Làm marketing tại một công ty thực phẩm, Trần Thị Ngọc Nhi (ở Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thu nhập bình quân mỗi tháng của cô khoảng 8,5 triệu đồng. Thi thoảng cô có thưởng doanh số nếu vượt KPI.
Với mức lương tự nhận là không cao, Nhi nói mình cần thắt chặt chi tiêu. Cô chia thu nhập làm 3 khoản: nhu cầu thiết yếu; nhu cầu không thiết yếu; tiết kiệm. Trong đó, những thứ buộc phải chi hằng tháng như tiền trọ 1,6 triệu đồng (bao gồm điện nước, phòng 3 người), gửi về cho cha mẹ 1 triệu, ăn uống 2,5 triệu, xăng xe 500.000 đồng.
Các khoản có thể cân nhắc như giải trí, cà phê cùng bạn bè, đám tiệc dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng. Mua sắm nhỏ lẻ, đồ dùng cá nhân (chỉ mua những thứ cần thiết) khoảng 500.000 đồng.
Cuối cùng là khoản tiết kiệm. Đây là số tiền còn lại của Nhi sau khi trừ hết các chi phí còn dư khoảng 15%, đôi khi chỉ còn 10% vì phải chi nhiều hơn dự kiến. Khoản tiền này vừa là quỹ khẩn cấp, vừa là khoản đầu tư.
Theo đó, Nhi chia làm hai, một phần giữ trong người phòng rủi ro. Phần khác cô đầu tư nhỏ vào chứng chỉ quỹ, xem như tiền tích cóp lâu dài.
Theo cô gái 27 tuổi, sở dĩ có thể để dành được khoản tiết kiệm ít ỏi với mức lương chỉ nhỉnh 8 triệu, bên cạnh việc tiêu xài căn cơ, biết kiềm chế bản thân khỏi "bẫy mua sắm" thì còn do may mắn là không bị gánh nặng nợ nần.
"Thật sự nếu phải trả nợ hằng tháng, có khi tôi cũng không dư được đồng nào", Nhi nói và cho biết đang trông chờ vào khoản thưởng Tết sắp tới, vì Tết sẽ có nhiều thứ phải chi.
Tiết kiệm vì mục tiêu sớm tự chủ tài chính
Trong khi đó, Hoàng Văn Tùng (ở Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết do ở nhờ nhà người thân nên không tốn tiền thuê trọ, nhưng lại có khoản nợ phải trả hằng tháng.
Tùng làm kế toán với mức lương chưa đến 10 triệu/tháng. Tham khảo một số video về tài chính trên YouTube và dựa theo tình hình của bản thân, Tùng phân bổ chi tiêu theo nguyên tắc 60-20-20.
Sau khi nhận lương, anh lập tức chuyển 20% thu nhập vào tài khoản dành riêng để tiết kiệm dài hạn, thay vì đợi chi tiêu hết còn dư bao nhiêu mới "bỏ ống heo".
"Tôi sợ mình xài mất kiểm soát, nên cứ bỏ vô tiết kiệm trước cho chắc", anh nói. Khoản này Tùng gọi là tiền cưới vợ, sinh con, làm vốn cho tương lai. Nếu không thật sự quá nguy cấp, anh sẽ không đụng vào.
Tiếp đến, chàng trai dành 60% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại, xăng cộ, các chi phí sinh hoạt cơ bản. Tùng cho biết dù không tốn tiền trọ, song hằng tháng vẫn đưa người thân 500.000 đồng, xem như phụ tiền điện nước.
Còn một khoản mà Tùng buộc phải trả định kỳ hằng tháng trong suốt một năm là trả góp nợ thẻ tín dụng cho chiếc xe máy mới mua.
Còn lại, anh chi 20% cho các hoạt động giải trí, nhậu nhẹt, hiếu hỷ, chung quy là khoản chi không thiết yếu. "Nếu tháng nào chi tiêu vượt kế hoạch, tôi cố gắng bù vào tháng kế tiếp", anh nói và hy vọng tương lai có khả năng chăm lo cho gia đình và sớm đạt mục tiêu tự do tài chính.
Ngọc Nhi cho biết mình đi chợ mua thức ăn thường chọn cuối giờ chiều hoặc tối để mua được đồ giảm giá. Trong sinh hoạt hằng ngày, hôm nào xài lố, hôm sau cô tự cắt giảm chi tiêu để bù lại. "Đi cà phê thì tôi không đi những quán quá mắc tiền. Với đám cưới ở TP, nếu xã giao thì tôi bỏ phong bì 700 ngàn, thân hơn thì 1 triệu", cô nói.
Đối với việc mua đồ dùng cá nhân, đồ thiết yếu, Nhi cũng hay săn sale trên một số sàn thương mại điện tử, cô thậm chí còn so sánh giá một món giữa hai sàn. "Đồ rẻ nhưng chất lượng cũng ổn so với số tiền bỏ ra".
Kể cả có điều kiện vẫn cần tiết kiệm
Theo nhiều người trẻ, để có thể tiết kiệm với mức lương chỉ 8 - 9 triệu đồng mỗi tháng, cần xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý để phân bổ các khoản chi. Khi nhìn vào đó có thể biết những khoản nào bắt buộc, cần ưu tiên, khoản nào có thể cắt giảm, đồng thời đặt mục tiêu tiết kiệm được 10 - 20% tháng.
Hơn hết, các bạn trẻ cần kiểm soát bản thân trong việc chi tiêu mua sắm, giải trí, tránh mắc nợ hoặc phải trả nợ quá nhiều.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cũng cho rằng bạn trẻ cần tập kỹ năng quản lý chi tiêu mới có thể dư ra khoản tiết kiệm, thay vì mua sắm vô tội vạ hoặc bị ảnh hưởng tâm lý đám đông dẫn đến chi tiêu mất kiểm soát.
Ông An gợi ý bạn trẻ nên viết ra mục tiêu về tài chính cá nhân, đồng thời xây dựng kế hoạch, quản lý chi tiêu như ghi vào sổ, vào điện thoại/máy tính, dùng app note lại thu chi.
"Với bạn có thói quen chi tiêu chưa hợp lý, nếu không tự kiểm soát được, có thể nhắc nhở mình bằng note trên điện thoại, máy tính, ghi chú ở nơi dễ nhìn thấy, hoặc nhờ người nhà nhắc nhở. Nhìn vào bảng thu chi có thể biết mình có phung phí hay không để có sự điều chỉnh. Kể cả khi có điều kiện, vẫn nên nghĩ đến chuyện tiết kiệm cho bản thân", chuyên gia lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận