Ông Đặng Quang Hợp, chuyên viên cao cấp của Viện Công nhân - công đoàn, cho biết qua khảo sát, lấy 2.000 phiếu từ NLĐ ở 60 DN thì mức lương cơ bản (mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và các khoản phụ cấp) trong DN nhà nước đạt gần 3 triệu đồng/tháng, nhưng lương cơ bản của NLĐ trong DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đạt gần 2,4 triệu đồng.
Tiền lương: chỉ đáp ứng 40-46% chi tiêu
Nếu tính theo ngành nghề, tiền lương thực nhận của NLĐ ở lĩnh vực giao thông, xây dựng đạt 3,53 triệu đồng/người/tháng; cơ khí, điện tử đạt 2,89 triệu đồng; dịch vụ thương mại là 2,78 triệu đồng; chế biến nông, lâm, thủy sản là 2,71 triệu, thấp nhất là da giày chỉ có 2,58 triệu đồng/tháng. Tính về tổng thu nhập thì bình quân NLĐ đạt 3,62 triệu đồng/tháng. Trong đó, lao động trong DN nhà nước có mức thu nhập cao nhất với gần 4,5 triệu đồng/tháng, DN FDI là hơn 3,7 triệu đồng, DN dân doanh 3,48 triệu đồng.
Nghiên cứu của viện cũng tập trung vào khảo sát mức chi tiêu và mức sống tối thiểu của NLĐ tại 60 DN được khảo sát. Kết quả cho thấy chi tiêu của một gia đình NLĐ (ba người) khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Với mức chi tiêu này thì tiền lương tối thiểu theo vùng mới chỉ đáp ứng 40-46% chi tiêu của NLĐ.
Bữa ăn: thấp chất lượng, nghèo dinh dưỡng
Cùng với khảo sát về lương, thu nhập, viện cũng khảo sát thực trạng bữa ăn ca từ 2.000 NLĐ và cán bộ quản lý DN tại 12 tỉnh, thành phố đại diện khắp Bắc - Trung - Nam.
Theo ông Trần Ngọc Ánh - thành viên tổ nghiên cứu, đa số các DN (95%) đã có hỗ trợ tiền ăn ca cho NLĐ với mức bình quân mỗi suất ăn là 13.900 đồng (khoảng 368.000 đồng/tháng), thậm chí có DN nhà nước hỗ trợ đến 16.000 đồng. Tuy nhiên, số DN hỗ trợ toàn bộ bữa ăn chỉ là 75%, vẫn còn 5% DN không hỗ trợ tiền ăn giữa ca. Theo kết quả khảo sát thì có 10,4% NLĐ được hỗ trợ một nửa tiền ăn ca với mức trung bình là 8.000 đồng, thậm chí có nhiều DN chỉ hỗ trợ 5.000 đồng, còn lại NLĐ phải tự góp. Về lượng bữa ăn, NLĐ trong DN FDI và công ty cổ phần phải ăn uống kham khổ hơn cả.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp FDI bị phàn nàn về bữa ăn mất vệ sinh cao nhất, chiếm tới hơn 41%, công ty cổ phần là hơn 31%. Ông Trần Ngọc Ánh cho biết theo đánh giá của Viện dinh dưỡng, khẩu phần ăn của NLĐ tại một số khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được gần 90% nhu cầu về năng lượng. Đặc biệt, bữa ăn của NLĐ không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng khi trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% lượng protein, 16% chất béo, còn lại 72% là chất bột (gạo, ngô, khoai).
Tiếp tục bỏ ăn, nghỉ làm vì thức ăn có giòi
Trưa 9-11, hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH Free Well (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) tiếp tục bỏ ăn, bỏ làm việc buổi chiều do thấy trong thức ăn có giòi. Chiều cùng ngày, ông Phan Thanh Dũng, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Phước, đã làm việc với đại diện công nhân, công đoàn công ty, bếp ăn, đồng thời lấy mẫu các loại thức ăn để mang đi kiểm nghiệm. Trong khi đó đại diện Công ty TNHH Free Well cho biết từ ngày 10-11, công nhân tự lo bữa ăn trưa và công ty sẽ trả tiền (một suất ăn tương đương 15.000 đồng). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận