Những căn hộ diện tích nhỏ, giá không quá cao được nhiều bạn trẻ tìm kiếm khi muốn tìm nơi an cư ở Sài Gòn - Ảnh minh họa: GIA TIẾN
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, độc giả Nhiên Vân (TP.HCM) cho biết, khi xác định có một chỗ ở là quan trọng nhất, cô đã phải bỏ qua rất nhiều tiêu chí khác: không thay xe, không đổi điện thoại...
Cô viết: "Tôi đã xem việc mua được nhà là thành quả lớn nhất của đời mình. Nó chứa đựng tất cả công khó nhọc, sự kiên trì, ý nguyện, niềm tin cùng cả thời gian tôi đeo đuổi. Khi có được rồi, mặc dù nhà còn trống, chưa sắm sửa nội thất, nhưng tôi vẫn cảm thấy sướng vui, thấy mình may mắn biết bao trong số bao nhiêu con người lao động đang chen chân trong thành phố này.
Tôi thật lòng động viên những người trẻ, những người "tự thân vận động" khao khát có nhà, hãy xác lập sớm nhất có thể kế hoạch tài chính, tích tiểu thành đại. Thận trọng cần thiết, song cũng cần nắm bắt cơ hội, để mua được một chỗ ở vừa ý, nhưng không làm cho bản thân bị áp lực, quá tải".
Kinh nghiệp của Nhiên Vân là chỉ xúc tiến việc mua nhà khi đã tích cóp được một khoản tối thiểu tương đương 30% giá trị căn nhà muốn mua, rồi chỉ chấp nhận khoản nợ ngân hàng tối đa là 50% thì dù thu nhập chỉ ở mức 10 triệu đồng, việc "liệu cơm gắp mắm" là hoàn toàn có thể.
Chuyên gia khuyên gì?
Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến - Chủ tịch Trí Tri Group, dựa trên sự tích lũy, biết kiểm soát chi tiêu hợp lý, độ tuổi nào cũng có thể nghĩ đến chuyện mua nhà. Người trẻ cũng không ngoại lệ.
ThS xã hội học Lê Minh Tiến - giảng viên trường Đại học Mở TP.HCM, phân tích: "Suy nghĩ phải có căn nhà, mong muốn đời sống vật chất tốt hơn là điều bình thường ở người trẻ, đặc biệt là người sống ở đô thị. Tâm lý chung của xã hội thường nghĩ đến chuyện an cư lạc nghiệp cũng vô tình đặt áp lực lên vai người trẻ phải sớm có chỗ ở".
Thực tế, với thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng, chi tiêu tiết kiệm, có một ít tiền để dành khoảng vài trăm triệu đồng và vay thêm ngân hàng, bạn trẻ có thể nghĩ đến việc mua căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ về số tiền mình có thể vay được sau khi chứng minh thu nhập, thời hạn vay, số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi mỗi tháng có chiếm quá nhiều trong tiền lương hay không.
Tiền lương còn để chi trả những nhu cầu khác của đời sống. Nếu mức vay ngân hàng là 70% giá trị căn hộ, người vay cần cân nhắc kỹ, nên vay ít hơn và đảm bảo khả năng chi trả, vì số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi sẽ là áp lực lớn.
Còn đối với những người chưa có số tiền tích lũy đủ lớn để mua trọn căn hộ hoặc mua trả góp, những người mới ra trường... cần nghĩ đến chuyện chi tiêu, dành dụm hợp lý. Ông Lý Trường Chiến nói: "Bạn trẻ có thể tham khảo nguyên tắc sáu chiếc hũ (JARS) để cân nhắc số tiền dành cho chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm dài hạn, chi tiêu cho mục đích giáo dục đào tạo, hưởng thụ, cho đi, quỹ tự do tài chính".
Nguyên tắc phân chia thu nhập theo 6 chiếc lọ - Ảnh: Reading Graphics. Việt hóa: THÚY NGUYỄN
Theo ông Chiến, khi mới ra trường, bạn trẻ nên cân nhắc giữa việc mải miết kiếm tiền để sau này có tài sản giá trị như căn hộ, với chuyện học tập nâng cao trình độ để tìm một công việc ở nơi có chính sách đãi ngộ tốt. Bạn trẻ nên tìm hiểu, chọn những công ty tạo điều kiện cho mình làm việc và được đào tạo thêm về nghiệp vụ, tay nghề.
Bên cạnh đó, nếu mua căn hộ trả góp và vẫn có nguồn tiền để ở trọ, có thể nghĩ đến chuyện đầu tư cho thuê căn hộ để trả tiền vay ngân hàng mỗi tháng. "Tuy nhiên người mua cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ, vì nếu đầu tư vào căn hộ ở khu vực khó cho thuê sẽ không sinh lời" - ông Chiến nói.
Về kế hoạch mua nhà của người trẻ, ThS Tiến nhấn mạnh mục tiêu này nên là mục tiêu dài hạn, đặt trong một quá trình lâu dài và chia nhỏ, để biết rõ bản thân phải làm gì trên từng đoạn đường đạt tới mục tiêu đó.
Ngoài ra, đầu tư cho việc học cũng là một cách đầu tư thông minh. "Đừng xem nhẹ việc học tập, trau dồi kiến thức. Xã hội luôn biến đổi đòi hỏi phải cập nhật tri thức để phù hợp yêu cầu của công việc, đời sống. Không nên nghĩ chỉ cần chăm chỉ làm việc mà bỏ quên việc nâng cao trình độ" - ThS Tiến khuyên.
"Có nhiều người thích trải nghiệm, sinh sống ở nhiều nơi, trong những không gian khác nhau để làm phong phú cuộc sống. Vì vậy, bạn trẻ cũng nên suy nghĩ về tính cần thiết của việc sở hữu nhà, có nhất thiết phải có một căn nhà với đời sống ổn định mãi hay không" - ThS Tiến nói.
Mua nhà nên là mục tiêu dài hạn của người trẻ - Ảnh minh họa: GIA TIẾN
Người trẻ Tokyo mua nhà trả góp
Chị Ino Mayu (44 tuổi, thạc sĩ ngành Đông Nam Á học tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo), người thành lập tổ chức Seed to Table hỗ trợ nông dân Việt Nam làm nông nghiệp sạch) chia sẻ, ở thành phố Tokyo quê hương chị, người trẻ cũng có áp lực về chuyện mua nhà, nhưng không quá nặng nề.
Họ có thể vay ngân hàng và trả góp trong hạn tối đa 30 năm, dựa trên mức thu nhập. Tuy nhiên, Tokyo cũng có tình trạng doanh nghiệp không tuyển nhân viên chính thức, dẫn đến mức thu nhập của bạn trẻ có nguy cơ giảm đi hoặc sống với mức thu nhập thấp.
Chi phí thuê trọ ở Tokyo vào khoảng 600 - 1000 USD/tháng, bằng 1/3 hoặc 1/4 thu nhập trung bình. Theo quan sát của chị Ino, tuỳ điều kiện tài chính mà người sống ở Tokyo mua căn hộ trong độ tuổi 30 đến 45. Bản thân chị không đặt nặng chuyện mua nhà khi còn trẻ, nếu đủ điều kiện sẽ mua và "nếu không thì từ từ tính".
"Quan trọng là sống vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau, không nặng nề quá về tiền bạc. Như vậy sẽ mang lại cho mình nhiều thứ hơn là vật chất", chị Ino chia sẻ sau hơn 20 năm sống ở Việt Nam.
Theo ThS Lê Minh Tiến, ở góc độ chính sách xã hội, nhà quản lý cần có chính sách về lương phù hợp hơn. Chính sách tiền lương, mức lương căn bản cần sát sao với từng trình độ của người lao động.
Bên cạnh đó, về chính sách vay ngân hàng, nhà quản lý cần có sự can thiệp để mức trả lãi ngân hàng của người vay nhẹ nhàng hơn. Muốn được như vậy, phía ngân hàng phải được nhà quản lý ưu đãi để có thể đưa ra phương cách cho vay tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận