12/01/2023 10:28 GMT+7

Luôn có ai đó để cửa chờ mình

Mâm cúng ông bà ngày Tết của chúng tôi ngoài bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua... như bao gia đình khác thì đặc biệt còn có thêm món cá lóc nướng trui. Nội tôi nói để nhắc nhớ cái ngày ông Ba tụi bây trở về nhà.

Luôn có ai đó để cửa chờ mình - Ảnh 1.

Ông nội tôi và những người em cả đời gắn bó yêu thương nhau

Ký ức tôi cho tới bây giờ vẫn lưu giữ hình ảnh ông nội mặc áo bà ba trắng, gương mặt thành kính phả khói hương lung linh, miệng lâm râm van vái. Bên ngoài thềm đầy xác pháo, bông mai, bông vạn thọ rung rinh trong ánh nắng hươm vàng của ngày đầu xuân. 

Ông nội nhắc chuyện về ông Ba bằng chất giọng trầm trầm, cao hứng lại còn đệm vào mấy câu ca cổ. Làn hơi ngắn, lắm lúc đứt quãng vì tuổi tác làm cho câu vọng cổ không mượt mà nhưng lại đậm tình, đậm hồn.

Ông Ba là em cùng cha khác mẹ với ông nội tôi. Ông thời trẻ tính khí phóng túng, ưa rong ruổi, ham hát xướng, đọc truyện Tàu lại mê cái chất hào sảng của các anh hùng hảo hán nên trong cư xử thường ngày hay vướng thị phi. 

Ông cố tôi là một lão nông tính khí nóng nảy, mỗi lần việc tới tai là cứ vác hèo mà phang, rồi một ngày cấm cửa đuổi đi. Ông nội lẻn rượt theo ông Ba, mắng thêm mấy câu rồi nhét túi cho vài cắc bạc. 

Ông Ba đi ba đồng bảy đổi lâu lâu ghé về, nằm trên cái võng treo ngoài hè vừa đưa cọt kẹt vừa hát "Tình anh bán chiếu" nghe thiệt là mùi. Ông cố nằm trong nhà thao thức tay gác lên trán, rồi lò dò kéo nhẹ cái chốt cửa. Cái cửa để hờ cả đêm mà ông Ba đâu có hay.

Có bận, hai anh em hẹn nhau theo một người chú họ đi buôn bán lư đồng. Lư đèn lấy ở Chợ Lớn rồi dong ghe xuống miệt lục tỉnh, len lỏi qua từng con rạch, từng xóm nhà, lời cũng khá. Biết đâu "chú Ba nó phen này bắt bén tu tỉnh mần ăn".

Vậy mà một bữa, ông nội thức dậy không thấy em đâu, cho tới xế trưa, giở cái bình trà mới thấy tờ giấy vấn thuốc nằm ở dưới. 

"Anh dìa nói lại cha, tui đi theo ghe hát. Tui cúi đầu tạ tội với cha má. Đi lần này biết đâu được nổi danh cho cha má nở mày nở mặt, nhất định không làm thứ đá cá lăn dưa phá làng phá xóm. Ký tên. Ba".

Ông nội chèo ghe ngược nước, ngó quanh ngó quất không thấy có chiếc ghe gánh hát nào, rồi ngẫm nghĩ, ông lại thả xuôi chèo. Chú nó đã quyết thì thôi, cầu trời cho chú chân cứng đá mềm, toại lòng mong ước.

Bao nhiêu năm trời ông Ba sống cuộc đời phiêu bạt, không hay thời gian đã làm ra bao nhiêu thay đổi. Ông cố nhiều đêm thức giấc, cái cửa để hờ, cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay chưa một lần gặp lại con... 

Vài người kể có gặp ông Ba làm hậu đài trong một gánh hát, kiêm thêm mấy vai hát dàn bao. Người nói ông có vợ là một cô đào nhì và được một đứa con gái. Mấy năm chiến tranh loạn lạc, ông nội cùng những anh em khác bồng trống vợ con ra nội đô kiếm việc, nhà bỏ không, coi như không còn tin tức gì.

Cho đến một ngày, đó chính xác là ngày mồng tám Tết. Trên sân ngôi nhà xưa vẫn còn lưu một chút vết dấu của mùa xuân. Những cánh mai tàn rụng, những cánh mai muộn màng sót lại trên cành vội vàng xòe cánh. 

Cái tĩn nước mắm úp ngược trên một chạc cây trước cổng để trừ tà dấu vôi trắng vẫn còn mới... Quen thuộc đến nghẹn lòng để bàn chân người tha hương bỗng ngập ngừng, khóe mắt rưng rưng.

Ông Ba đã trở về. Người gầy ốm tiều tụy, râu ria tua tủa, ánh mắt không còn cái hăm hở của tuổi trẻ ngày nào. Ông kể đủ chuyện, chuyện ghe hát bị nạn, chuyện ly tán, chuyện một anh kép hát rong ruổi khắp nẻo đường, sống với đủ thứ nghề cốt đi tìm tin tức vợ con. 

Anh ngồi ca bên đường, người ta tưởng anh điên, thật lòng anh cũng muốn điên thật để không phải tin cái tin vợ con anh thật ra đã mất... Rồi ông Ba khóc như đứa con nít, sụp lạy trước bàn thờ cha má.

Từ hôm đó, ông ở lại nhà ông nội sớm tối vác cuốc ra đồng. Chiều về nướng con cá lóc dầm nước mắm, anh em nhâm nhi. Rượu vào, ông lại ca vọng cổ, giọng ca nghe buồn nẫu ruột. Một khúc "Tống tửu Đơn Hùng Tín" vừa hùng lại vừa bi. "Dạ thưa Đơn nhị ca, còn đây là ly rượu thứ nhì. Em kính tặng anh là một đấng anh tài..." .

Hát rồi cười khanh khách, rồi "trót" một ly. "Tánh tôi xưa ưa bay nhảy, ở đâu cũng kể là nhà, giờ già hai thứ tóc trên đầu, tôi mới nhận ra thật sự tôi chỉ có hai nơi, sân khấu coi như gắn với cái nghiệp của tôi, ở đó tôi thấy tự do sung sướng nhứt, và một nơi mà tôi từ lâu đã trót quên đứt, thật ra mới chính là chỗ nương tựa, làm dịu cho mọi khổ đau, đó là mái nhà cha sanh mẹ đẻ của mình. Sao tôi không biết cha đêm nào cũng để cửa chờ tôi!? Tội tôi nặng lắm! 

Có lần tôi mò về nhưng ngó thấy cỏ mọc lút sân, tôi đã nghĩ mình không còn nhà nữa... Sau này tui có đi trước anh, anh nhớ ngày nướng con cá tràu với xị rượu kêu tui dìa nghen!".

Rồi ông ra đi vào một sớm vì bệnh lao trở nặng. Chúng tôi lớn lên đã thấy ở gian trái nhà ông nội có cái bàn thờ nhỏ, đơn sơ với chỉ một cái lư hương và một chồng những cuốn truyện Tàu giấy đã ố vàng.

Nhà tôi xưa có cái radio hát pin, mỗi trưa đài lại phát cải lương. Ông nội nói: "Chú Ba nó dìa mà nghe cải lương nè!". Đài truyền hình thành phố mỗi dịp Tết thường phát cải lương vào ban ngày. Ông nội lại bật cái tivi đen trắng cũ kỹ lên. Cây nhang thắp trên bàn thờ ông Ba lập lòe hồi lâu rồi cuốn tàn thành một vòng tròn.

Câu chuyện về người ông quá cố đã xưa lắm rồi. Vậy nhưng món cá lóc nướng trui, những bài ca cổ vào mỗi dịp Tết vẫn mãi nhắc nhớ chúng tôi bài học thấm thía về tình thân. Khi chúng ta lưu lạc đâu đó, hãy nhớ rằng luôn có ai đó đang để cửa chờ mình.

Cảm ơn 170 bạn đọc đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút..., gửi về địa chỉ email [email protected]. Giải thưởng Về nhà: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 15 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

Luôn có ai đó để cửa chờ mình - Ảnh 2.

Tính đến ngày 12-1, cuộc thi đã nhận được hơn 170 bài dự thi. Cảm ơn các bạn:

phanh dang, loan nguyen, Nguyễn Hà Tiên, Trang Nguyễn Thị Thùy, thai hoang, Thu Hien, Chung Thanh Huy, ngoc thach, Mỹ Châu Nguyễn Thị, Nguyễn Tấn Lộc, Thu Vũ, Tanthoi Le, tam tranvan, Hiển Bùi, Tuan Bui thanh, Dương Lê Đức, Bình Nguyễn Thanh, TCKT_ To Uyen-SPC, Phương Thảo Nguyễn, Lê Thảo, Ngọc Dung Huỳnh, Hiếu Nguyễn Văn, Hiếu Nguyễn, Nguyễn Thị Diệu Phước, Lê Quốc Kỳ, Trang Chu, Xuân Nguyễn Duy, Hương Giang Nguyễn Thị, Hiệp Trinh, Chí Nguyên Trần, Hà Thu, Tha Trương, Nhu Tran, Thảo Nguyễn Hoàng, Quoi Tran, Trisha Võ, Nhung Mai, Dũng Mai Đức, Pham Trang, Thương Hoàng, Can Dung, Thanh Lê, Thị Tâm Nguyễn, Đào Nguyễn, Minh Huyền Vũ Thị, Long Trieu, Nga Cao, 32.Trần Khánh Vy FK9, Nẻo Về Thiện Lành, Em Nguyên, Nhung Lê Thị, Bích Hà, Lê Minh Hải PT, Nguyễn Oanh, Hà Trần, Thảo Nguyễn Hoàng, cương kim, Đinh Trung, MAP MINH, Thành Đồng Nguyễn, Kim Hà Trần, Nguyễn Quốc Vỹ, Lê Văn Lượng, Da Nguyen, Trần Minh Hợp, huu nhan nguyen, Thảo Nguyễn Hoàng, Trần Hiếu Nguyễn, luan van, Quang Ngo, Văn Lộc, Đạt Nguyễn Huỳnh, Thi Tâm Nguyen, Toản Cao Ngọc, Thanh Le, niem duong, Nha Cao Hồng, Hậu Nguyễn, Ngọc Thủy Nguyễn, trâm trần, huong 04 dang, trầm trần, Út Nguyễn, Chót Nguyễn, Thương Hoàng, Nguyễn Phương Hồng Ngọc, Minh Anh Trần Lê, Lê Đình Trung, Văn Bích Ngô, Ly Phuong Thanh, the khai tran, Lynxes Ngoại Ngữ, Anh Hậu, thành bùi mạnh, Minh Út Nguyễn, mỹ liên phạm, Như Hiền, Nguyễn Lan Hương, Nguyen Hang, Thị Tâm Nguyễn, Quân Ngô, Trần Thị Thảo Nguyên, Thao Nguyen Tran Diep, Thanh Tran, Duy Hoàng Khánh, Nguyễn Nguyễn, Giang Phạm, Hằng Nga, Thư Nguyễn, nghi huy, My Nguyễn, Trần, Hà, Phạm Tử Văn, Nhien Nguyen Boi...

BAN TỔ CHỨC

Tết này tôi đã có chốn đi vềTết này tôi đã có chốn đi về

Vậy là thêm một mùa xuân nữa, cái Tết thứ ba tôi phải xa nhà. Trời Paris âm độ, công việc bệnh viện vẫn nhịp nhàng, mọi người vẫn thản nhiên... Phải rồi, chỉ có tôi thôi, người con Việt xa quê lòng bồi hồi, nhớ nhung ngày Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên