Nhiều cô gái trẻ giờ cũng đi lượm ve chai để đợi việc
Mẹ con tôi nhận đủ ba đợt trợ cấp 4,5 triệu đồng ở phường Bình Trị Đông B, Bình Tân và thỉnh thoảng được cho thêm túi mì, gạo, rau quả. Nhưng tôi vẫn mừng khi lại được đi kiếm sống, mình đâu thể trông đợi giúp đỡ mãi.
Chị Trần Thị Nết
Gần 5 tháng luẩn quẩn trong phòng trọ với con trai, chị Trần Thị Nết đi lượm ve chai trở lại. Không có tivi, điện thoại thông minh, nguồn tin của chị chính là những người đồng cảnh ở trọ gần bên.
Ngày thấy họ mon men xách bao đi ra, chị cũng vừa mừng vừa phập phồng đi theo.
Đó là câu chuyện của mẹ con chị Trần Thị Nết đang thuê trọ ở hẻm 575/9 tỉnh lộ 10 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM). Chị kể những ngày tháng 10 này, đại lý phế liệu mua vào rẻ hẳn vì nhiều ve chai quá, nhưng chị vẫn rất vui.
"Tôi được đi làm, được kiếm sống là mừng rồi. Chẳng lẽ cứ trông chờ từ thiện" - chị Nết tâm sự.
Mừng vì lại được đi kiếm sống
Hồi chưa cấm bán vé số vì bùng dịch, chị Nết còn tranh thủ vừa lượm ve chai vừa cầm xấp vé số bán kiếm thêm chút tiền nuôi con. Nhưng những ngày này, chị chỉ cầm mỗi cái bao đi lượm tìm những thứ người ta vứt bỏ.
Số tiền chị kiếm được chưa bằng một nửa trước đây, với hôm may mắn nhất chỉ ngót nghét 100.000 - 200.000 đồng nhưng dù sao vẫn đỡ hơn bốn tháng không có đồng nào. Con trai chị mới 8 tuổi, cứ bệnh suốt. Chị cần tiền để mua chút thức ăn tươi bồi dưỡng cho con.
"Hồi đầu tháng 10, tụi tui mới ra lượm ve chai trở lại cũng đỡ được mấy hôm. Bởi suốt mấy tháng phong tỏa, phế liệu dồn ứ. Nhưng vài hôm sau thì khan hiếm hẳn, có buổi tui đi mỏi chân không kiếm nổi 20.000 đồng. Người đâu ra cầm bọc nhiều quá" - chị Nết cho biết thêm mưu sinh ở TP cả chục năm, chưa khi nào thấy nhiều người đi lượm ve chai như bây giờ.
Nhiều thùng rác người này vừa thọc tay vào, lại tới người khác. Chỉ trong vài giờ buổi tối, có thùng rác có hàng chục người bới lượm. Bạn bè ở chung xóm trọ với chị Nết từng đi phụ hồ, rửa chén ở quán hay bán vé số… cũng chuyển sang cầm bọc ve chai.
Theo chị, lý do thứ nhất là hồi đầu tháng 10, họ thấy những người làm nghề này "sống được" vì nhiều ve chai nên bắt chước theo.
Lý do thứ hai là một số công việc, quán xá nơi họ làm chưa hoạt động lại, nên họ tranh thủ tạm đi lượm ve chai, "ai ngờ lượm rác riết thành quen tay làm luôn".
Chị Trần Thị Nết nói không thể trông đợi từ thiện mãi - Ảnh: MẠNH DŨNG
Những "tân binh" ve chai
Tối 20-10, khi chị Nết vội về với con cũng là lúc ba người phụ nữ ở phòng trọ gần đó tranh thủ đi làm thêm "ca hai" ở vỉa hè. Che mặt kín sau lớp khẩu trang nhưng chỉ nghe giọng họ nói chuyện với nhau, tôi cũng biết họ còn rất trẻ, trong đó có cô chắc chưa ngoài 20 tuổi.
Quan sát kiểu quần áo họ mặc cũng như cách lượm lặt còn lóng ngóng cũng biết ngay là "tân binh" trong đội quân ve chai.
Cả ba người chỉ có một chiếc xe máy, nên hai cô phải đi bộ. Tôi lặng lẽ theo quan sát cô gái mặc áo đỏ dáng vẻ còn rất trẻ, tay cầm cái bao to tướng, cặm cụi bới các thùng rác mà không để ý người xung quanh.
Vừa lượm lặt xong thùng rác này, cô lại rảo vội qua các thùng khác để tìm vỏ lon, thùng giấy vứt đi. Nhà ai đó vừa uống bia vứt thùng vỏ lon ra ngoài, cô gái mừng rỡ đi vội đến vì sợ người khác nhanh chân hơn.
Nỗi lo đó của cô có cơ sở. Tôi đi sau lưng cô chỉ khoảng 30 phút đã thấy hơn chục "đồng nghiệp" của cô ngược xuôi qua lại. Nhiều người đi xe đạp, một vài người đi xe máy cà tàng với mấy cái bao lớn đeo trên thanh chằng phía sau nhưng nhiều nhất vẫn là những người đi bộ.
Lát sau ba cô gái tụm nhau lại ở một góc đường. Cô có vẻ lớn tuổi nhất, kiểu là đàn chị nói hai cô kia nhanh chân ra hướng chợ Cây Da Sà (phường An Lạc A, quận Bình Tân) đang có nhiều rác thải.
Chỉ nghe lời họ nói chuyện qua lại, tôi cũng đoán biết họ làm công nhân nhà máy nào đó và chưa đi làm lại.
Làm tạm để đợi việc
Những ngày ghi nhận cảnh đời mưu sinh bên đường này, đi đến đâu tôi cũng chứng kiến người đi lượm ve chai ngược xuôi trên các đường phố.
Họ có mặt suốt 24/24 giờ nhưng thường đông nhất là khoảng từ tối đến 1h - 2h sáng hôm sau, thời gian người dân bỏ rác ngoài thùng để sáng sớm xe rác đến lấy.
Tối 21-10, ở góc đường Hậu Giang giáp Nguyễn Văn Luông, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thìn lụi cụi mò mẫm thùng rác ướt nhẹp vì mưa. Người mẹ không mắc cỡ khi người khác hỏi chuyện, nhưng cô con gái chừng đôi mươi thì ngại ngùng chỉ lắc hoặc gật với những câu hỏi của tôi.
Bà Thìn đã 56 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, dẫn con trai và con gái vào Nam mưu sinh mới được nửa năm thì bắt đầu dịch xảy ra từ năm 2020.
Người con trai 23 tuổi xin được chân bảo vệ một nhà hàng karaoke lớn ở quận 7, chưa lãnh lương được tháng thứ 3 thì phải nghỉ dịch hết đợt này đến đợt kia.
"Đợt dịch thứ tư này nó nghỉ mỏi xương luôn, năm tháng rồi vẫn chưa biết bao giờ làm lại nữa. Quán xá hát hò này chắc chỉ được mở sau cùng" - bà Thìn tâm sự.
Cô con gái út của bà năm nay 19 tuổi cũng đang mất việc đầu đời ở phòng gym bên quận 7. Cô xin làm lao công lương cũng đủ sống nhưng thất nghiệp suốt năm tháng qua, chưa kể mấy đợt liên miên trước đó. Hai người con giờ cùng đi lượm ve chai với mẹ. Con trai cứng cáp tự đi riêng. Cô con gái còn nhút nhát nên phải đi theo mẹ. Con lượm thùng rác này, mẹ bới thùng rác kia.
"Nếu nói đủ sống thì ba mẹ con chăm chỉ nhặt ve chai mỗi ngày hơn mươi tiếng cũng kiếm đủ tiền ăn uống, phòng trọ. Nhưng hai đứa còn trẻ, đâu thể còng lưng với thùng rác mãi" - bà Thìn cho biết và nói thêm hiện ba mẹ con mỗi ngày cố gắng rong ruổi nhặt ve chai cũng kiếm được khoảng 500.000 - 600.000 đồng, những ngày đầu tháng 10 mới ra nhặt lại thì được khoảng 700.000 - 800.000 đồng. Tuy nhiên, bà khẳng định chỉ cho con làm tạm để cầm cự đợi việc ở TP.
"Tụi nó còn trẻ, còn khát khao được đi làm. Tôi tin việc sẽ sớm cần người thôi. Làm gì có cơn bão nào mà không đến hồi tan" - bà Thìn tâm sự.
Thỉnh thoảng người lượm ve chai rất vui vì được ai đó cho đồ
Mong con út sớm có việc ổn định
Chiều 21-10, trong con hẻm nhỏ đường Âu Cơ, quận Tân Bình, tôi bắt gặp hai vợ chồng ông Trần Văn Được đạp xe ba gác chở nhau đi lượm rác trong màn mưa chạy cơn, lúc tạnh lúc nặng hạt.
Ông Được bị hư một mắt, còn người vợ bị tai biến yếu nửa bên người. Chỉ cho tôi xem bao ve chai mới đầy phân nửa, ông Được nói đó là thành quả lọm khọm từ trưa đến giờ. Còn mớ ve chai họ lượm hồi đêm đã bán cho vựa phế thải được 210.000 đồng.
"Nếu bao này mà đầy và may mắn được thêm mớ vỏ lon, chắc cũng kiếm thêm được năm, bảy chục ngàn" - ông Được nói.
Hỏi sao ông không đi một mình để người vợ ốm yếu ở nhà, ông Được trả lời bà cứ đòi theo, "ở nhà một mình, bả than buồn bực chứ đi lượm đồ dơ cực thấy mồ". Gia đình ông Được từ tỉnh Hậu Giang lên TP.HCM mưu sinh đã gần 20 năm nhưng vẫn ở nhà trọ.
Ba người con của ông cũng đi lượm ve chai từ đầu tháng 10, giờ hai người đã đi làm công nhân trở lại. Một người còn thất nghiệp, đang đi lượm ve chai quanh các nhà máy ở Bình Chánh.
"Ở TP này, lượm lặt ve chai cũng tạm đủ miếng cơm manh áo. Nhưng lứa tụi tui lớn tuổi thì đi làm cũng đặng qua ngày. Hổng lẽ sắp nhỏ cũng lụi cụi cúi mặt vào thùng rác hết đời" - ông Trần Văn Được tâm sự thêm đang mong đứa con út nhặt ve chai sẽ sớm có công việc ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận