Phóng to |
Họ loay hoay ở “bến cũ”, thèm thuồng nhìn cảnh người khác một mình tung tẩy, nhưng lại không dám dứt khoát hành động để “đổi đời”...
Tiếc công “xây thành đắp lũy”
Quen nhau từ hồi học chung cấp III, Thu Ngọc và Bảo Sơn (đều 25 tuổi, Q.1, TP.HCM) từng là “cặp đôi hoàn hảo” trong mắt nhiều người. Đều tốt nghiệp đại học loại giỏi, có công việc lương cao, ngoại hình bắt mắt... cả hai luôn tin “mình sinh ra là để cho nhau”.
“Mối quan hệ chỉ căng thẳng từ khi cả hai đi làm. Anh muốn tôi bỏ công việc hiện tại với lý do tôi đi công tác nước ngoài quá nhiều. Tôi son phấn chút đỉnh cũng bị anh nghi ngờ này nọ” - Thu Ngọc tâm sự. Ngược lại, Ngọc cũng không chấp nhận việc Sơn an phận tới mức không chịu đi học nâng cao, suốt ngày chỉ bia bọt.
Cái tôi quá cao khiến khoảng cách giữa hai bên ngày một xa, gặp nhau là có chuyện, Sơn và Ngọc toan chia tay nhiều lần. “Nói vậy chứ thật lòng khó làm được. Uổng công bao năm quen biết, gầy dựng quan hệ, huống hồ công việc cứ ào ào đến. Giờ nghĩ tới chuyện bắt đầu lại mối quan hệ khác là thấy oải” - Thu Ngọc nói.
Hoàn cảnh của Tú Trung (30 tuổi, giảng viên đại học) cũng trớ trêu không kém. “Học xong đại học tại Mỹ, nàng bảo muốn học tiếp lên thạc sĩ, rồi sau đó lại thỏ thẻ muốn ở lại làm việc một thời gian. Tám năm qua, mỗi năm cả hai chỉ “tay bắt mặt mừng” được một tháng, còn chủ yếu là “gặp” trên Skype, Facebook... dù tôi đã góp ý nhiều lần” - Trung thở dài. Vì sao không tìm người mới khi bản thân đã chán chê chờ đợi? “Gia đình hai bên đều biết nhau quá lâu, giờ mà nói chia tay chỉ sợ mọi người bị sốc. Thôi thì cứ hi vọng nàng bay nhảy chán sẽ quay về” - Tú Trung giải thích việc luôn lắc đầu trước những lời mai mối từ đồng nghiệp.
Quang Vinh (29 tuổi, kiến trúc sư) lại quyết định tiến tới hôn nhân với người yêu dẫu cả hai thường xuyên khắc khẩu. “Cha mẹ đã lớn tuổi, tôi cũng muốn chóng ổn định để họ sớm có cháu bồng, còn bản thân lấy thời gian lo chuyện khác”. Vinh nuôi niềm tin cưới nhau rồi thì mọi vấn đề sẽ dần ổn thỏa.
Được gì khi “cố đấm ăn xôi”?
Chia tay hay níu kéo? Theo thạc sĩ Trần Thị Ngọc Nhờ, trước khi quyết định chia tay, các bạn trẻ cần lưu ý những điểm sau: Khi phát hiện những mâu thuẫn phát sinh, cả hai phải xem lại vấn đề xuất phát từ ai, từ đâu, từ cả hai phía hay chỉ một. Cần chủ động nói lên những điều bản thân nghĩ. Cả hai nên dành một khoảng “tạm dừng” (có thể là tạm thời không gặp nhau một thời gian) để suy xét tất cả. Đây là khoảng thời gian quan trọng để đánh giá tình yêu của hai người, vướng mắc của nhau... từ đó đưa ra quyết định phù hợp cuối cùng. Đừng e ngại việc khởi động lại một mối quan hệ khác, bởi hôn nhân là điều ảnh hưởng tới hạnh phúc cả đời người. |
Còn Bảo Sơn không giấu được sự dằn vặt: “Bây giờ thời gian đi chơi giữa hai đứa nhạt nhẽo lắm. Cô ấy ngày một sắc sảo, nổi bật hơn so với tôi. Những câu nói bông đùa, lời khen hoa mỹ ngày xưa của tôi dần trở nên vô duyên”. Một mặt, Sơn luôn nơm nớp lo sợ bị mất Ngọc, nhưng mặt khác Sơn cũng mệt mỏi với mối quan hệ này. Dẫu vậy, Sơn khẳng định chia tay là điều sẽ không xảy ra, vì rất khó để kiếm ai hoàn hảo như người hiện tại.
“Thực chất giữa hai con người luôn tồn tại những điều khác biệt ngay cả khi được cho là rất tâm đầu ý hợp” - đó là khẳng định của thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (Đại học KHXH&NV TP.HCM).
Theo thạc sĩ Nhờ, tình yêu thật sự sẽ khiến hai bên chấp nhận nhau - cả mặt trái của đối tác - như một lẽ tự nhiên. Còn ngược lại thì giữa hai người - dẫu hợp nhau đến đâu - sẽ luôn tồn tại sự đối kháng, kỳ vọng rồi lại thất vọng lẫn nhau.
Do đó, thạc sĩ Nhờ cho rằng trước hôn nhân nếu đã phát hiện cả hai không thể hòa hợp thì nên chia tay sớm, bởi khả năng hòa hợp sau hôn nhân là rất thấp.
Nếu vẫn “cố đấm ăn xôi”? Thạc sĩ Nhờ cho rằng đây là trường hợp giống như bệnh nhân bị ung thư nhưng từ chối quá trình điều trị đau đớn để lấy lại cơ thể khỏe mạnh, chấp nhận việc cái chết chắc chắn đến. “Không những mất đi chính mình mà bạn còn khiến người yêu luôn mệt mỏi, khổ đau với mối quan hệ vật vờ cùng năm tháng. Từ miễn cưỡng dẫn tới việc chán ghét, phản bội lẫn nhau là điều dễ hiểu” - thạc sĩ Nhờ đúc kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận