08/09/2018 09:12 GMT+7

Lười vận động thành 'đại dịch'

D.THANH - T.LŨY -T.DƯƠNG - L.ANH - Đ.LUÂN - D.NGUYỄN
D.THANH - T.LŨY -T.DƯƠNG - L.ANH - Đ.LUÂN - D.NGUYỄN

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát cảnh báo lười vận động đã thành 'đại dịch', với khoảng 1/3 phụ nữ và 1/4 nam giới toàn cầu hiện đang không tập luyện đủ mức cần thiết để tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh tật.

Lười vận động thành đại dịch - Ảnh 1.

Những nơi giới trẻ thường xuyên đến vào buổi sáng là quán cà phê. Ảnh chụp tại một quán cà phê ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Tại Việt Nam, thực trạng giới trẻ khá nhiều, trong đó tập trung nhiều ở nhóm người đi làm, thanh niên và cả trẻ em. Trẻ béo phì tăng, người mắc bệnh đái tháo đường tăng nhanh…

Sáng cà phê, chiều nhậu

Không chỉ ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội mà cả ở các tỉnh không khó để nhận thấy rằng vào buổi sáng ở nhiều đô thị miền Trung như Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa)…, những người trẻ tuổi dậy muộn thường ra quán cà phê ngồi tụ tập rôm rả, còn số người đi tập thể dục "áp đảo" lại là những người tuổi trung niên trở lên.

Chiều đến đêm, lại có rất nhiều "nhậu sĩ" trẻ tuổi ngồi à ơi trong các quán nhậu từ bình dân đến cao cấp.

Ở nhiều địa phương miền Tây Nam Bộ, chỉ cần quan sát một vòng ở các khu đô thị vào buổi chiều tối, sẽ thấy các quán nhậu nườm nượp người trẻ; ở nông thôn thì tụ tập nhau nhậu nhẹt và hát karaoke… rất hiếm thấy bóng dáng người trẻ ở các sân tập thể thao hay công viên.

H.N., 28 tuổi, nhân viên một công ty xăng dầu (ngụ ở Cái Răng, TP Cần Thơ), cho biết ngày nào cũng vậy, hễ cứ sau giờ tan ca trực là anh nhắn tin rủ rê bạn bè đi… nhậu. 

Hỏi lý do sao nhậu nhiều vậy, N. than: "Chứ thời gian rảnh biết làm gì đây, chưa có gia đình, về nhà thì nằm chèo queo buồn lắm nên tìm bạn làm vài chai cho vui".

Dạo một vòng các công viên trung tâm của TP Cần Thơ cũng chỉ thấy toàn người lớn tuổi đi bộ, tập thể dục buổi sáng và tối.

Trẻ em TP ngày càng ít vận động

Một nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy thời gian tĩnh tại của trẻ em TP đang gia tăng nhanh, đặc biệt là ở các bé trai do các cháu thích chơi game nhiều…

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết nghiên cứu về thừa cân, béo phì ở học sinh ba cấp tại TP.HCM cho thấy năm 2009 tỉ lệ béo phì là 4% thì đến năm 2014 lên đến 19%.

Có hai nguyên nhân chính khiến trẻ bị béo phì là do ăn uống không hợp lý (ăn quá nhiều năng lượng, ăn nhiều chất béo, chất đạm, ăn ít chất xơ, uống nhiều nước ngọt, các loại thực phẩm có nhiều đường) và ít vận động.

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy một thực tế những trường học có sân trường càng chật thì tỉ lệ học sinh trong trường bị béo phì càng cao. Một trong những lý do gây ra tình trạng này là do sân trường chật, học sinh không hoạt động thể lực được.

Nhiều bác sĩ phân tích trẻ em TP hiện thiếu chỗ để vận động. Trẻ em TP thường sống trong những ngôi nhà phố, bước chân ra ngoài đã là hẻm, đường sá xe cộ đi lại nhiều nên rất khó tìm được nơi để vui đùa, chạy nhảy, đi bộ.

Trẻ đi học hay tan học thường được cha mẹ chở bằng xe máy, xe hơi. Trẻ học cả ngày ở trường nhưng thời gian hoạt động thể lực trong trường không nhiều, một số trường không có chỗ để trẻ chạy nhảy.

Về đến nhà nhiều trẻ bắt đầu xem tivi, cầm iPad, xem điện thoại…, ít trẻ làm việc nhà giúp cha mẹ. Ăn tối xong, trẻ lại ngồi vào học. Nhiều trường hợp sau giờ học chính khóa trên lớp, trẻ lại phải đến lớp học thêm.

Gia tăng bệnh mãn tính vì lười vận động

BS Phan Nam Hùng (phó trưởng khoa nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) cho biết: "Lười vận động sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh rất nguy hiểm. Bây giờ có nhiều người béo bụng vì ngồi lâu, không vận động.

Tăng ký nhiều sẽ xuất hiện các bệnh như rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn đường huyết, tim mạch, tăng huyết áp, nội tiết.

Tại Việt Nam, tình trạng trẻ hóa bệnh tăng huyết áp trên bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên đang ở mức báo động. Nếu năm 1981 số người từ 18 tuổi trở lên bị bệnh tăng huyết áp là 11,2%, năm 2000 là 16,7%, đến năm 2016 là 25,2% và mới đây nhất đã lên đến gần 40%".

Theo PGS Lê Bạch Mai - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cha mẹ e ngại cho con ra đường tập thể thao vì lo không an toàn, vì vậy trẻ dành nhiều thời gian cho mạng xã hội.

GS Thái Hồng Quang, chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, cho biết số mắc đái tháo đường ở Việt Nam tăng nhanh, có xu hướng tăng chưa dừng lại, ở khắp các vùng miền, ở cả nam và nữ.

"Nghiên cứu năm 1991 cho thấy tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên ở Hà Nội mắc đái tháo đường là 1,1%, tỉ lệ tương ứng tại TPHCM năm 1993 là trên 2,5%, nhưng điều tra mới đây của Bệnh viện Nội tiết T.Ư trên toàn quốc, người mắc đái tháo đường đã tăng lên trên 5,5% người trưởng thành toàn quốc"- GS Quang cho hay.

Theo GS Quang, ít vận động thể lực, ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ ăn đồ uống ngọt đưa đến tình trạng kháng insulin, đây là nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường type 2 ở giới trẻ.

Thiếu vận động đang là vấn nạn mà ngành y tế đang rất lo ngại do những hệ lụy tới sức khỏe người dân. Theo khảo sát công bố năm 2016, 1/3 người Việt đang không đảm bảo thời gian vận động (ở cường độ trung bình) như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tức là tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.

Nhiều nơi nữ lười vận động hơn nam

longson-baria-vungtau(32ab 3(read-only)

Một chầu nhậu - Ảnh: T.T.D.

Theo Đài CNN, báo cáo công bố ngày 4-9 trên tạp chí Lancet Global Health của WHO cho thấy xu hướng thiếu vận động thể chất trên toàn cầu đang ngày càng tệ hơn.

Hơn 1/4 người trưởng thành, tương đương khoảng 1,4 tỉ dân toàn cầu, đã không vận động đủ trong năm 2016.

Ngoại trừ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tại các khu vực khác trên thế giới phụ nữ lười vận động hơn nam giới.

Theo WHO, kể từ năm 2001, mức độ vận động thể thao của người dân toàn cầu đã không cải thiện, chưa kể là tại các nước phát triển, trong giai đoạn 2001-2016, tỉ lệ không vận động đã tăng 5%.

Ông Walter R. Thompson, giáo sư Đại học bang Georgia, cho rằng điểm quan trọng nhất của nghiên cứu mới công bố của WHO là nó cho thấy "thiếu vận động thể chất là một đại dịch và đó không phải là đặc trưng của các nước thu nhập thấp hay thu nhập cao".

Giải pháp nào?

Theo khuyến nghị của WHO, mức độ vận động được khuyến nghị với người trưởng thành mỗi tuần là ít nhất 150 phút vận động cường độ trung bình hoặc 75 phút tập luyện cường độ cao.

Những người không đáp ứng mức vận động này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người vận động đủ, ở các bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2, mất trí nhớ và một số bệnh ung thư.

BS Phan Nam Hùng cho rằng chỉ cần năng tập thể dục, điều chỉnh lối sống lành mạnh, ăn uống giảm thịt và mỡ béo thì những rối loạn tăng huyết áp, tăng đường máu sẽ giải quyết được.

GS Thái Hồng Quang khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhanh, đồ ngọt, tăng cường vận động, "chơi" phải có các trò vận động.

Theo BS Ngọc Diệp, trẻ em cần được vận động trên 2 giờ đồng hồ mỗi ngày và được ngồi tĩnh tại như xem tivi, iPad… không quá 2 giờ mỗi ngày.

Theo các bác sĩ, để trẻ có thể vận động trên 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, các bậc cha mẹ cùng trẻ sắp xếp thời gian cho trẻ đi bộ, chơi những môn thể thao…

Trẻ ở độ tuổi lớn hơn có thể hướng dẫn cho trẻ tự đi bộ đến trường, đi xe đạp. Khi trẻ về đến nhà nên hướng dẫn trẻ giúp cha mẹ các công việc nhà như lau nhà, nấu ăn… Hạn chế trang bị cho trẻ những thiết bị thông minh.

Đủ lý do để... lười vận động

TTO - Khi được hỏi có tham gia tập các môn thể dục ở cường độ cao hay không, có đến gần 70% người Việt cho biết không tham gia.

D.THANH - T.LŨY -T.DƯƠNG - L.ANH - Đ.LUÂN - D.NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên