Một nhóm nhà nghiên cứu và nhà sản xuất từ Đại học Salford và CBBC đã tiếp xúc, trò chuyện cùng 300 học sinh từ 9-14 tuổi, đang sinh sống tại Anh, để tìm hiểu cách họ đối phó với tin tức giả mạo trong cuộc sống hàng ngày, và ảnh hưởng trong quá trình người trẻ trưởng thành.
Thời đại công nghệ phát triển vừa là sức mạnh vừa tạo rào cản trong việc tìm hiểu thông tin của người trẻ - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Tin giả tràn lan
Nếu thanh thiếu niên không thể tin những gì mình đang tiếp nhận là đúng, dần dần, niềm tin bị xói mòn, thậm chí ngừng tin tưởng bất cứ điều gì.
Về lâu dài, những tin sai sự thật khiến người trẻ không quan tâm đến việc tham gia vào các cuộc tranh luận lớn về vấn đề chính trị, văn hóa và xã hội nơi mình đang sống.
Có nhiều loại tin giả mạo, tin nhảm: từ các câu chuyện thực sự vô lý và không có bằng chứng, dễ dàng nhận dạng là tin giả mạo, tới các loại thông tin sai lệch tinh vi hơn và khó phát hiện hơn.
Các loại bài này thường được trình bày dưới hình thức bài xã luận, quảng cáo hoặc tin nóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Những câu chuyện này có thể không vô lý tới mức lộ liễu, nhưng mô tả sự việc không xác thực 100%, hay những hình ảnh gây hiểu nhầm để cố tình bóp méo sự thật.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng người trẻ rất cần các công cụ giúp họ điều hướng nguồn tin khách quan, đúng sự thật trên các phương tiện xã hội.
Trên hết, thanh thiếu niên cần có sự tin tưởng vào những gì họ nghe thấy, nhìn thấy xung quanh.
Mẹo và công cụ lọc thông tin
Trong thế giới kỹ thuật số, điện thoại thông minh như tiếp thêm sức mạnh cho quyền lực, sức mạnh của đôi tay, đôi mắt, đôi tai và bộ não con người.
Nhưng mặt trái của nó là làm người ta mắc kẹt trong màn sương mù thông tin không rõ ràng.
Vẫn luôn có nhiều cách để người trẻ có thể phân biệt được tin tức thực, chính xác và tin giả mạo.
Tìm hiểu về nguồn thông tin
Đầu tiên, bạn hãy nhìn vào cách trình bày bài viết. Một bài viết đáng tin cậy sẽ có hình ảnh rõ ràng, văn bản không sai lỗi chính tả, văn phong, diễn đạt tốt, tiết chế ngôn ngữ phóng đại. Nếu bạn vẫn không chắc chắn về trang web mình đang truy cập, hãy tiếp tục nhấp vào mục giới thiệu trang web để hiểu rõ hơn về hoạt động, lịch sử hình thành, phát triển của trang đó.
Thông tin tác giả
Để kiểm tra xem thông tin có chính xác, đáng tin cậy hay không, bạn hãy tìm những bài viết khác của tác giả này và những trang web họ điều hành. Nếu bạn thấy thông tin về tác giả mập mờ, không có bài viết nào khác, hoặc họ viết cho các trang web không đáng tin cậy, hãy suy nghĩ kỹ.
Liên kết bài viết
Chúng ta nên kiểm tra xem bài viết có chứa nguồn tham khảo và liên kết đến các địa chỉ trang web nào khác hay không. Nếu có, bạn nên nhấp vào các liên kết trong bài viết và xem xét độ tin cậy của nguồn thông tin gốc.
Tìm kiếm bằng hình ảnh
Tìm kiếm thông tin thông qua hình ảnh thay vì ngôn ngữ là một công cụ tuyệt vời của Google, cho phép bạn tìm kiếm thông tin qua hình ảnh chứ không phải từ ngữ. Bạn hãy tải lên một hình ảnh vào ứng dụng tìm kiếm lớn nhất thế giới, và bạn sẽ thấy tất cả các trang web khác có hình ảnh tương tự.
Các kết quả tìm kiếm giúp bạn biết các trang web khác đã sử dụng hình ảnh đó theo bối cảnh nào, nội dung xoay quanh nó là gì.
Tham khảo nhiều nguồn chính thống
Hãy xem câu chuyện bạn đang đọc có được chia sẻ trên bất kỳ phương tiện truyền thông, báo chí chính thống nào khác hay không. Nếu có, bạn có thể yên tâm rằng câu chuyện không phải là giả mạo. Các kênh truyền thông này rất cẩn trọng, kiểm tra nguồn thông tin trước khi xuất bản.
Điều quan trọng nhất giúp bạn bị tác động từ tin nhảm là tránh chia sẻ những câu chuyện mà mình không chắc chắn có thật, chính xác.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về độ tin cậy của sự việc, bạn hãy kiên nhẫn thảo luận với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình để tìm hiểu xem họ nghĩ gì, đã biết gì về câu chuyện này.
Hiểu rõ quyền của bản thân
Kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi nói chuyện về tin giả giỏi hơn là phân biệt tin giả - tin thực.
Điều này có nghĩa: nhà trường phải đẩy mạnh việc dạy những người trẻ cách tiếp cận, lựa chọn thông tin xuất hiện trên Internet.
Các bài học phải liên quan tới phương pháp tìm kiếm trên các công cụ trực tuyến, cách kiểm tra độ chân thật của câu chuyện…
Chủ động trong cách kiểm chứng thông tin sẽ giúp bạn kiểm soát lượng tin tức tiếp nhận, và cả những câu chuyện mình chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày. Khi đó, bạn sẽ là những anh hùng biết chiến đấu vì sự thật, vì thông tin khách quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận