03/10/2024 05:45 GMT+7

Lược sừng trâu làng nghề Việt ra chợ quốc tế, cả trăm loại lược cho đủ kiểu tóc

TÂM LÊ
và 1 tác giả khác

Từ chiếc sừng trâu, sừng bò xù xì nhưng khi qua tay thợ lành nghề đã ra những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Chỉ riêng lược cả trăm loại dùng cho tóc thẳng, tóc xoăn; loại răng thưa, răng nhỏ, răng dày và đủ kiểu dáng, hoa văn được bán ra nước ngoài.

Lược sừng trâu làng nghề Việt ra chợ quốc tế, cả trăm loại lược cho đủ kiểu tóc - Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử tại hội chợ “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh” 2024 - Ảnh: Y.TR.

Dự chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM" 2024, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử (64 tuổi) gói va li những chiếc lược sừng từ làng nghề Thụy Ứng, Thường Tín, Hà Nội để giới thiệu với khách. Chỉ vài ngày, lược và các sản phẩm từ sừng đã bán sạch.

"Vâng, là lược sừng thật!"

Dáng nhanh nhẹn, trong gian trưng bày ông Sử luôn nở nụ cười chào khách. Không chỉ khách nữ mà khách nam, cả khách nước ngoài cũng tò mò: "Đúng lược sừng thật không?". Ông Sử dứt khoát: "Vâng, lược sừng thật!". Khách lại hỏi chúng được làm từ chính cái sừng như chiếc sừng mẫu ông treo trên quầy? Ông đáp: "Chính xác. Lược được làm thủ công, qua mấy chục công đoạn mới hoàn thành".

Bày lại sản phẩm cho đẹp mắt, ông Sử kể mình lớn lên bằng nghề lược sừng bốn đời của gia đình. Vợ chồng ông đặt tên xưởng Mười Sử, phát triển nghề lên bậc cao hơn về quy mô, chất lượng lẫn mẫu mã. Và thế hệ con cháu đang kế nghiệp.

Về nghề lược sừng, ông nói cả buổi không biết mệt. "Sừng bò, sừng trâu ngày xưa hiếm lắm. Con trâu là đầu cơ nghiệp nhà nông, chỉ khi già ốm mới làm thịt, tôi phải đi khắp nơi để gom từng chiếc sừng. Nay người ta nuôi thương mại, chỉ cần dặn mối lái là có, thiếu thì nhập sừng bên châu Phi về", ông kể.

Công đoạn làm chiếc lược mới thật kỳ công. Từ sừng thô mộc phải qua hơn 30 bước từ khử mùi, làm mềm bằng dầu lạc, ép phẳng, tạo dáng, cắt răng, mài nhẵn, tạo hoa văn, chùi bụi, chùi bóng...

Lược sừng trâu làng nghề Việt ra chợ quốc tế, cả trăm loại lược cho đủ kiểu tóc - Ảnh 2.

Ông Sử cùng thợ chế tác lược sừng qua nhiều công đoạn - Ảnh Tâm Lê

Bây giờ một số công đoạn nhờ có máy móc hỗ trợ nên đỡ vất vả, còn thuở 9 - 10 tuổi, cậu bé Sử đi học về là phụ kéo cưa "vì thương bố, trẻ con trong làng đều thế cả". Công đoạn nặng nhọc nhất là ép sừng cho phẳng, cưa sừng để tạo hình khối sản phẩm.

Giờ tuổi hưu, ông Sử để các con phụ trách xưởng. Khi có việc quan trọng, cần thì ông giúp. Thi thoảng ông bà đưa nhau tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm - niềm vui đặc biệt dành cho ông.

"Tôi nhớ cảnh mọi người ùa vào gian hàng, trầm trồ về lược sừng. Đó là Năm du lịch Hà Tây 2005, lần đầu tôi được trực tiếp gặp bà con, cảm xúc không quên. Nó thành động lực để tôi sống với nghề bao năm", ông bộc bạch. Những dịp như thế, ông hỏi ý kiến khách về kiểu dáng, hoa văn, màu sắc lược để cải tiến.

Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay

Chúng tôi tìm về làng nghề Thụy Ứng, cách trung tâm Hà Nội chừng 20km, với lịch sử gần 500 năm, thời vua Lê Trung Tông. Trên đường làng những ngôi nhà khang trang. Số gia đình giữ nghề chiếm hơn 60% hộ trong thôn, trở thành điểm du lịch làng nghề.

Để có cơ ngơi hôm nay, vợ chồng ông Sử đã bền bỉ tích góp một đời. "Ban đầu chỉ là cái lán nhỏ, cứ vài năm tôi lại mở rộng thêm chút. Có người trong làng bảo nhà tôi bảy cái nóc vì sân vườn cứ chỗ nào đất nhô lên là tôi lại dựng lán hơn 20m2 để sản xuất. Bây giờ tôi dồn tất cả lại một nóc rồi, thành cái xưởng hai gác", ông vui vẻ giới thiệu.

Lối vào xưởng, sừng to bằng bắp chân xếp đầy gác mái. Bên trong nguyên liệu chật cứng xen lẫn máy móc được cải tiến: máy cắt, máy dập, cưa, mài, vẽ hoa văn...

"Những chiếc máy này chỉ mua mỗi mô tơ thôi, còn lại chúng tôi tự chế theo mục đích sử dụng", ông cho biết và xòe đôi bàn tay chai ráp. Trong hơn 30 công đoạn, ông thuê người làng gia công 10 công đoạn. Riêng cỗ máy cắt hiện đại, cắt đủ loại kích cỡ và hình dáng chỉ cần lập trình sẵn. Con dâu ông đảm nhận vận hành máy.

Ông dẫn chúng tôi xuống một tủ kính giống như bảo tàng đồ nghề gia đình. "Tôi định làm khu trưng bày, khách du lịch ghé tham quan có thể hiểu nghề làm lược thời xưa", ông nói. Ông đã dán chú giải vào từng đồ vật y hệt ở bảo tàng, khu cưa, khu mài, dao kéo, búa tạ... và cả thân gỗ to dùng để ép sừng (công đoạn mệt nhọc nhất).

Sờ lên những thớ gỗ ép sừng mà mình lưu giữ, mắt ông nhòe ướt. Đó là cả tuổi thơ và đời nghề. "Thời đó nóng nực chưa có quạt điện, tôi đứng quạt giấy cho bố. Bố cầm cưa đẩy một mình nặng, tôi ngồi kéo cùng bố. Lúc ép sừng mệt, tôi lại khuân vác, bốc, đỡ phụ bố", ông nhớ lại.

Học hết lớp 7, ông nghỉ. Nhà chín anh chị em, thiếu ăn nhưng bố mẹ không bắt bỏ học mà vì trẻ con ở làng thích theo nghề. 17 tuổi, Sử nhảy xe lên Hà Nội đi bán lược. Thời ngăn sông cấm chợ, nhà làm được vài trăm cái lược, ông lại chạy tắt đường đồng ra bến xe từ 4h - 5h sáng lên chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hôm, chiều lại nhảy tàu điện ra bến xe về.

Một năm sau, ông nhập ngũ, đóng quân ở vùng biên giới phía Bắc. Năm 1983 ra quân, chàng trai trở về làng thử sức vài nghề khác nhưng không hứng thú.

Lược sừng trâu làng nghề Việt ra chợ quốc tế, cả trăm loại lược cho đủ kiểu tóc - Ảnh 3.

Sản phẩm lược sừng đang được hoàn thành - Ảnh: T.L.

Đưa sản phẩm truyền thống xuất ngoại

"Tôi nhận ra làng mình có nghề hay, tại sao mình không làm. Ông bà nói làm gì cũng cần có nghề trong tay để sống. Tôi nhảy tàu đi khắp Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An thu mua sừng, buôn thêm cả da trâu, da bò về bán. Thời mở cửa tự do buôn bán, tôi thỏa sức tung hoành", ông hào hứng kể.

Là nhà sản xuất, xưởng mỹ nghệ Mười Sử tập trung đa dạng hóa mẫu mã, thiết kế tinh xảo để thu hút các nhà buôn lớn. Ông Sử trực tiếp đưa sản phẩm giới thiệu ở các hội chợ Á, Âu. Con trai học ngoại ngữ, làm trang web hai thứ tiếng, bán hàng trên kênh thương mại Amazon.

Lược sừng trâu làng nghề Việt ra chợ quốc tế, cả trăm loại lược cho đủ kiểu tóc - Ảnh 4.

Sản phẩm lược sừng Việt Nam được bán trên trang mạng Amazon

Ông có ba người con (hai trai, một gái) đã tốt nghiệp đại học và đều về nối nghiệp. Ngoài lược sừng, các con làm thêm dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, đồ trang sức, mỹ nghệ từ sừng.

Khoảng 70% sản phẩm xưởng được các nhà buôn, công ty đặt hàng. Gia đình ông còn xây dựng thương hiệu, sản phẩm đóng logo riêng xuất khẩu và phục vụ mảng du lịch làng nghề. Ông tạo điều kiện cho hơn 10 lao động trong xưởng vừa học vừa làm nghề, hàng chục lao động khác được thuê gia công.

Cuối câu chuyện, nghệ nhân chân chất này nói rằng mình biết ơn con trâu con bò một kiếp phục vụ con người, khi chết đi để lại bộ sừng để những người làm nghề như ông biến chúng thành vật làm đẹp cho đời.

"Những năm qua, nghệ nhân Sử đã trực tiếp dạy nghề cho thế hệ trẻ, kinh phí từ Hội Cựu chiến binh xã. Ông cũng tích cực tham gia ban chấp hành hiệp hội du lịch, giới thiệu tinh hoa làng nghề tới du khách thập phương. Mong thế hệ sau cũng đam mê nghề như ông" - ông Nguyễn Xuân Huy, chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Thụy Ứng, cho biết.

Lược sừng trâu ra chợ quốc tế - Ảnh 3.Xơ mướp đi... Tây giá cao không tưởng

Trái mướp giờ không còn bèo bọt trên sạp rau chợ và bị giễu 'nghèo như xơ mướp' mà đã được nhiều người chuyển sang bán xơ, trở thành sản phẩm handmade thân thiện môi trường, thậm chí xuất đi nước ngoài để thu về đô la.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên