
Wagner và Beethoven sở hữu 2 bản ghi âm nhạc cổ điển top đầu thế giới
Mới đây, tạp chí BBC Music đã mời các nhà phê bình cùng chọn ra 50 bản ghi âm nhạc cổ điển hay nhất mọi thời. Gọi là mọi thời, nhưng kỳ thực chỉ khoảng 140 năm.
Bởi nhạc cổ điển đã có hàng trăm năm nhưng phải mãi đến năm 1888, bản ghi âm đầu tiên của nhạc cổ điển mới được thực hiện, đó là một tác phẩm thanh xướng kịch của Handel mang tên Israel ở Ai Cập.
Vì thế nhạc cổ điển, tuy gọi là cổ điển nhưng những gì khán giả ngày nay được nghe đều là những màn diễn tấu rất hiện đại - sau rốt, chúng ta chẳng ai biết chính xác Chopin đã thể hiện âm nhạc của mình ra sao, chúng ta chỉ có thể nghe qua Maurizio Pollini hay Claudio Arrau.
Với những ai vẫn luôn hỏi muốn tìm hiểu về cổ điển phải bắt đầu từ đâu đây?
Thì bảng xếp hạng của BBC là một bản đồ âm nhạc tinh gọn, với những "địa hình" vô cùng phong phú: những ngọn núi giao hưởng, những khu rừng opera, những đại dương concerto, những dòng suối của nocturne, sonata, etude...; với những "tộc trưởng" của nhạc cổ điển: những Yehudi Mehunin, Martha Argerich, Yevgeny Mravinsky, Glenn Gould, Maria Callas...
Và khác với những thể loại đại chúng nơi người ta thường xuyên đem chính trị, màu da, giới tính vào để chất vấn gu âm nhạc của giới phê bình, cái bảo thủ của nhạc cổ điển, thứ nhạc vốn rất trắng, rất nam tính - có khi lại là điều tốt khi đem phân cao thấp: tiêu chí xếp hạng duy nhất thực sự chỉ là âm nhạc, chẳng bị ảnh hưởng bởi tinh thần "woke", chẳng ai được "cộng điểm" vì đại diện cho nhóm bên lề.
Những lựa chọn đều có vẻ hiển nhiên. Xếp ở hai vị trí cao nhất đều là bản thu của dàn nhạc giao hưởng Vienna, với hai tác phẩm vở opera Chiếc nhẫn của người Nibelung của Wagner và Giao hưởng số 5 - số 7 của Beethoven.
Với vở opera của Wagner, người đứng đầu hãng ghi âm Decca khi ấy đã quyết tâm ghi âm buổi trình diễn như một vở kịch âm thanh, tạo nên một sân khấu vô hình trong tâm trí của những người nghe nhạc và chỉ qua tiếng nhạc mà hình dung ra những khung cảnh trác tuyệt, từng khuôn hình cho câu chuyện đầy chất sử thi về một chiếc nhẫn đã làm tha hóa cả người lẫn thần ra sao, để rồi dẫn đến sự sụp đổ của thánh thần.
Còn với hai bản giao hưởng kinh điển của Beethoven - hai tác phẩm cũng có quá nhiều bản ghi âm vĩ đại: phiên bản tràn trề cảm xúc của nhạc trưởng Leonard Bernstein, phiên bản thanh nhã của nhạc trưởng Claudio Abbado, phiên bản gây choáng ngợp của nhạc trưởng Herbert von Karajan - các nhà phê bình lại lựa chọn phiên bản dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Áo Carlos Kleiber.
Sinh thời, Kleiber rất hiếm khi ghi âm. Là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất của thế kỷ 20 nhưng ông luôn né tránh công chúng, thường xuyên hủy sự kiện trước ngày diễn và không thể "chịu được cái ý nghĩ rằng khán giả ngồi nhà với bản nhạc trên tay... nhận ra mọi lỗi sai".
Bản ghi âm giao hưởng Beethoven nằm trong số ít những gì mà Kleiber để lại cho những người sinh sau đẻ muộn hay những kẻ ở bên kia thế giới, chẳng biết có ai bắt được lỗi nào không nhưng chắc chắn khi nghe nó là ta đang được diện kiến một tài hoa thuộc về thời đã xa.
Và có lẽ cũng sẽ chẳng ai tranh cãi khi bảng xếp hạng xếp rất cao những bản ghi âm của Glenn Gould chơi Golden Variations của Bach năm 1955 hay vở opera Tosca của Puccini với Maria Callas ở đỉnh cao trong vai chính, nàng danh ca Tosca đầy đam mê, dũng cảm nhưng cũng lắm mâu thuẫn và bi kịch.
Đó đều là những bản ghi âm đã tái định hình chính tác phẩm gốc dù chúng đã tồn tại qua bao thế kỷ.
Chẳng hạn, ngón đàn piano của Glenn Gould tạo nên một phiên bản Golden Variations tốc độ, trong vắt, sắc lẻm, loại bỏ toàn bộ những dư âm mà pedal mang lại để tạo nên vẻ hiện đại, chính xác, toán học và điều đó khiến toàn bộ giới mộ điệu sốc ngang sốc ngửa.
Gould, khi ấy chỉ 22 tuổi, đã biến âm nhạc của Bach, vốn thường bị coi là quá hàn lâm, thường chỉ được diễn tấu trên hapischord, trở nên đầy sinh lực.
Tất nhiên, ngoài những lựa chọn tất lẽ dĩ ngẫu ấy, có lẽ đâu đấy người ta cũng sẽ hỏi: tại sao chọn Nocturne lại chọn Arrau mà không chọn Rubinstein hay thậm chí là, tại sao không có đĩa nhạc nào của Rubinstein...
Chẳng sao cả, chẳng có bảng xếp hạng nào là chung cuộc, nghệ thuật đâu phải cuộc đấu vật để xem ai thắng ai thua. Sau rốt, đó chỉ là một lược đồ, giúp ta bước chân vào đó và rồi vẽ bản đồ của riêng mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận