Luộc bánh chưng kiểu "bình thường" - Ảnh minh hoạ: C.K.
Vùng đất Nghĩa Đô thủa xa xưa có tên là Mường Khuông, nghĩa là làng rủi ro xúi quẩy. Chắc là những người tạo dựng nên làng đã gặp những bất trắc, những biến cố do ông trời đưa đến hay con người đưa lại, nên đặt cho mường mình cái tên nghiệt ngã ấy.
Nhưng ruộng đồng Mường Khuông bát ngát. Đồi núi Mường Khuông san sát bát úp rừng xanh bời bời tốt tươi. Khe suối Mường Khuông đầy tôm cá.
Người Tày Mường Khuông đã tạo dựng nên quê hương trù phú, Mường Khuông trở thành nơi quần tụ ấm êm, người dưới châu Lục Yên, người trên Bắc Hà, người bên Tuyên Quang, Hà Giang đều biết tiếng và thường tới lui.
Người dân Mường Khuông nghĩ phải đổi tên quê mình. Cái tên Nghĩa Đô ra đời từ đấy.
Nghĩa Đô giàu ruộng, giàu rừng. Nghĩa Đô giàu tình, giàu nghĩa. Nghĩa Đô giàu tục ngữ dân ca, câu đố dân gian cũng rất giàu. Giàu tiếng hát ru và giàu truyện cổ. Giàu phong tục tập quán và giàu kinh nghiệm làm ruộng làm nương.
Giàu cả cách làm các món ăn, nói như thời du lịch bây giờ phát triển thường dùng chữ nghĩa là giàu văn hóa ẩm thực. Ngoài các món ăn như mọi miền đều có, Nghĩa Đô còn có các món ăn với cách chế biến, gói ghém, đun nấu, đồ hấp, nướng độc đáo.
Rừng Nghĩa Đô sẵn nứa. Cái món cơm nếp lam đã thành quen thuộc mà vẫn rất hấp dẫn. Cái món ếch sẵn có của núi, của đồng ruộng Nghĩa Đô được mệnh danh là "gà đồng" được chế thành món ếch lam luộc trong ống nứa, nghe tả đã phát thèm.
Lại có cách làm bánh chưng luộc bằng ống mạy rịa, tức là nứa dại, hay nứa ngộ, thì thật kỳ công, thật hấp dẫn, ngay từ lúc chuẩn bị rồi nổi lửa luộc bánh đã hấp dẫn rồi.
Ngày Tết, gói và luộc bánh chưng là công việc hệ trọng của người lớn, trẻ em thì háo hức chăm chú ngồi xem. Bếp lửa đun bánh chưng bao giờ cũng để lại những kỷ niệm in đậm trong ký ức mỗi người về gia đình đầm ấm, về miền quê yêu thương.
Cách luộc bánh bằng ống mạy rịa còn in đậm trong ký ức của bà con Nghĩa Đô.
Sắp đến Tết, người đi làm nương đã nhằm sẵn bụi mạy rịa từ trước. Sáng hăm tám, hăm chín Tết, đeo con dao thật sắc lên chọn tìm mấy cây mạy rịa non to nhất chặt về.
Ưng ý nhất là những cây mạy rịa thật to, da xanh, dóng thẳng tròn đều, ngọn cong vút uốn cầu vồng, mới chỉ lơ phơ vài cái lá. Mạy rịa vác về phải đặt gượng nhẹ để không giập vỡ.
Gạo nếp thơm trộng hạt đã vo. Đỗ xanh đã xay kháp rồi đãi sạch vỏ. Thịt ba chỉ thái thành từng thỏi dài tẩm ướp gia vị. Những tàu lá dong xanh óng đã rửa sạch.
Lạt giang thật dẻo mềm. Thoăn thoắt bàn tay khéo léo gói nên những chiếc bánh chưng tầy dài, đều chằn chặn, cỡ lọt thỏm trong những ống mạy rịa.
Khoảng đất rộng dưới tán nhội, tán mít, tán cây vải bên cạnh nhà sàn được chọn làm nơi nấu bánh chưng. Mỗi ống mạy rịa nhận một hai chiếc bánh rồi đổ đầy nước.
Xếp hàng ống nghiêng nghiêng ghếch đều lên một khúc cây tươi bắc ngang thành một dàn tăm tắp. Củi tốt chất dọc theo hàng ống. Mấy tàu lá cọ tươi che phủ trên cao.
Chờ đến đúng nửa đêm hăm chín, tín hiệu là tiếng con gà trống trong chuồng vỗ cánh đồm độp rồi cất tiếng gáy ồ ố ô thì mới bắt đầu nổi lửa. Ngọn lửa reo bập bùng.
Lửa hồng sáng ấm cả khu vườn, hắt sáng lên vòm cây vải, cây mít, cây nhội. Lá cây lao xao reo vui cùng ánh lửa. Một lát sau, các ống lần lượt lục ục sôi. Đã thấy phảng phất mùi thơm thơm quen thuộc và hấp dẫn.
Bếp lửa rừng rực, tiếng các ống bánh sôi đều đều nối tiếp. Trời đêm hăm chín mịt mùng, ẩn hiện vài ngôi sao lẻ khi tỏ khi mờ. Mấy đứa trẻ háo hức chờ bằng được đến khi nổi lửa và các ống bánh lục ục sôi, giờ con mắt đã díp lại, đành lên thang đi ngủ.
Mấy anh em hàng xóm kéo sang, cùng nhâm nhi chén rượu bên bếp lửa chuyện trò rôm rả. Có lúc tĩnh lặng nghe bếp lửa bập bùng, nghe tiếng suối rì rầm đầu bản, nghe đất trời đang lặng lẽ bước sang ngày cuối năm để đêm mai chuyển giao sang năm mới.
Nửa buổi sáng ngày ba mươi thì bánh đã luộc xong. Bánh treo lúc lỉu trên vách, trên mái hiên trước cửa sổ nhà sàn. Lợn đã mổ xong, bắt đầu làm các món và bóc bánh cắt bánh bày mâm cỗ cúng tất niên.
Bánh luộc trong ống mạy rịa thơm ngon và rất rền. Nếp thơm, nhân bánh và gia vị thơm ngon, hợp với mùi lá dong lại thêm chất ngọt thơm từ ống mạy rịa non đốt nóng tứa ra thấm quyện, càng thêm hấp dẫn.
Chính bởi thế, đã có nồi mười, nồi ba mươi đồng đúc, rồi sau này có xoong nhôm tiện dụng, bà con vẫn lưu luyến với cách nấu bánh chưng bằng ống mạy rịa. Bây giờ công việc bận rộn, rừng đã lùi xa, tìm mạy rịa ưng ý không mấy dễ dàng, cách nấu bánh chưng bằng ống mạy rịa vẫn còn trong nỗi nhớ.
Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi ở Nghĩa Đô giao hẹn với tôi: Ông sẽ phục dựng cách nấu bánh chưng bằng ống mạy rịa trong ngày Tết cổ truyền. Ông hẹn tôi Tết này về Nghĩa Đô trò chuyện với nhau bên bếp lửa dưới tán nhội, tán mít, tán vải nấu bánh chưng bằng ống mạy rịa.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận