Hội nghị do Vụ Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - Văn phòng Quốc hội tổ chức tại TP.HCM sáng 22-8
Phóng to |
Những câu chuyện về người thầy - một trong 1.000 bản sách điện tử sẽ được NXB Trẻ cho ra mắt vào tháng 9 - Ảnh: T.T.D. |
So với Luật xuất bản năm 2004, dự thảo Luật sửa đổi lần này dành nguyên chương V gồm 11 điều để nói về xuất bản điện tử. Điều này cần thiết cho quá trình hội nhập của Việt Nam với các nước về xuất bản và văn hóa đọc.
Cách hiểu chưa ổn
Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất là định nghĩa về sách điện tử thì dự thảo Luật xuất bản tỏ ra chưa thuyết phục. Theo điều 4 dự thảo luật, mục từ “xuất bản phẩm điện tử” được hiểu là những xuất bản phẩm truyền thống “được đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử”.
Điều này không ổn ở chỗ: không thể định nghĩa sự vật chỉ bằng cách thông qua phương thức tiếp nhận sự vật đó. Chẳng hạn, hai người bạn chat với nhau qua Internet, người này lật một quyển sách in cho người kia xem thông qua webcam, trường hợp này chính là đọc bằng phương tiện điện tử, nhưng quyển sách kia vẫn là sách in truyền thống.
Vấn đề ở đây là dự thảo luật đã không định nghĩa dựa trên đặc thù tồn tại của xuất bản phẩm điện tử. Từ đó mới phân biệt được xuất bản phẩm điện tử với các loại xuất bản phẩm không phải điện tử; và quá trình hoạt động cùng các mối quan hệ của loại hình sản phẩm này chính là cơ sở để xây dựng các điều luật.
Do chưa xác định đặc thù tồn tại của xuất bản phẩm điện tử (sau đây gọi tắt là sách điện tử), nên cách hiểu việc làm ra, xuất bản, phát hành sách điện tử cũng còn nhiều chỗ chưa sát với thực tế. Bàng bạc trong các điều luật là cách hiểu sách điện tử chính là những gì đọc được trên mạng Internet, trong khi Internet chỉ là một trong số môi trường có thể phát hành sách điện tử.
Ông Lê Thái Hỷ - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cũng phát biểu cho rằng cần làm rõ hai khái niệm “xuất bản phẩm điện tử” và “kinh doanh xuất bản phẩm điện tử trên Internet”.
Cần chuẩn hóa quy trình
Và có lẽ một quy trình chuẩn cho việc sản xuất, xuất bản và phát hành một bản sách điện tử chắc chắn phải được công bố để mọi người cùng hiểu đúng luật. Bởi lẽ sách điện tử có những đặc thù khác với sách in truyền thống, chẳng hạn với sách in khâu xuất bản được đánh dấu bằng việc nhà xuất bản ký quyết định xuất bản (giấy phép), và số giấy phép được in lên khung lưu chiểu của bản sách in. Nhưng với sách điện tử, hành vi đánh dấu cho sự xuất bản là như thế nào và giữ vai trò gì trong quy trình làm sách điện tử?
Với sách in truyền thống, nhà in chỉ in sách khi hồ sơ in có giấy phép hợp pháp. Ấy vậy mà lâu nay vẫn xảy ra in lậu, tức in không có giấy phép, in không đúng giấy phép (đội mũ). Nay, tác dụng của giấy phép trong quá trình làm ra bản sách điện tử có hiệu quả đến đâu là vấn đề cần suy nghĩ. Ông Lê Hồng Minh - giám đốc Vina Game - cho rằng với sách điện tử, vai trò của nhà xuất bản bị thay đổi, nhà xuất bản không còn là nơi đưa sách đến cho người đọc nữa, mà một cá nhân nào đó với một trang web trong tay cũng có thể làm được vai trò của một nhà xuất bản.
Lại nữa, sách in truyền thống thì nhà in quản lý số lượng sách in, số lượng này liên quan đến giá sách, là cơ sở để tính thuế và quản lý phí, tính mức thù lao, nhuận bút phải trả cho tác giả. Nay với sách điện tử, chỉ riêng việc bán hàng thôi đã có rất nhiều hình thức bán và thanh toán (download, đọc online, bán theo thiết bị đọc, tính giá theo cước điện thoại...). Đây cũng là điều mà dự luật chưa bàn tới.
Dù vậy, theo ông Phạm Minh Thuận - tổng giám đốc Fahasa, căn cứ theo thị trường sách điện tử các nước đưa ra ước tính khoảng 10 năm nữa, số đầu sách in sẽ giảm còn dưới 50% hiện nay. Nếu chúng ta không chủ động chuẩn bị cho thị trường sách điện tử tiềm năng thì sự tụt hậu so với các nước trong thị trường sản phẩm văn hóa đọc sắp tới sẽ rất đáng tiếc.
Xung quanh thị trường sách điện tử, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của những đơn vị đang quan tâm sách điện tử: Có cải thiện thị trường tự phát? Lâu nay thị trường sách điện tử ở ta được hình thành tự phát. Những người/ nhóm người đọc chia nhau số hóa các sách mới in, nổi tiếng, rồi cung cấp cho nhau đọc miễn phí. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của nhà sản xuất kinh doanh nhưng họ sẽ kêu ai? Và khi có luật rồi, điều này có được cải thiện không? Luồng sách số ngoài luồng không đáng ngại Tôi cho rằng luật quản lý thế nào thì nhà sản xuất vẫn phải làm việc của mình, bên cạnh đó là tuân thủ quy luật thị trường và tuân thủ thực tế. Vấn đề tồn tại của các nguồn sách số ngoài luồng như lâu nay thật sự không đáng ngại. Đến tháng 9 này, NXB Trẻ sẽ ra mắt 1.000 bản sách số đầu tiên, khi đó chúng tôi sẽ mời lực lượng làm sách số ngoài luồng đến để cảm ơn họ đã đi tiên phong trong việc tạo thói quen đọc sách số ở Việt Nam, đồng thời thông báo các sách của họ chưa đúng chuẩn, họ đang làm sai, và kêu gọi họ đóng phí (không cao lắm) để chúng tôi hiệu đính các bản sách của họ cho đúng chuẩn. Tôi cho rằng những người yêu sách số có thể cùng chung sống với nhau hài hòa. Còn rất nhiều việc phải tính đến Hai trở ngại lớn nhất của việc kinh doanh sách số ở Việt Nam là thói quen không tôn trọng bản quyền và sở thích muốn đọc những sách giải trí, nội dung làng nhàng. Cho nên có khi đầu tư làm một quyển sách nghiêm túc, tốn kém thì lại khó bán. Trong lĩnh vực xuất bản điện tử vẫn còn rất nhiều việc phải tính đến như cách tính doanh thu thật, điều chỉnh các hành vi kinh doanh, quan hệ tác quyền... có khi phải cần cả một tập hợp luật mới được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận