TTCT - Công tác chống ngập của TP.HCM còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, thiếu bền vững, biểu hiện qua việc địa bàn ngập phát triển rộng ra ngoại thành, dự án chống ngập vừa hoàn thành đã có dấu hiệu quá tải... Ngập nước trên đường Trường Sơn, Q.Tân Bình sau cơn mưa lớn ngày 26-8-2016-Hữu Thuận Để chống ngập hiệu quả, trước hết phải đánh giá đúng các nguyên nhân cốt lõi gây ngập. Về khách quan: do khí hậu ngày càng cực đoan, mưa lớn tại TP xuất hiện càng nhiều, đỉnh triều cường ngày càng cao... Về chủ quan: năng lực hạn chế, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các ngành trong chống ngập; công tác quản lý phát triển đô thị thiếu kiểm soát và thiếu tầm nhìn... Xin góp ý ở khía cạnh chủ quan: - Có nguyên nhân do công tác quản lý, điều hành giải quyết chống ngập của TP còn lúng túng, thể hiện việc giao nhiệm vụ chống ngập cho quá nhiều sở ngành, địa phương (trung tâm chống ngập, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, các quận huyện). Ngay cả quy hoạch cũng đang tồn tại song song hai đồ án: một của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thiên về thoát nước mưa, một quy hoạch thủy lợi chống ngập của Bộ NN&PTNT thiên về chống lũ, ngăn triều. Cả hai quy hoạch này khác nhau mục tiêu, phạm vi, mô hình nghiên cứu, tần suất tính toán... Nôm na là hai quy hoạch chống ngập này không gắn kết nhau, mâu thuẫn về bản chất khoa học, đặc biệt số liệu đầu vào như cường độ mưa, triều cường, lún... đều thiếu sót. Vấn đề phân vùng thoát nước, tần suất tính toán thoát nước khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi: vừa mưa lớn, vừa triều cường của một đồ án quy hoạch tích hợp hai quy hoạch cần được bổ sung trước khi triển khai các dự án lớn của từng quy hoạch riêng lẻ. - Có sự bất cập về tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 7957-2008 của Bộ Xây dựng. Theo các dự án thoát nước của TP đã được duyệt, chu kỳ ngập cống thiết kế cho hệ thống thoát nước mưa thường chỉ 3-5 năm, cường độ mưa tính theo đường cong IDF (cường độ mưa - thời gian mưa - chu kỳ mưa) hoặc công thức thực nghiệm quá rủi ro và lạc hậu so với thế giới: thoát nước mưa cho các đô thị lớn có hệ thống dự trữ và sự cố đối với các trận mưa có chu kỳ 25-100 năm. Hậu quả là các dự án thoát nước TP vừa làm xong đã muốn quá tải, phải làm tới làm lui nhiều lần như cống thoát nước Kinh Dương Vương, Hàng Bàng... Những người có trách nhiệm cứ đổ thừa do trời, do mưa vượt chu kỳ thiết kế năm năm. - Ngập do năng lực quản lý đô thị: TP phát triển thiếu kiểm soát, nhưng chưa quan tâm tích hợp giữa giảm ngập và xây dựng TP, thường “đẩy bóng” cho thiên nhiên như mưa lớn, triều cường, đất lún... Đó là chỉ thấy hiện tượng chứ không thấy bản chất vấn đề ngập các đô thị VN hiện chủ yếu do đô thị hóa thiếu kiểm soát. Đáng báo động là việc san lấp không theo cốt nền xây dựng, lấn chiếm mặt nước... chưa được xử lý triệt để. Nhiều dự án chống ngập bằng cách nâng đường, kiên cố hóa bờ sông, lấp kênh thay bằng cống hộp... đôi khi giảm ngập, thuận lợi cho dự án mình nhưng lại gây ngập nghiêm trọng cho khu vực xung quanh. TP.HCM nên có chương trình quan trắc lâu dài về lún TP, về thủy văn, có các giải pháp chống ngập thân thiện phi công trình: sử dụng các vật liệu lớp phủ giảm hệ số dòng chảy, tạo nhiều không gian trữ nước mưa trong khu dân cư. Xây dựng bản đồ sử dụng đất theo phân vùng cảnh báo mức độ rủi ro ngập lụt, giáo dục cộng đồng về xả rác, lấn chiếm kênh rạch... đến từng người dân. Tóm lại, TP nên đánh giá nghiêm túc hiệu quả các dự án chống ngập và các cách làm vừa rồi, nhanh chóng điều chỉnh và tích hợp lại hai đồ án quy hoạch thoát nước chống ngập đã được Chính phủ phê duyệt. Nâng chu kỳ mưa tính toán lên ít nhất 10-25 năm và có kiểm tra đến 100 năm, ưu tiên các giải pháp chống ngập “mềm” thân thiện môi trường, có sự tham gia cộng đồng. Đồng thời tiến hành nghiên cứu mô hình chống ngập cho đô thị ảnh hưởng triều, kết hợp mưa lớn, xả lũ... trong các kịch bản phát triển đô thị. Cần lưu ý bài toán chống ngập đô thị là bài toán tổng hợp rất phức tạp, cần sự tâm huyết, kiên trì của các cá nhân và đơn vị tham gia, nhiều khi phải thực tế “xăn quần lội nước”, vừa làm vừa điều chỉnh. Để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm và không hiệu quả, nên giao nhiệm vụ cho một cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho UBND TP điều hành quyết chống ngập, vệ sinh môi trường, cả quản lý xây dựng... Theo tôi, nên giao cho Sở Xây dựng. Phần Bộ Xây dựng, nên tham mưu Chính phủ có một chương trình cấp nhà nước về chống ngập cho các đô thị VN và nghiên cứu lại tiêu chuẩn thoát nước.■ Ngập nước ở TP.HCM đã kéo dài 20 năm Từ những điểm ngập cục bộ ở một số khu vực nội thành cuối những năm 1990 thành ngập cả tuyến đường, ngập một khu vực suốt những năm đầu thập niên 2000. Nếu năm 2003 khu trung tâm TP có 62 điểm ngập với 348 lần ngập thì đến năm 2007 số điểm ngập tăng lên 107 với 869 lần ngập. Năm 2008, số điểm ngập cũng như số lần ngập có giảm: các quận trung tâm chỉ còn 82 điểm và 565 lần ngập. Năm 2011, số điểm ngập ở các quận trung tâm chỉ còn 31 (tổng số 58 điểm), số lần ngập còn 284. Năm 2013 chỉ còn 6 điểm ngập ở trung tâm, nhưng đến năm 2014 có 33 điểm tái ngập, 6 điểm chưa giải quyết và phát sinh 29 điểm mới. Sở GTVT, Trung tâm chống ngập có kế hoạch cuối năm 2015 xóa 51 điểm ngập và năm 2016 xóa hết tất cả các điểm ngập còn lại. Tags: Chống ngậpNgậpNgập lụtSài Gòn ngập lụt
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.