Chính phủ xin rút Luật đất đai ra khỏi chương trình họp năm 2019 vì nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 33, tập trung cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp này sẽ cho ý kiến với 9 dự án luật, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 và việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7.
Bên cạnh đó là cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018" và báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
Phiên họp cũng sẽ xem xét quyết định danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách trung ương; bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, trong tờ trình về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã xin điều chỉnh chương trình năm 2019: rút khỏi chương trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai.
Lùi thời hạn trình Luật khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung 6 dự án luật, pháp lệnh gồm Luật giám định tư pháp; Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ; Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều; Luật xây dựng; Luật thi đua, khen thưởng; pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng...
Liên quan Luật đất đai, đại diện Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết đây là dự luật quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, đặc biệt tác động đến chính trị, quốc phòng, an ninh xã hội của đất nước, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một số nội dung như đất của cơ sở tôn giáo, bồi thường giải phóng mặt bằng, người nước ngoài mua đất, tích tụ đất đai...
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật đất đai đã có chủ trương, ban soạn thảo luật cần đánh giá tổng kết việc thi hành luật, chỉ ra các bất cập, hướng sửa luật cụ thể, nêu rõ mức độ lùi thời hạn.
"Giờ sửa mà chưa rõ chính sách gì mới. Đề nghị thống nhất lùi trong năm 2019 nhưng không phải lùi vô thời hạn mà Chính phủ phải tổng kết, đánh giá thực hiện Luật đất đai, đánh giá kỹ các chính sách mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đưa vào chương trình năm 2020", Chủ tịch Quốc hội kết luận.
Luật Hội, Luật đặc khu xin ý kiến Bộ Chính trị
Báo cáo về một số dự án luật xin rút khỏi chương trình các năm 2016, 2017, 2018, tờ trình Chính phủ cho biết đối với Luật về Hội, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá tác động và có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Đối với Luật biểu tình, hiện Bộ Công an đang tiếp tục nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế để xây dựng dự án luật.
Với Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án theo hướng xây dựng một luật chung, đồng thời báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận